Những lí do vì sao bạn nên xem Maid ngay khi có thể | Vietcetera
Billboard banner

Những lí do vì sao bạn nên xem Maid ngay khi có thể

Một series trên Netflix về một người lau dọn nhà cửa thì có gì mà hay?
Những lí do vì sao bạn nên xem Maid ngay khi có thể

Nguồn: Netflix

1. Maid kể câu chuyện gì?

Maid là câu chuyện kể về hành trình rời bỏ mối quan hệ bạo hành của hai mẹ con Alex và Maddy. Là một người mẹ đơn thân 25 tuổi, không có bằng đại học với không một xu dính túi, Alex chật vật tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho cô và đứa con gái 3 tuổi bằng cách lau dọn nhà cửa cho các gia đình khá giả.

Trên hành trình đó, các khó khăn về phía hỗ trợ chính phủ, vấn đề gia đình liên tục đổ dồn về phía Alex và buộc cô từng bước phải vượt qua chúng.

2. Maid có phải là một câu chuyện có thật?

Sau khi ra mắt, Maid đã được giới phê bình hết mực khen ngợi vì cách tiếp cận rất chân thật đến những vấn đề nhạy cảm như sự nghèo đói và nạn bạo hành gia đình.

Điều này cũng khá dễ hiểu khi Maid được lấy cảm hứng từ một cuốn tự truyện mang tên “Nghề giúp việc: Công việc nặng nhọc, đồng lương ít ỏi và ý chí sống còn của người mẹ” của tác giả Stephanie Land. Đây là cuốn tự truyện đã ghi danh trong top những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times và nằm trong danh sách đọc mùa hè năm 2019 của cựu tổng thống Barack Obama.

Steph Land
Stephanie Land và con gái của mình | Nguồn: Twitter

Trả lời phỏng vấn trên tờ Komo News, tác giả Stephanie Land chia sẻ:

“Khi mà tôi còn là là một người mẹ đơn thân, những lúc không ngủ được, tôi thường google những thứ đang xảy ra trong cuộc đời mình. Tôi chỉ muốn biết là tôi không một mình… Tôi chỉ muốn biết là đâu đó có một người khác đang trải qua những thứ tôi đang trải qua, nhưng tôi không tìm được họ, ở bất kì đâu. Vì thế tôi đã quyết định viết ra thứ mà tôi đang tìm kiếm.”

3. Đảm nhiệm vai chính là ai?

Người đảm nhiệm vai chính Alex là nữ diễn viên Margaret Qualley.

Đã từng là một vũ công ba lê và người mẫu, Margaret Qualley đã nhận được đề cử Emmy đầu tiên cho vai diễn Ann Reinking, một nữ vũ công trong series ngắn Fosse/Verdon. Cô có lẽ được biết đến nhiều nhất bởi khán giả Việt Nam nhờ vai diễn Pussycat trong bộ phim Once upon a time in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino.

Margaret Qualley trong vai Pussycat | Nguồn: Glamour

Maid là một series mà toàn bộ cốt truyện đều được kể thông qua góc nhìn của nhân vật Alex. Nữ diễn viên đã thật sự làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc dẫn dắt người xem qua cảm xúc của nhân vật. Từ đó nhận được cơn mưa lời khen từ các nhà phê bình cho màn trình diễn xuất sắc này.

Chia sẻ về quá trình hóa thân này, Margaret Qualley nói về nhân vật Alex:

“Cuộc sống của cô ấy khác xa tôi… Tôi biết tôi được sinh ra với rất nhiều quyền lợi và việc hóa thân vào Alex thậm chí còn làm rõ điều ấy hơn. Nó làm cho tôi nhận ra tôi đã may mắn như thế nào…” (Elle)

4. Các cặp mẹ-con trên màn ảnh là ai?

Để Margaret Qualley có được màn trình diễn tuyệt vời và thuyết phục như vậy, không thể không kể đến sự kết nối tuyệt vời giữa cô và con gái trên màn ảnh của mình. Bé Maddy, được thủ vai bởi diễn viên nhí Rylea Nevaeh Whittet. Kể về quá trình kết hợp đặc biệt này, Qualley nói:

