Sự việc Huỳnh Lập - Hồng Tú nói gì về văn hóa chụp màn hình? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Sự việc Huỳnh Lập - Hồng Tú nói gì về văn hóa chụp màn hình?

Không chỉ gây tranh cãi về đạo đức, sự việc Huỳnh Lập - Hồng Tú còn đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư với thông tin cá nhân.
Sự việc Huỳnh Lập - Hồng Tú nói gì về văn hóa chụp màn hình?

Khi tin nhắn được chụp lại và lưu trữ ở đâu đó, khó có thể biết được đến lúc nào nó sẽ vô tình lộ ra.  | Mai Minh Hong cho Vietcetera.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Tối ngày 08/09/2021, cộng đồng mạng dậy sóng với bài đăng của nam thanh niên có tên P.D.N. Dòng trạng thái của P.D.N đi kèm với những bức ảnh chụp màn hình, được cho là từ các cuộc nói chuyện giữa anh cùng hai diễn viên Huỳnh Lập và Hồng Tú.

Theo đó, P.D.N đã tố cáo Huỳnh Lập và Hồng Tú dù đang có quan hệ tình cảm, nhưng lại “gạ gẫm” P.D.N vào một mối quan hệ mở. Đoạn tin nhắn còn gây tranh cãi với ngôn từ nhạy cảm 18+.

Cho đến thời điểm hiện tại, phía Huỳnh Lập và Hồng Tú vẫn chưa lên tiếng về sự việc.

2. Mối quan hệ mở (open relationship) là gì?

Mối quan hệ mở là khi một cặp đôi cho phép nhau trải nghiệm tình dục hoặc tình cảm với người ngoài cuộc ở một mức độ nhất định, theo thỏa thuận trước đó. Mối quan hệ mở thường chịu chỉ trích vì phức tạp, nhiều rủi ro và không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Trong sự việc này, nội dung những đoạn tin nhắn cho thấy Huỳnh Lập và Hồng Tú muốn có một mối quan hệ mở với P.D.N. Không chỉ muốn một mối quan hệ tình cảm, cả hai còn lôi kéo P.D.N sang nhà để làm “chuyện người lớn”.

3. Sự việc nói gì về văn hóa chụp màn hình?

Chuyện đời tư của Huỳnh Lập và Hồng Tú bị phát tán qua những tấm ảnh chụp màn hình tin nhắn. Qua đó, chúng ta có thể thấy khái niệm “chụp màn hình” đã đi xa hơn nhiều so với khuôn khổ của một tính năng trên thiết bị công nghệ.

Trước đây, ảnh chụp màn hình thường chỉ được dùng bởi người chơi trò chơi điện tử, khi họ chụp lại những chiến thắng hoặc thông báo lỗi. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, chụp màn hình dần trở thành một văn hóa. Trên các trang mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp ảnh chụp màn hình của các bài đăng hay bình luận hài hước.

Từ góc nhìn xã hội, chụp màn hình còn là một yếu tố “thêm dầu vào lửa” cho văn hóa oversharing (chia sẻ quá đà) trên các phương tiện truyền thông. Văn hóa oversharing này tấn công trực tiếp vào sự riêng tư của mỗi người, đòi hỏi họ phải thể hiện sự riêng tư đó cho cả xã hội biết.

4. Ảnh chụp màn hình có giá trị pháp lý không?

Với những vụ việc có dấu hiệu phạm tội, ảnh chụp màn hình cũng có thể là bằng chứng. Luật Giao dịch điện tử nêu rõ tin nhắn được quy định là một dạng thông điệp dữ liệu, nhưng phải đảm bảo được tính khách quan, hợp pháp và liên quan tới vụ việc.

Luật Dân sự cũng quy định “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.” Ngoài ra, luật cũng yêu cầu việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai những thông tin cá nhân này phải có sự đồng thuận.

Do vậy, tự ý công bố thông tin và dữ liệu đời tư cá nhân của người khác mà chưa được đồng ý là vi phạm pháp luật và có thể khởi kiện được nếu bị xâm phạm.

5. Các trang mạng xã hội đã làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng?

Nhận biết được tầm ảnh hưởng của ảnh chụp màn hình, các trang mạng xã hội phổ biến như Instagram, Snapchat, Viber đều đã xuất hiện thêm tính năng thông báo khi có người chụp màn hình đoạn hội thoại.

Ngoài ra, ứng dụng hẹn hò dành cho cộng đồng LGBTQ+ Blued hiện đã chống chụp và quay màn hình trong khi gọi video. Tính năng này trở nên cấp thiết trong bối cảnh các ứng dụng hẹn hò có tính chất phơi bày nhiều khía cạnh riêng tư.

Mạng xã hội cũng từng dậy sóng khi biết các công ty này đưa ra chính sách chống chụp màn hình. Có nhiều ý kiến được đưa ra, thậm chí nhiều báo đài còn đăng tải cả hướng dẫn cách “lách luật”.

Snapchat nổi tiếng với tính năng thông báo khi có người chụp màn hình đoạn hội thoại. | Nguồn: Solen Feyissa cho Pexels.

6. Văn hóa chụp màn hình nói gì về hành vi doxxing?

Tưởng chừng là một thói quen bình thường với mục đích vô hại (chỉ chia sẻ giữa bạn bè), chụp màn hình có thể là hành động tiếp tay cho doxxing.

Doxxing là thuật ngữ dùng để chỉ việc một cá nhân, tổ chức và người nổi tiếng bị quấy rối trực tuyến bằng thông tin cá nhân của họ. Hình thức đơn giản nhất của doxxing chính là đi “rải" thông tin cá nhân của một người ở khắp mọi nơi. Khi đó, những kẻ tấn công có thể sử dụng thông tin bị phát tán đó gây hại đến chủ thể.

Doxxing là một hành vi “giận cá chém thớt” cực kỳ nguy hiểm cần được lên án do ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của những người vô can đến sự việc.

7. Có cách nào để tránh bị chụp màn hình không?

Khi tin nhắn được chụp lại và lưu trữ ở đâu đó, khó có thể biết được đến lúc nào nó sẽ vô tình lộ ra.

Để đề phòng, ta nên ưu tiên sử dụng những nền tảng trò chuyện có tính bảo mật cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể cài thêm các ứng dụng ngăn ngừa chụp màn hình cho thiết bị của mình.

Tuy vậy, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là chủ động từ ý thức. Khi chụp lại nội dung của người khác và chia sẻ, ta có thể làm giảm tác động bằng cách che tên nhân vật. Đã tới lúc ta cần nghĩ về trách nhiệm của mình khi chụp lại sự riêng tư và chia sẻ nó ra cộng đồng, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm.