Người Kể Chuyện trau dồi tư duy phản biện từ các nguồn nào? | Vietcetera
Billboard banner

Người Kể Chuyện trau dồi tư duy phản biện từ các nguồn nào?

Đọc đâu để biết rộng, hiểu sâu? Người Kể Chuyện sẽ gợi ý cho bạn đọc Vietcetera trong số mới của Ổn App.
Người Kể Chuyện trau dồi tư duy phản biện từ các nguồn nào?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

Giữa một thế giới tràn ngập thông tin, việc đi tìm những tiếng nói có lập luận vững và khối óc phản biện không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi đó là tiếng nói của một người trẻ.

Vũ Hoàng Long, hay còn được biết đến với cái tên gần gũi là Người Kể Chuyện, là một cái tên nổi bật trong số ít những người trẻ đó.

Nếu bạn cũng thắc mắc làm thế nào để có thể liên tục mở rộng góc nhìn của mình, hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ Người Kể Chuyện nhé.

Academia.edu - Tìm kiếm và theo dõi các học giả

titleTrang caacute nhacircn của Vũ Hoagraveng Long Trang caacute nhacircn của Vũ Hoagraveng Long
Trang cá nhân của Vũ Hoàng Long tại Academia.edu

Đây là một kho lưu trữ các bài viết học thuật trên toàn thế giới, không chỉ cho phép bạn đọc bài mà còn kết nối, liên lạc trực tiếp với rất nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng.

Qua đó, bạn sẽ được quan sát cách lập luận, phản đề của nhiều khối óc quay quanh một/nhiều chủ đề. Mình tin đây là cách tốt nhất để rèn tư duy phản biện.

Điểm tiện lợi của ứng dụng này là mình chỉ cần bấm theo dõi tác giả mình quan tâm là sẽ nhận được thông báo về bài viết mới nhất.

Tại Academia, mỗi bài viết đều có số liệu thống kê số lượt truy cập, lượt tải xuống, lượt được tác giả khác trích dẫn lại, và gợi ý các bài viết khác có chung chủ đề… Nhờ đó mình (và cả bạn đọc) sẽ biết hiệu suất bài viết của mình đến đâu khi so sánh với các tác giả khác.

So với phiên bản website thì phiên bản ứng dụng không trực quan bằng vì các nghiên cứu thường nhiều chữ, khi hiển thị trên màn hình nhỏ sẽ khiến bạn dễ mỏi mắt.

Truy cập Academia tại website/app

Jstor - Đọc miễn phí 100 bài nghiên cứu mỗi tháng

Jstor là một thư viện điện tử lưu trữ hơn 2000 tập san và các đầu sách học thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại đây bạn sẽ tìm thấy những bài viết mới xuất bản và cả những nghiên cứu đã thực hiện cách đây hơn trăm năm.

Trước đây website này thu phí thường niên, nên bạn phải có tài khoản của trường đại học (nếu trường của bạn có liên kết với Jstor) thì mới truy cập miễn phí được. Nhưng may mắn là từ sau đại dịch COVID-19, Jstor đã cho phép tất cả người dùng truy cập miễn phí 100 bài viết mỗi tháng.

Mình đọc rất thường xuyên, nhưng tối đa cũng chỉ chạm mốc 20-30 bài mỗi tháng, nên có lẽ bạn đọc cũng sẽ hài lòng ngay với dịch vụ hiện tại của Jstor.

Đối với người mới mày mò tìm kiếm các nguồn tham khảo chất lượng cao, mình rất khuyến khích các bạn tìm đến Jstor. Những chính sách mới cho thời dịch, mà mình nghĩ cho cả sau này luôn, rất hữu ích cho người nghiên cứu vì nó giúp tiết kiệm các khoản chi phí phi lý của các nhà xuất bản.

Truy cập Jstor tại website

Các nguồn thông tin khoa học thường thức khác

Critical Inquiry - Trang điện tử chính thức của The University of Chicago, chuyên về Nghiên cứu Văn hoá (Cultural Studies).

Tia Sáng - Viện khoa học và công nghệ Việt Nam.

Epoche Magazine - Nguyệt san về lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết văn hoá.

Monoskop.org - Trang bách khoa toàn thư về nghệ thuật, truyền thông và nhân văn. Tại đây bạn có thể tải bài viết và sách trực tiếp về thiết bị cá nhân.

Larval Subjects - Blog của giáo sư Levi R. Bryant - Trưởng khoa Triết học tại Collin College, Texas, Mỹ.

Các nguồn thông tin này có ý nghĩa thế nào với Người Kể Chuyện?

Nhìn chung, các website chuyên ngành đều có nội dung rất nặng chuyên môn và chỉ có dân chuyên môn sử dụng. Đó là điều khiến nghiên cứu hàn lâm khó tiếp cận đến đại chúng (nếu bạn nghĩ nghiên cứu buộc phải tiếp cận đến đại chúng, còn mình thì không nghĩ vậy).

Việc tìm đi tìm lại, hay tiếng Anh gọi là re-search, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.

Thay vì chọn du học, thứ có thể gây tốn kém về cả thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ, mình chọn làm một đứa bé học tập và làm việc quanh quẩn trong môi trường Việt Nam và các nước châu Á.

Các nguồn thông tin đa dạng trên mạng đã mở rộng những đường biên giới bó buộc mình, giúp mình tiến đến gần hơn với các nội dung chuẩn quốc tế dù chỉ đang ngồi trước màn hình máy tính.

Trên hành trình đó, mình kết duyên được với rất nhiều đồng nghiệp tốt, bất kể họ làm việc và sinh sống ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Mình còn nhận được một số lời đề nghị xuất bản sau thời gian thư từ với một số nhà nghiên cứu mình yêu thích, và đôi lúc nhận được cả quà (sách vở) gửi từ nước ngoài về.