Nhật Ký: "Sao chẳng ai chìa tay cứu khi mình cần nhất?” | Vietcetera
Billboard banner

Nhật Ký: "Sao chẳng ai chìa tay cứu khi mình cần nhất?”

“Suy nghĩ khi bị bắt nạt năm đó đã giúp em trở thành người hỗ trợ khuyến khích các bystander (người bàng quan) đứng lên ngăn chặn việc bắt nạt.”

Nhật Ký: "Sao chẳng ai chìa tay cứu khi mình cần nhất?”

Nguồn: Linh Chi

Plan

“Nghĩ mình là trung tâm của sự chú ý à?”, “Con điên”... là mấy câu em nghe đến mức thuộc lòng thời còn đi học. Mà toàn từ những người em chưa bao giờ gặp. Lý do đơn giản vì em hướng ngoại nên hay năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa, và điều ấy làm nhiều người thấy “ngứa mắt”. 

Em đã từng sợ đến trường. Mỗi lần khóc sau khi đi học về, em hay nghĩ tại sao chẳng ai chìa tay cứu khi mình cần nhất. Những ngày ấy giúp em hiểu rằng nếu không ai làm gì với người bị bắt nạt, thì mình sẽ là người cần làm điều gì đó. 

Quyết định ấy đã đưa em đến Plan International. Em nằm trong nhóm thanh niên hoạt động cùng tổ chức, hỗ trợ khuyến khích những bystander - người bàng quan trước việc bắt nạt - đứng lên ngăn chặn chúng. 

Nhóm của bọn em có người từ Indo, từ Úc và cả các bạn Việt Nam. Với một nhiệm vụ nhỏ như phân tích tâm lý của một bystander, có người giữ trách nhiệm tìm kiếm trên mạng, có người thì tra sách báo. Sau cùng, cả nhóm sẽ cùng nhau họp lại, lọc thông tin nào là hữu dụng, thông tin nào là sai lệch và viết chung một báo cáo để gửi cho đội nghiên cứu. 

Rất nhiều nguyên nhân khiến một bystander quyết định đứng ngoài trong cuộc chiến bắt nạt. Nhiều trường hợp đứng lên bênh vực đã bị mắng mỏ không thương tiếc, không chỉ trên mạng mà còn ngoài thực tế. Có người vốn đã chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, nên chọn cách không tham gia "drama" hoặc thành người bắt nạt để giải tỏa căng thẳng.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực khuyến khích bystander, em phải học cách hiểu được những chuyển biến tâm lý phức tạp ấy để tìm cách thay đổi chúng. Chỉ khi giúp các bystander biết tiếng nói của họ có thể thay đổi cục diện nhiều thế nào (giúp người khác suy nghĩ khác đi, hay thậm chí có thể thay đổi tâm lý của một kẻ bắt nạt), họ mới có can đảm đứng lên.

Phải biết phân biệt đâu là một bình luận ngụy biện hay có tính công kích, phải giữ cho mình một cái đầu công bằng, lại còn phải tập lại cách viết, để… viết báo cáo cho súc tích. Nhiều ngày em cứ ngồi thừ trước máy tính mấy tiếng đồng hồ, chỉ để nghĩ xem nên viết thế nào cho đội nghiên cứu dễ hiểu nhất. Quá nhiều kiến thức phải học, nên giai đoạn đầu em bối rối cực, thậm chí cũng thấy mệt mỏi nữa.

Nhưng có một lần, em tận tai nghe câu chuyện bị đụng chạm trên xe buýt từ em gái. Có rất nhiều người nhìn thấy, nhưng chẳng ai giúp đỡ. Dù là nạn nhân, nhưng em cũng phải thu hết can đảm mới dám chia sẻ với chị gái của mình. Khoảnh khắc ấy, em cảm nhận rõ sự bất lực của mình. Ước gì khi đó có ai giúp đỡ em ấy thay em thì hay quá.

Thế giới này vẫn còn nhiều người bàng quan lắm. Nhưng sẽ ra sao nếu nạn nhân là một người mình yêu thương, hoặc chính bản thân mình? Chỉ cần một lần đứng lên bênh vực kẻ yếu, đôi khi mình cũng đã là sợi dây cứu những nạn nhân đang trong ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Cứ nghĩ đến những điều ấy, là bao nhiêu khó khăn với em cũng không là gì. 

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, khi phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trực tuyến. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ.