Thời điểm bước ra ánh sáng | Vietcetera
Billboard banner

Thời điểm bước ra ánh sáng

Bạn đã bao giờ có cảm giác này chưa? Đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cho dự án cá nhân, nhưng lại không biết làm thế nào để bắt đầu.
Thời điểm bước ra ánh sáng

Nhật Ký: Thời điểm bước ra ánh sáng

Bạn đã bao giờ có cảm giác này chưa? Bạn chuẩn bị một dự án cá nhân, ví dụ thu podcast. Mọi thứ đã xong: kịch bản, thiết bị, tạo dựng kênh podcast... Bạn thậm chí đã thu âm xong một (vài) số, chỉ còn đợi ngày lên sóng.

Nhưng rồi ngay chính lúc này, bạn không biết làm thế nào để bắt đầu. Một nỗi sợ bắt đầu lớn dần lên. Nhỡ giọng mình hơi ghê, nhỡ tạp âm còn nhiều, nhỡ chủ đề mình chọn không hay, nhỡ không ai muốn nghe mình nói? Đến đây, thậm chí bạn có thể ngồi xem tử vi, chọn ngày đẹp, tính toán nhân số học để mong một lời gợi ý, một sự bảo chứng từ... vũ trụ.

Thường thì người ta vẫn nói: Bây giờ hoặc không bao giờ. Ý khuyên bạn hãy bắt đầu ngay đi, đừng chần chừ nữa.

Tuy nhiên, tôi nhận ra việc chần chừ cũng có lý do đúng đắn của nó - ta muốn đưa ra điều tốt nhất vào thời điểm thích hợp nhất. Vậy nên, tôi thường chia ra hai loại lý do để xem xét khi quyết định thời điểm bắt-đầu-khoe.

Một, là lý do khách quan có thể cải thiện. Ví dụ, nếu bạn thu podcast và đọc vấp, bạn hoàn toàn có thể thu lại đoạn đó cho hoàn hảo hơn.

Hai, là lý do cảm quan không thể đoán biết. Ví dụ, bạn tự hỏi, không biết những cái mình viết ra, làm ra có ai cần đến không? Ai sẽ đọc truyện của mình, ai sẽ nghe nổi giọng của mình, ai sẽ cần món đồ mình giới thiệu?

Tôi gọi lý do thứ hai là những câu hỏi không thể có câu trả lời. Tuy bạn có thể gửi thành phẩm cho một số người bạn thân quen nghe/xem trước và góp ý thêm cho bạn, nhưng điều ấy phần nhiều chỉ hỗ trợ ở góc độ tâm lý. Ý kiến của vài người thân quen khó nói trước được về ý kiến của số đông - những người sẽ tiếp nhận dự án của bạn.

Do đó, cách để xác định thời điểm thích hợp để ‘rao lên cho làng nước biết’ chính là: Hoàn thiện hết các vấn đề kỹ thuật ở mục Một, rồi đặt xuống các lo lắng ở mục Hai. Và bước ra ánh sáng.

Bạn không bao giờ có thể biết được sự thật là gì, cho đến khi bạn để chúng thật sự trả lời bạn.

Xin kể một câu chuyện nhỏ từ góc độ cá nhân, vào cái lúc mà chúng tôi bắt tay vào làm kênh podcast Chuyện kể em nghe, mém nữa tôi đã nhấn nút khai tử cho toàn bộ dự án trước khi đưa chúng ra ánh sáng.

Đó là khoảng ba ngày trước thời điểm dự định lên sóng, khi các vấn đề kỹ thuật đã xong, tranh minh họa đã vẽ, bản thu âm đã sẵn sàng để lên lịch, thì tôi-cảm-thấy-thật-kinh-khủng.

Ai sẽ ngồi trong 10 phút lặng im để nghe cái kiểu chuyện này? Đứa trẻ nào sẽ chịu nghe kiểu chuyện này? 3-5 tuổi, quá nhỏ. 6-8 tuổi, quá lớn. 9-12, thôi bỏ qua. Người trưởng thành lại càng không có hy vọng.

Tôi không thể tự trả lời các câu hỏi này. Thật ra không người nào trong nhóm chúng tôi trả lời được câu hỏi này. Dạ dày tôi cuồn cuộn sóng, và tôi nói rằng thôi đừng làm nữa, làm cái khác đi. Nhưng rồi chồng tôi đã nói rằng, cứ thử thôi, em không đưa nó ra, làm sao em biết được câu trả lời?

Thế rồi tôi đành trông cậy hoàn toàn vào cộng sự của mình trong ngày ra mắt Chuyện kể em nghe, còn tôi, tôi trùm chăn nằm kín, đau bụng, toát mồ hôi, lo lắng hoảng hốt nghĩ đến việc không ai thèm nghe. Tôi thậm chí còn nằm mơ thấy tờ báo giật tít: "Thảm họa của podcast truyện thiếu nhi!".

May mắn thay, tôi không nổi tiếng đến thế. Không báo nào thèm giật tít về tôi cả. Nhưng Chuyện kể em nghe, thì có người nghe. Những phản hồi tốt đẹp bay về phía tôi dù không nằm trong dự tính. Tôi hơi thở phào nhưng vẫn lo lắng, vì chỉ thấy toàn người lớn ở đây.

Cho đến khi, mẹ một em bé quay lại nói với tôi rằng, con của chị rất thích chuyện con cá màu hồng muốn trở thành màu xanh, em thậm chí đã nằm mơ thấy con cá hồng. Một em bé khác bảo con cá hồng buồn cười thế.

Và một em bé khác, đã biết chờ đến thứ Sáu hằng tuần để nghe chuyện. Sau khi em nghe chuyện về con cá nóc không thể phình to, đã hỏi mẹ là cá nóc có phát sáng được như trong truyện không, người mẹ đã nhắn tin cho chúng tôi nhờ trả lời câu hỏi này.

Tất nhiên là tôi đã trả lời, như thế này: "Có chứ con. Cá nóc hoàn toàn có thể phát sáng thật đó. Nhưng cá nóc chỉ phát sáng vào Lễ Hội Bơi Trăng dành cho riêng bộ lạc cá nóc mà thôi. Con người chưa được quyền tham dự vào lễ hội mầu nhiệm đó.

Tuy nhiên, trong tương lai, biết đâu chúng ta sẽ có thể. Chúng ta có thể bắt đầu từ ngày hôm nay, với lòng dám mơ mộng và tin tưởng vào sự rộng lớn của thế giới. Rồi ngày mai, có thể ta sẽ được ban cho tấm vé bước vào khoảng không diệu kỳ của cuộc sống, mà hôm nay chúng ta chưa biết đến.

Biết đâu, người cầm tấm vé đầu tiên đó, có thể là con - em bé 5 tuổi lúc này."

Và, bạn cũng vậy, bạn cũng là một “em bé” đang sợ nhiều trước ngày bước ra ánh sáng. Chỉ có bạn mới biết được thứ ánh sáng đó có gì, rằng mình có phát sáng được không. Không ai khác biết điều đó cả, tôi cũng vậy. Nhưng tôi rất muốn biết.

Vậy nên, hãy bước ra nhé.

(Chia sẻ của nhà thơ Nhược Lạc)