Nhà văn Salman Rushdie: Can đảm để đương đầu với thế giới đầy hiểm nguy | Vietcetera
Billboard banner

Nhà văn Salman Rushdie: Can đảm để đương đầu với thế giới đầy hiểm nguy

1 án tử hình và 10 nhát dao vẫn là chưa đủ để đánh gục lòng can đảm của tiểu thuyết gia bậc thầy.
Nhà văn Salman Rushdie: Can đảm để đương đầu với thế giới đầy hiểm nguy

Nguồn: Detroit Free Press

Salman Rushdie - nhà văn người Anh gốc Ấn Độ, người mới thoát chết sau khi bị đâm hơn 10 vết dao trong lúc đang diễn thuyết tại New York, mang trên mình một án tử hình vắng mặt. Án tử treo lơ lửng trên đầu Rushdie bắt nguồn từ chính tác phẩm và tài năng văn học của ông.

Với sức viết mạnh mẽ, ông đã cho ra đời 14 cuốn tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn và hàng trăm bài tiểu luận, phê bình. Trong số đó, cuốn Midnight’s Children (1981) đã thắng giải Booker và đưa ông lên hàng ngũ những cây viết quan trọng của thời đại. Thế nhưng khi nhắc tới ông, người ta thường nhớ tới The Satanic Verses (1988) - tác phẩm bị coi là báng bổ đạo Hồi và bị cấm ở một số quốc gia.

Sự việc trở nên căng thẳng tới mức Lãnh đạo Tối cao của Iran khi ấy đã tuyên án tử hình với Rushdie và kêu gọi các phần tử Hồi giáo thi hành “công lý” với tiểu thuyết gia này. Rushdie phải sống dưới sự bảo trợ của cảnh sát và liên tục chuyển địa điểm sống.

Tuy nhiên, tất cả những trở ngại đó không thể cản ông làm điều mình giỏi nhất: truyền đạt niềm tin của bản thân trong khi chơi đùa với lằn ranh thực-mộng của không gian tiểu thuyết.

Dũng cảm nói điều khó nói và hỏi điều khó hỏi

Đối với Rushdie, văn học là sự hư cấu, theo nghĩa mỗi tác phẩm văn học dù có bám sát vào hiện thực tới đâu thì cũng là do nhà văn tạo ra. Đi từ quan điểm này, Rushdie coi mỗi tác phẩm văn học là một phiên bản của hiện thực, và những người viết như ông là những người kiến tạo hiện thực để phơi bày những điều chưa hiển lộ.

Ông cũng cho rằng một tác phẩm văn học đáng đọc phải có tính thách thức. Chẳng những không sợ làm phật ý người khác, Rushdie còn làm điều đó với sự hóm hỉnh đầy duyên dáng. Ông không chấp nhận thứ văn chương xoa dịu, chiều chuộng người đọc của các cây bút thị trường, mà chuộng thức văn khiến người ta phải cau mày, phải nhăn mặt, hay thậm chí là cảm thấy bị công kích theo một phương diện nào đó.

Hai phương châm sáng tác ấy phù hợp với con đường văn chương mà Salman Rushdie đã lựa chọn. Đó là con đường hiện thực huyền ảo mà trước ông, các tên tuổi lớn như Gunter Grass hay Jorges Luis Borges đã cất bước.

Ông sử dụng các chi tiết kỳ ảo để khắc họa một thực tại khác theo góc nhìn độc đáo. Với Rushdie, văn học không đơn thuần phản ánh hiện thực tầm thường, mà có vai trò nâng tầm nhận thức của con người về hiện thực để nhìn ra các vấn đề khó nói, khó nghe. Đây là kỹ thuật mà ông đã hoàn thiện qua Midnight’s Children và đặc biệt là The Satanic Verses.

