1. Chuyện gì đã xảy ra?
Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn chương 2023 cho Jon Fosse - nhà văn, nhà soạn kịch người Na Uy “vì đã cất lên những điều không thể nói qua những vở kịch và áng văn độc sáng.”
Đây là tác giả người Na Uy thứ tư nhận giải Nobel Văn chương. Lần gần nhất có một người Na Uy đạt giải này là cách đây gần 100 năm - nữ tiểu thuyết gia Sigrid Undset vào năm 1928.
Các tác phẩm của ông chưa được dịch chính thức tại Việt Nam. Nhưng ông là một tên tuổi rất lớn trên văn đàn châu Âu - lớn tới nỗi có hẳn một lễ hội quốc tế mang tên ông - International Fosse Festival.
2. Jon Fosse là ai?
Sinh ra và lớn lên tại Na Uy vào năm 1959, trải nghiệm văn chương của Jon Fosse bắt đầu ngay từ khi ông còn 7 tuổi với một câu chuyện không liên quan gì tới văn chương: một vụ tai nạn khiến ông cận kề cái chết. Chính sự kiện này, điều mà ông mô tả là “một trạng thái vô cùng thanh bình và hạnh phúc,” đã định hình con người nghệ thuật trong ông.
Ông xuất bản tác phẩm đầu tay là cuốn tiểu thuyết Raudt, svart (Đỏ, đen) vào năm 1983. Từ thời điểm đó, trung bình cứ hai năm một lần, ông lại có một tác phẩm mới, cấu thành một sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ.
Bước ngoặt trong sự nghiệp nghệ thuật của Fosse là vở kịch đầu tay Nokon kjem til å komme (Ai đó sẽ tới) vào năm 1996. Lấy cảm hứng từ sự sợ hãi khi chờ đợi một điều vô định sắp tới, vở kịch chứng minh cho tài năng độc nhất của Fosse qua việc thể hiện những xúc cảm mạnh mẽ của con người: sự bất an, cảm giác bất lực, trạng thái không-thể-biểu-đạt trong dáng hình của những yếu tố thường nhật trong đời sống.
Bằng tài năng đó, Jon Fosse đã viết trên dưới 40 vở kịch trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Ông cũng làm thơ, viết văn học cho thiếu nhi, và có một số tiểu luận.
Ngày nay, Jon Fosse là một trong những kịch sĩ hiện đại nổi tiếng nhất, và văn đàn cũng đã công nhận những tiểu thuyết của ông như những tác phẩm quan trọng của văn học hiện đại trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng.
3. Tại sao lại trao giải cho tác giả này?
Trả lời phỏng vấn của truyền thông, đại diện Viện Hàn lâm khẳng định Jon Fosse là một tài năng văn chương lớn. Điều quan trọng nhất mà Viện Hàn lâm ghi nhận trong sáng tác của ông là những cảm xúc rất người, rất thân mật mà tất cả chúng ta đều có thể liên hệ.
Đó là những trạng thái mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời: nỗi bất an, sự tự ti, câu hỏi chông chênh về sự sống và cái chết. Dù tập trung nhiều vào sự nghiệp soạn kịch và viết tiểu thuyết của Fosse, Viện Hàn lâm khẳng định rằng tất cả các sáng tác của ông, dù là thơ, là văn xuôi, hay là kịch, đều gợi nên những xúc cảm căn bản nhất của con người
Khi được hỏi về việc nên bắt đầu tiếp cận với sự nghiệp của Fosse từ đầu, Viện Hàn lâm khẳng định rằng những người yêu nghệ thuật có thể khởi đầu với bất cứ vở kịch nào của ông. Đó là những tác phẩm rất dễ đọc và tiếp nhận trên bề mặt ngôn từ, dù chúng sinh ra để biểu diễn trên sân khấu. Với hạng mục tiểu thuyết, đại diện của Viện đề xuất cuốn Morning and Evening (2000, bản dịch tiếng Anh năm 2015)
4. Sự kiện thể hiện gì về xu hướng văn chương trên thế giới?
Để đủ tiêu chuẩn nhận giải Nobel, ngoài giá trị văn chương, các tác phẩm phải có một đời sống mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng người đọc, mà trong cả giới phê bình và hàn lâm.
Tên tuổi của Jon Fosse đã được khẳng định qua một thời gian dài. Việc Viện Hàn lâm trao giải cho một người vừa là tiểu thuyết gia, vừa là nhà soạn kịch cho thấy sức sống của các sân khấu kịch tại châu Âu - ngành công nghiệp tưởng như đã sụp đổ trước áp lực phong tỏa của dịch Covid-19 cách đây không lâu.
Bên cạnh đó, dường như văn chương thế giới vẫn chuộng những cảm xúc mạnh mẽ và có tính chất vấn con người, thể hiện những từ khóa mà các chuyên gia hay dùng để mô tả nội dung văn chương của Jon Fosse.
Một điều quan trọng khác mà cộng đồng độc giả, nhà phê bình, cũng như giới xuất bản chú trọng văn chương hiện đại là tính nguyên bản của ngôn ngữ và những trải nghiệm ngôn ngữ. Các tác phẩm của Jon Fosse gắn chặt với tiếng mẹ đẻ và bối cảnh văn hóa của ông. Xu hướng này là điều mà không chỉ các nhà phê bình, mà các cây viết hiện đại cũng đã khẳng định.
5. Điểm mặt một số ứng cử viên trượt giải?
Trước khi lễ trao giải diễn ra, nhà văn Tàn Tuyết từ Trung Quốc đứng đầu danh sách đặt cược của các nhà cái. Nên nhớ rằng vào năm 2022, người đứng đầu danh sách đặt cược - Annie Ernaux - đã trở thành cái tên được xướng lên. Năm nay, kịch bản tương tự đã không xảy ra.
Một nhà văn Trung Quốc khác là Diêm Liên Khoa cũng được nhiều người đặt kỳ vọng. Những người khác thì thủ thỉ một khả năng khác: liệu năm nay hội đồng trao giải có phá lệ và đưa giải thưởng cho một người đã khuất - tức Milan Kundera, người mất cách đây không lâu.
Và tất nhiên, sẽ không phải là một mùa Nobel Văn chương trọn vẹn nếu không nhắc tới Haruki Murakami - người năm nào cũng được xướng tên trong danh sách ứng cử viên nặng ký.
Trong bộ phim Past Lives, nhân vật chính Nora đã nói rằng cô rời Hàn Quốc tới Mỹ “vì người Hàn Quốc thì không đoạt giải Nobel Văn chương.” Lần gần nhất mà Viện Hàn lâm trao giải cho một cái tên châu Á cũng đã cách đây 11 năm - nhà văn Mạc Ngôn vào năm 2012.