Sốc phản vệ sau khi tiêm phải làm sao? | Vietcetera
Billboard banner

Sốc phản vệ sau khi tiêm phải làm sao?

Sau một ngày chăm người bệnh trong tình thế bị động, mình đúc rút ra nhiều bài học cho riêng mình.
Sốc phản vệ sau khi tiêm phải làm sao?

Sau khi tiêm bị sốc phản vệ phải làm sao?

Sáng 10/08, khu nhà mình tiêm vaccine AstraZeneca. Mình không gặp vấn đề gì, nhưng bạn mình đến 9 giờ tối thì bị sốc phản vệ, khó thở và tim đập rất nhanh, nhịp tim lên đến 130/phút trong khi người bình thường chỉ 60-100/phút.

Mình biết đây là 2 phản ứng sau tiêm thuộc diện phải nhập viện, nên mở tờ chứng nhận tiêm để gọi số liên lạc khẩn cấp, nhưng thuê bao tắt máy. Gọi thêm mấy số hotline y tế khác và gọi cả taxi đều không được nhận, may sao cuối cùng anh hàng xóm lấy xe ô tô để đưa bọn mình đi.

Vì đi quá gấp nên khi phóng ra khỏi nhà mình chỉ kịp mang theo một cái điện thoại còn 26% pin - đã hết dung lượng 3G, một cái khẩu trang và một cái ví không có đồng tiền mặt nào (chung cư phong tỏa và thành phố giãn cách nên hơn tháng nay mình không rút được tiền).

Rất nhiều bất tiện đến từ sự vội vàng này. Ví dụ như điện thoại hết pin, không hỏi mượn được sạc của ai. Không có quần áo và khẩu trang để thay mới. Không mua được cháo vì hàng ăn ở bệnh viện không nhận thanh toán qua thẻ hoặc chuyển khoản. Cây ATM ngoài cổng không rút được tiền. Hay thậm chí không có bảo hiểm y tế để được đỡ tiền viện phí.

Thêm nữa, mình không được về nhà lấy đồ vì chị y tá nói rằng việc chăm bệnh nhân là “con đường một chiều”, người bệnh hay người nhà muốn vào và ra đều phải qua 2 lần test Covid, một lần test nhanh, một lần test PCR. Nếu cứ ra ra vào vào sẽ tốn tiền, tốn thời gian xét nghiệm và tăng nguy cơ lây nhiễm.

Thế là khi được chuyển từ khoa cấp cứu lên khoa tim, ký vào biên bản nhập viện, trong đầu mình đã nghĩ đến viễn cảnh sinh hoạt vài ngày tại đây với duy nhất 1 bộ quần áo. Sự bị động khiến tình thế đi viện càng trở nên khó khăn. Rất may là bạn mình diễn tiến tốt nên được xuất viện sau 20 tiếng đồng hồ.

titleRất may bạn migravenh được xuất viện chỉ sau 20 tiếng  Nguồn Oacuteng Aacutenh
Bạn mình được xuất viện chỉ sau 20 tiếng | Nguồn: Óng Ánh

Một ngày chăm người bệnh trong tình thế bị động làm mình đúc rút ra nhiều bài học. Mình nghĩ bài học này sẽ hữu ích với những bạn chưa tiêm vaccine, và ngay cả mình cũng phải rút kinh nghiệm cho lần tiêm mũi 2.

1. Chuẩn bị hành trang đầy đủ

Ngoài C sủi và thuốc hạ sốt, trước khi tiêm hãy chuẩn bị luôn một hành trang để sẵn sàng vào viện bất cứ lúc nào. Hành trang này bao gồm: tiền mặt, bảo hiểm y tế, 1-2 bộ quần áo sạch, sạc dự phòng, nhiều khẩu trang, kính chống giọt bắn, khăn mặt, khăn ướt có cồn, giấy vệ sinh, giấy tờ tùy thân, một chút đồ ăn nhanh… Nếu phải đi bệnh viện thì cứ thế xách đi thôi.

2. Xác định cơ sở y tế bạn sẽ đến và phương tiện di chuyển trong trường hợp khẩn cấp

Lúc mọi thứ xảy ra, bản thân mỗi người đều hoảng loạn nên có thể mất nhiều thời gian để tìm cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Mình tìm bệnh viện và người đưa đi bệnh viện chỉ trong khoảng 5-7 phút thôi, nhưng trong tình thế cấp bách, tính mạng của người bệnh có thể chỉ tính bằng giây, mỗi phút trôi qua là tình hình lại căng thẳng hơn.

3. Không nên ở một mình sau khi tiêm

Nếu không có người ở cùng nhà thì cũng nên có số điện thoại của hàng xóm. Khi bạn có biểu hiện co giật khó thở, bạn phải nhờ đến sự trợ giúp của những người gần mình nhất.

4. Tham gia group Zalo hoặc Facebook của chung cư, tổ dân phố nơi bạn sống

Mình rất hướng nội nên khá ngại hội nhóm và kiên quyết không dùng Zalo, vậy mà từ lúc chung cư bị phong tỏa và quản lý theo mô hình từng tầng, mình buộc phải dùng Zalo để biết mọi diễn biến bên ngoài, cũng như tiện order đồ ăn thức uống của các tiểu thương.

Giai đoạn này đúng là sống bằng tình làng nghĩa xóm rồi. Nếu hôm trước không có anh hàng xóm trên group hô lên “Mình có xe, để mình đưa đi” thì mình cũng không biết phải xoay sở thế nào.

5. Hiểu về bệnh nền và tình trạng cơ thể

Hãy nghiêm túc kiểm tra các bệnh lý nền của mình, các loại thuốc mình đang uống và khai báo cụ thể trước khi tiêm. Cố gắng đừng bỏ qua chi tiết nào dù là nhỏ nhất.

Khi tiêm diện rộng, ở khâu khám sàng lọc người ta thường hỏi rất nhanh “có bệnh nền hay không?” để cho vào tiêm. Việc khám bệnh lý nền chỉ dừng ở mức cơ bản như đo huyết áp. Vì vậy bạn phải nói rõ tình trạng sức khỏe của mình và có ý thức với bản thân mình nhất. Nếu bạn đang uống thuốc theo đơn, hãy hỏi bác sĩ xem có cần dừng uống những loại thuốc đó trước khi tiêm không.

6. Giữ một thái độ đúng mực

Mình thực sự biết ơn khi có được sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Chị y tá không biết tìm ở đâu ra một cái sạc iPhone lúc 3 giờ sáng, gõ cửa phòng cho mượn. Người nhà bệnh nhân giường bên cạnh đổi cho 500k tiền mặt (mình chuyển khoản lại cho chị) để đi mua cháo và sữa. Dù mình có hoang mang, sợ hãi, các bác sĩ vẫn kiên nhẫn chỉ dẫn và từ tốn giải thích tình hình.

Về đến nhà, tắm nước nóng và thay quần áo mới, pha nước chanh mật ong, ngắm hoàng hôn, nấu một bữa cơm nóng và đi ngủ chăn ấm nệm êm. Mình thấy may mắn vì có được những điều nhỏ nhặt bình thường như vậy.

Mùa dịch này ai cũng trong trạng thái căng thẳng, mỗi người cố gắng bình tĩnh và thả lỏng một chút để tránh lan tỏa sự tiêu cực đến người đối diện. Hòa khí dân tộc là thứ rất nên giữ lúc này, một thái độ dễ chịu, dễ mến sẽ giúp cho mọi việc trôi chảy hơn.

(Chia sẻ từ chị Hương Thủy)