“Một trong những điểm quan trọng nhất cần phải vượt qua đó chính là Rylea. Với một diễn viên thì chúng tôi có thể lên kế hoạch, “Mối quan hệ của chúng ta là như thế này, hãy ôm tôi như thế này,...” Nhưng mà với một đứa bé 4 tuổi thì tôi phải giành được tình cảm từ cô bé, để bé có thể cảm thấy an toàn và thoải mái khi nằm trong tay tôi. Cô bé ấy là một thiên thần, nên là tôi rất vui khi làm việc đó.” (Elle)

Cặp mẹ con Alex và Maddy | Nguồn: Netflix

Ở mặt ngược lại, diễn viên đóng vai người mẹ nghệ sĩ của Alex, bất ngờ thay, cũng chính là mẹ ruột của Margaret Qualley. Bà là Andie MacDowel, một diễn viên gạo cội của Hollywood, đã từng góp mặt ở rất nhiều các bộ phim nổi tiếng như Groundhog Day (1993), Four Weddings and a Funeral (1994) và trước Maid là phim Ready or Not (2019).

5. Cái tên Việt Nam xuất hiện trên phần credit là ai?

Quyên “Q” Trần là một đạo diễn hình ảnh gốc Việt hiện sinh sống và làm việc tại Los Angeles. Cô là một trong các đạo diễn hình ảnh chủ đạo cho series Maid, và là đạo diễn chính cho tập 8 “Bear Hunt” của series này.

Dự án nổi tiếng nhất với khán giả Việt Nam mà cô tham gia với tư cách là đạo diễn hình ảnh có lẽ là bộ phim Palm Springs (tựa Việt “Mở Mắt Thấy Hôm Qua”) được công chiếu vào đầu tháng 3 vừa qua. Tựa phim này đã phá kỉ lục bộ phim bán chạy nhất tại liên hoan phim Sundance và trở thành một trong những tựa phim được stream nhiều nhất trên nền tảng Hulu.

Xuất thân là một nhiếp ảnh gia, những bức ảnh về thảm hỏa 9/11 của cô đã xuất hiện trên rất nhiều mặt báo lớn tại Mỹ. Sau đó, cô nhập học tại UCLA và trở thành học trò của một trong các đạo diễn hình ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại, Roger Deakins.

Trong Maid, cô gây ấn tượng với cách sử dụng ánh sáng và sắp xếp cảnh quay rất có chủ ý để khán giả luôn có cảm giác được xem câu chuyện qua con mắt của Alex. Công việc của một đạo diễn hình ảnh thường bị đánh giá đơn giản qua hai từ “phim đẹp”, nhưng qua Maid, Quyên Trần đã làm được nhiều điều hơn thế nữa.

6. Vì sao bạn nên xem Maid?

  • Cách tiếp cận những vấn đề nhạy cảm như bạo hành gia đình và sự nghèo đói cực kì chân thật.

  • Cốt truyện sâu sắc cùng nhịp dựng phim rất hiệu quả, khiến bạn luôn luôn cuốn theo những hành động của Alex.

  • Maid là một bộ phim không dễ xem, nhưng lại cực kì đáng xem. Vì series này đã rất khéo léo bắt khán giả đối mặt với những sự thật không mấy sáng sủa của xã hội để chúng ta có thể học hỏi và trở nên cảm thông hơn.

7. Những điều có thể bạn chưa biết về series Netflix này

  • Nữ diễn viên thủ vai cho nhân vật Regina, Anika Noni Rose chính là diễn viên lồng tiếng cho nhân vật chính diện gốc Phi đầu tiên của Disney, Tiana trong The Princess and the Frog (2009).

  • Lo sợ về việc câu chuyện của mình đang quá “da trắng” và ít giá trị nhân rộng, Stephanie Land đã từ chối rất nhiều đề nghị làm phim. Chỉ khi Tom Wells và Margot Robbie đề nghị hư câu hóa câu chuyện và chọn lựa một dàn cast đa dạng về sắc tộc, cô mới đồng ý để họ sản xuất Maid.

  • Địa điểm giả tưởng Port Hampstead được lấy cảm hứng từ thành phố Port Townsend, nơi tác giả Stephanie Land sống. Tuy vậy, cả bộ phim gần như đều được ghi hình tại thành phố Colwood thuộc British Columbia, Canada.

  • Đọc thêm về tác giả Stephanie Land qua những câu chuyện và bài phỏng vấn của cô trên Vox.