Người tố giảng viên Đại học Ngoại thương lừa tiền có lựa chọn nào? | Vietcetera
Billboard banner

Người tố giảng viên Đại học Ngoại thương lừa tiền có lựa chọn nào?

Với lượng thông tin ít ỏi từ cả 2 phía, liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Người tố giảng viên Đại học Ngoại thương lừa tiền có lựa chọn nào?

Nguồn: Hồng cho Vietcetera

Sáng 13/12, trên Facebook, một bài đăng tựa đề “Lột trần bộ mặt của một giảng viên ngoại thương" của một người tự xưng là cựu sinh viên trường FTU (Hà Nội), mới lên sóng được 8 giờ đã thu hút hơn 21 ngàn lượt tương tác.

Cựu sinh viên này đã tố cáo Tiến sĩ N.N.Đ, phó khoa đào tạo Quốc tế của trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), có hành vi không đúng đắn, mang tính quấy rối tình dục và lừa đảo số tiền lên tới trăm triệu đồng. Cụ thể, giảng viên này đã hứa giúp cô có công việc tại trường nếu cô đồng ý chạy tiền, vì thầy có quan hệ với các cấp trên.

Bài đăng với lượng tương tác tăng từng phút | Nguồn: Ảnh chụp màn hình bài viết

Tiền trao nhưng cháo không múc. Giảng viên này nhanh chóng lặng im đồng thời không quên đe dọa cô rằng “uy tín của thầy ở trường là vững lắm rồi.”

Sau khi đăng bài viết hy vọng được đòi lại tiền, bạn nữ trong trường hợp trên còn có thể làm gì? Chẳng may bị lừa tiền khi đi xin việc hay chức thì bạn có những lựa chọn nào?

#Lựa chọn 1: Đưa ra bằng chứng về sự việc trên mạng xã hội

Trong các vụ việc có yếu tố nhạy cảm như quấy rối tình dục, lừa đảo thì các hình ảnh chụp màn hình tin nhắn luôn được các cư dân mạng xem như bằng chứng lôi kéo dư luận. Nếu có thể cung cấp được thêm bằng chứng về sự việc, nạn nhân có thể sẽ khiến dư luận đứng về phía mình, tạo sức ép cho vụ việc được xử lý.

Trong vụ việc, bạn nữ có nói rằng vì thỏa thuận miệng và giao dịch trực tiếp nên không thể cung cấp được các giấy tờ về chuyển tiền. Tuy nhiên, vẫn có các loại bằng chứng khác bao gồm:

  • Tin nhắn trao đổi giữa cả hai bên;
  • Bản ghi âm các cuộc trò chuyện;
  • Người thứ 3 có tham gia vào cuộc trò chuyện và trao đổi của cả 2 bên;
  • Thông tin về một nạn nhân khác (nếu có).

Trường hợp tương tự đã xảy ra khi một nạn nhân tự nhiên bị mất tiền trong tài khoản, đã sớm đòi được công lý khi bài đăng trên mạng của anh nhận được nhiều phản hồi. Cho tới hiện tại, bài đăng của bạn nữ đã được đăng trên nhiều nền tảng báo mạng khác chứ không chỉ ở Facebook, vậy nên vụ việc này khó có thể chỉ giải quyết, dàn xếp nội bộ giữa 2 bên.

#Lựa chọn 2: Im lặng sau bài đăng

Hiện tại không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra về sự việc. Bên cạnh đó chủ nhân của bài viết này cũng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài. Điều này cũng khiến nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện khi họ chỉ mới có thể nghe được thông tin một phía.

Nếu im lặng không động tĩnh sau bài đăng, khả năng cao cô sẽ bị kiện ngược lại vì tội “xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác" trên mạng xã hội. Hành vi này sẽ khiến cô bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, ngoài ra bài đăng tố cáo hơn chục nghìn tương tác cũng sẽ bị gỡ bỏ.

Cho tới hiện tại theo như báo Vietnamnet đưa tin, đại diện của trường Đại học Ngoại thương không hề nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo nào. Bên cạnh đó trường cũng đã rà soát và liên hệ với cựu sinh viên nhưng vẫn không nhận được hồi đáp để xác minh rõ. Bên cạnh đó giảng viên trong cuộc cũng đã lên tiếng rằng:

"Đây là nick clone mới lập, không hề có thông tin uy tín. Tôi và nhà trường đang phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc xác minh để truy vết xem ai là người đăng và họ đăng với mục đích gì.”

#Lựa chọn 3: Kiện ra tòa và giải quyết theo Luật Dân Sự

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và tư vấn của Luật Minh Khuê, bạn nữ có thể đòi lại tiền theo hướng khởi kiện đòi lại tài sản do giao dịch vô hiệu.

Trong trường hợp này, có thể thấy giao dịch của bạn nữ và giảng viên là giao dịch trái với đạo đức và quy định pháp luật nên thỏa thuận giữa 2 bên là không có giá trị, hay còn gọi là “giao dịch dân sự vô hiệu".

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên hình thức này cũng yêu cầu phải có bằng chứng về việc trao đổi giữa hai bên.

#Lựa chọn 4: Tố cáo với cơ quan công an

Luật Minh Khuê cũng có tư vấn thêm hướng giải quyết thứ 2 là tố cáo cơ quan công an, viện kiểm soát hoặc tòa án để truy cứu giải quyết hình sự. Nếu vụ việc đúng như bài đăng miêu tả, thì giảng viên này có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đọa tài sản, khi không hoàn trả tiền sau khi không xin được việc cho bạn nữ như cam kết.

Một số vụ án được báo CAND đăng

Tuy nhiên để có thể làm điều này, thứ quan trọng nhất là bằng chứng. Trong quá khứ các vụ việc lừa đảo chạy việc như thế này không phải hiếm. Cơ quan công an cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo các phụ huynh và sinh viên mới ra trường không nên vì nôn nóng mà để bị lừa.

Cho tới hiện tại, vụ việc dường như chỉ mới bắt đầu khi các bên liên quan vẫn chưa thật sự đưa ra các bằng chứng "thép". Dù kết quả có ra sao thì với sự chú ý của dư luận, sự kiện này sẽ là một hồi chuông cảnh báo cho văn hóa chạy việc.