The Satanic Verses đặt ra một câu hỏi lớn mang tính đối thoại: liệu các văn bản tôn giáo, với tất cả sự thần thánh và tính tuyệt đối của nó, có thể được chỉnh sửa và diễn giải lại hay không? Bám vào một giai thoại Hồi giáo, Rushdie kiến tạo một thực tại hỗn hợp giữa thực và mộng, giữa tôn giáo và thế tục để tự đưa ra câu trả lời của riêng mình.

Chính điều này đã làm các thế lực Hồi giáo nổi giận, dẫn tới án tử hình vắng mặt mà ông phải chịu từ thế kỷ trước, và vụ tấn công mà chắc phải rất lâu nữa ông mới hồi phục được. Thế nhưng nếu cho Rushdie chọn lại, có lẽ ông vẫn sẽ chọn viết ra những ngôn từ ấy, những áng văn chương ấy. Bởi trong ông có sự can đảm của một người mở đường:

“Ngôn ngữ chính là lòng can đảm: đó là khả năng hình thành một suy tưởng, trình bày suy tưởng đó ra, và thông qua hành động đó biến nó thành sự thực.”

Sống như lý tưởng của mình

Bi kịch của Rushdie là bi kịch của người có chính kiến và biết chính xác phải làm thế nào để truyền đạt chính kiến của mình. The Satanic Verses chính là hiện thân hoàn hảo nhất của lý tưởng mà Rushdie trân trọng: can đảm để nói ra những suy tưởng của mình và kiếm tìm sự đối thoại, mặc cho những nguy hiểm có thể tới.

Và quả thực, nguy hiểm đã tìm tới Rushdie. Vài tuần sau khi cuốn tiểu thuyết tăm tiếng và tai tiếng của ông ra đời, cộng đồng người Hồi giáo tại Anh bắt đầu biểu tình và đốt sách của ông trên đường phố. Một năm sau, cộng đồng Hồi giáo coi ông là một kẻ thù cần phải tiêu diệt - thậm chí còn có cả một “quỹ tiền thưởng” hơn 600 ngàn đô cho mạng của ông.

Rushdie có trong danh sách ám sát của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, và cũng đã có nhiều người định ám sát ông. Thế nhưng mặc cho những nguy hiểm bủa vây, Rushdie vẫn sống, và vẫn viết.

Ông nhiều lần lên tiếng đối thoại lại với những chỉ trích nhắm vào bản thân và vào tác phẩm. Một năm sau khi án tử kích hoạt, ông cho ra hai tập tiểu luận mang tên In Good Faith Is Nothing Sacred? trong đó diễn giải góc nhìn của ông về tôn giáo, đức tin, và thái độ của con người hiện đại với hai chủ đề này.

Sau đó, trong năm 1992, ông tiếp tục xuất bản một tập tiểu luận khác nói về một chủ đề nhạy cảm không kém: cuộc sống của người di cư Ấn Độ tại Anh, cũng như vị trí và nỗi đau của họ trong nhiều thập kỷ bị khinh rẻ như sản phẩm phụ của đế quốc. Với Rushdie, đây không chỉ là chuyện trình bày ý tưởng, mà là sự đại diện cho một cộng đồng người lưu vong, và cho cả chính tuổi thơ nhọc nhằn của ông khi phải rời bỏ quê nhà Bombay để tới nước Anh.

Và cứ như thế, ông vẫn viết, vẫn tranh luận với đồng nghiệp và người đọc, vẫn cãi nhau ỏm tỏi với những kẻ buộc tội ông bôi nhọ tôn giáo và báng bổ thần linh, vẫn làm người đọc mê mẩn với thế giới hiện thực huyền ảo của mình.

Sau vụ tấn công tại New York, bằng một cách nào đó, Rushdie vẫn sống. Hiện ông đã ngưng dùng máy thở và bắt đầu quá trình hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần. Một cách đầy bản năng, lòng can đảm khởi phát từ văn học đã đưa ông qua cửa tử, và có lẽ sẽ còn đưa ông tới nhiều địa hạt văn chương khác trong tương lai.