Những thuật ngữ để hiểu một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật | Vietcetera
Billboard banner

Những thuật ngữ để hiểu một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật

Có gì liên quan đến một buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật?
Những thuật ngữ để hiểu một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật

Nhà đấu giá Sotheby's là địa điểm tổ chức những cuộc đấu giá tác phẩm nổi tiếng | Nguồn: Artsy

Ngày 27/11 vừa qua, phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại Đông Nam Á tại nhà đấu giá Bonhams đã chứng kiến 2 tác phẩm Việt được “gõ búa” với giá vượt mốc 1 triệu USD.

Hai tác phẩm gồm bức bình phong sơn mài Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long của cố họa sĩ - nghệ nhân sơn mài Phạm Hậu, và bức tranh lụa Chơi Nguyệt Cầm của cố danh họa Mai Trung Thứ.

Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, tác phẩm Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được “gõ búa” với mức giá 3,1 triệu USD, qua đó phá kỷ lục đấu giá cho tranh Việt Nam - được tạo lập với mức giá 1,4 triệu USD cho bức họa Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ vào năm 2019.

Buổi đấu giá bức tranh được thực hiện bởi nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong, trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sales. Đây được coi là cột mốc quan trọng, mang đến sự khích lệ sáng tạo to lớn cho cộng đồng hội họa Việt Nam.

Trong bài viết này, Vietcetera sẽ giới thiệu đến độc giả những thuật ngữ cơ bản xoay quanh một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật.

1. Auction estimate

Auction estimate là khoảng giá ước tính của một tác phẩm trong buổi đấu giá, giúp những người mua tiềm năng biết được phạm vi giá mà người bán dự kiến sẽ bán. Khoảng giá này, đi từ mức giá thấp nhất mong muốn đến mức giá mong muốn dự kiến, thường có sự chênh lệch 50% và luôn được đề cập trong catalogue của buổi triển lãm.

Khoảng giá ước tính sẽ do nhà đấu giá và người bán tác phẩm thoả thuận. Công việc này được thực hiện dựa trên giá bán trước đó của nghệ sĩ hoặc giá đạt được cho các tác phẩm nghệ thuật tương tự của các nghệ sĩ khác.

Đặc điểm riêng biệt của mỗi tác phẩm, ví dụ như có một lịch sử được sở hữu bởi người nổi tiếng, cũng sẽ ảnh hưởng đến khoảng giá ước tính. Năm 2016, một chiếc váy trắng đính pha lê thông thường đã được bán với giá 4,8 triệu USD vì từng được mặc bởi minh tinh Marilyn Monroe khi cô hát chúc mừng sinh nhật Tổng thống Mỹ John F Kennedy.

dress
Chiếc váy từng được mặc bởi Marilyn Monroe đã được bán với giá 4,8 triệu USD | Nguồn: People

2. Auction coordinator

Auction coordinator là điều phối viên đấu giá - thành viên chủ chốt của một nhà đấu giá. Họ chịu trách nhiệm điều phối và sắp xếp để tổ chức cuộc đấu giá, đồng thời đảm bảo các tác phẩm được mua bán một cách công bằng.

Công việc của họ thường bao gồm kết nối với các nghệ sĩ và thương nhân để thu thập tác phẩm cho cuộc đấu giá, đồng thời ghi lại những sự kiện và đặc điểm quan trọng của tác phẩm nhằm nâng cao giá trị, giúp chúng trở nên dễ bán hơn. Họ còn có thể chịu trách nhiệm tiếp thị cuộc đấu giá và trưng bày các tác phẩm nhằm thu hút sự chú ý của những người mua tiềm năng.

3. Appraisal

Appraisal là sự thẩm định, chỉ quá trình đánh giá tỉ mỉ giá trị của một tác phẩm nghệ thuật sau khi xem xét tất cả các yếu tố liên quan, nhằm đưa ra một mức giá phù hợp với giá trị của tác phẩm. Việc thẩm định này được thực hiện bởi các chuyên gia - những người có chuyên môn đồng thời cam kết thực hiện công việc một cách độc lập, toàn diện và khách quan.

appraisal
Việc thẩm định tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi các chuyên gia | Nguồn: Christie's

Trong quá trình này, các tác phẩm được thẩm định dựa trên nghiên cứu thị trường. Điều này bao gồm việc nghiên cứu lịch sử sở hữu tác phẩm, các hồ sơ đấu giá, hồ sơ bán hàng tư nhân và các tác phẩm nghệ thuật tương tự hiện đang được bán. Một hồ sơ thẩm định hoàn chỉnh thường bao gồm phần mô tả, trong đó nêu chi tiết các yếu tố thực tế của sản phẩm được thẩm định và sau đó là đề xuất về giá trị của sản phẩm bằng tiền.

4. Catalogue

Catalogue là một danh mục đề cập đến tất cả các tác phẩm sẽ được đưa ra đấu giá. Nó bao gồm những thông tin cơ bản mà một người mua tiềm năng có thể muốn biết về một tác phẩm cụ thể trước khi tiến hành đặt giá. Quyển catalogue thường bao gồm quyền tác giả, tiêu đề, chất liệu của tác phẩm, ngày, tháng, địa điểm, mô tả ngắn gọn về tác phẩm và khoảng giá ước tính.

catalogue
Catalogue là một danh mục đề cập đến tất cả các tác phẩm sẽ được đưa ra đấu giá | Nguồn: Pinterest

Thông thường, một danh mục đấu giá được đối chiếu và xuất bản trước ngày đấu giá từ 2 đến 4 tuần. Các tác phẩm đấu giá cũng thường được quảng bá trên thị trường trong một thời gian ngắn trước khi danh mục đấu giá được phát hành. Khoảng thời gian này được cho là cơ hội để các bên quan tâm xem xét về khả năng mua bán tác phẩm, đồng thời nghiên cứu một mức giá phù hợp mà họ có thể đặt ra.

5. Condition report

Condition report là bản báo cáo về hiện trạng của các tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong buổi đấu giá, đề cập về bất kỳ tỳ vết và hư hại của tác phẩm, cũng như bản chất của những hư hại đó. Mục đích của bản báo cáo là cung cấp cho những người mua tiềm năng cái nhìn toàn diện về tác phẩm nghệ thuật mà họ đang quan tâm.

Không nhất thiết chỉ bao gồm những hư hại của tác phẩm, condition report cũng có thể bao gồm thông tin về quá trình phục chế trước đây, ví dụ như được làm sạch, sơn sửa hay dặm lại. Các nhà đấu giá thường không khuyến khích những tác phẩm được phục chế quá nhiều, do lo ngại điều này làm ảnh hưởng đến tính nguyên bản của tác phẩm.

report
Các nhà đấu giá thường không khuyến khích những tác phẩm được phục chế quá nhiều | Nguồn: Menzies Art Brands

6. Bid

Bid là giá thầu, cho biết số tiền mà một người đề nghị trả cho một tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Có nhiều loại “bid” khác nhau:

  • Dummy bid: Đây là “bid” được đặt ra nhằm mục đích tăng mức giá đang được đấu giá của tác phẩm. Những người đặt ra những “bid” này hoàn toàn không có ý định mua tác phẩm, họ chỉ trả giá nhằm đẩy mức giá lên để tác phẩm có thể được bán với giá cao hơn. Đây là một trong những chiến thuật thường được sử dụng bởi các nhà đấu giá.
  • Proxy bid: Nếu người mua không có mặt tại buổi đấu giá nhưng vẫn tiến hành trả giá cho tác phẩm, “bid” này được gọi là “proxy bid”. Những người trả giá vắng mặt này sẽ có hai cách để đặt “proxy bid”. Họ có thể thông báo trước cho nhà đấu giá về mức giá tối đa họ muốn trả cho tác phẩm, hoặc nhờ một ai đó tham dự buổi đấu giá và đặt những “bid” dưới tên của họ.
  • Retract bid: Đây là thuật ngữ chỉ những “bid” bị hủy bỏ bởi người đấu giá khi họ rút lui. Không phải “bid” nào cũng có thể được hủy bỏ. Để đảm bảo tính công bằng và khách quan của các buổi đấu giá, các nhà đấu giá thường đặt ra quy trình rõ ràng cho trường hợp người đấu giá muốn rút lại những đề nghị trả giá của họ.
  • Sealed bid: Đây là thuật ngữ chỉ một phương thức đấu giá, trong đó người tham gia cuộc đậu giá sẽ có một khoảng thời gian nhất định để nộp “bid” của họ cho nhà đấu giá một cách bí mật. Nhà đấu giá sau đó sẽ tiến hành trao tác phẩm cho người trả giá cao nhất.