Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh này chưa?
Hàng ngày mở TV và internet, chúng ta thấy truyền thông phóng chiếu trước mắt cánh tay nam giới đầy cơ bắp và làn da nữ giới trắng nuột nà. Ta thấy những mái tóc bóng mượt, những bờ môi căng mọng và những vòng eo con kiến. Rồi cả những khuôn mặt v-line đẹp không tì vết, cùng cơ thể cao ráo và cân đối, ăn vận với những bộ cánh lịch thiệp, sang trọng và có cả gợi cảm, gợi dục…
Khi ánh mắt ta nhìn vào những hình mẫu ấy, ta thấy hình hài lý tưởng của mình - một thứ mình có thể chưa có ở hiện tại và không biết bao giờ mới có thể đạt được. Ta xấu hổ về cơ thể quá gầy gò hoặc thừa cân của mình. Ta nhìn vào ví và tính nhẩm không biết 5 hay 10 năm nữa mới tích lũy đủ tiền để mua những bộ trang phục “Hollywood” trên TV.
Rồi màn hình điện thoại ta phủ kín với những quảng cáo thẩm mỹ viện và phòng tập gym... Ta cảm thấy bất an tột độ vì bản thân ở hiện tại và lý tưởng đẹp đẽ kia có thể sẽ chẳng bao giờ gặp được nhau.
Nỗi bất an là gì?
Thông thường, ta nghĩ về bất an như một dạng rối loạn lo âu, quẩn quanh trong suy nghĩ về những kịch bản xấu sẽ đến với cuộc đời mình, và hay so sánh họ hơn mình kém khi nhìn vào những hình mẫu truyền thông.
Đối với nhà khoa học chính trị người Đức Isabell Lorey, nỗi bất an (insecurity) có nội hàm triết học gắn liền với tình trạng sống bấp bênh (precarity). Tình trạng sống bấp bênh ám chỉ sự lệ thuộc lẫn nhau về mặt nguồn lực và các giao thức xã hội (social protocols).
Bên cạnh việc duy trì sự sống bằng cách trao đổi tài nguyên sự sống cơ bản với người khác, văn hoá và lối sống của bạn chỉ được chấp nhận khi bạn sống trong một xã hội.
Như vậy, bản chất của sự sống là bấp bênh, vì con người không chủ động tuyệt đối trong sự sống của mình. Ngay cả sự nhận thức về hình dạng của cơ thể mình cũng được hình thành từ sự so sánh với những cơ thể khác.
Nỗi bất an xảy đến khi mối quan hệ phụ thuộc giữa người với người trở nên độc hại. Điều này có thể nhìn thấy ở những tiêu chuẩn về ngoại hình và lối sống dần trở nên xoay quanh trải nghiệm của nhóm giàu có và mạnh mẽ trong xã hội.
Để ăn vận và tút tát ngoại hình đẹp như tiêu chuẩn xã hội mong muốn, bạn phải có nhiều tiền. Và bởi vì vẻ đẹp ấy được tôn lên trở thành tiêu chuẩn duy nhất, con người bất an và vô vọng chạy đuổi theo tiêu chuẩn ấy.
Tại sao ta cảm thấy bất an về ngoại hình?
Nỗi bất an về ngoại hình gắn liền với đời sống con người từ bình minh của lịch sử. Chỉ là nỗi bất an ấy chưa từng độc hại như ngày nay. Điều đó xảy ra vì bản thân cơ thể ta là chiến trường của toàn bộ các giá trị xã hội, vì nó là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự tồn tại của mỗi cá nhân.
Nhờ sự hiện diện của cơ thể, con người tìm kiếm sự giống nhau để nhận nhau là một cộng đồng. Đồng thời, nó cũng là nơi ta đi tìm sự khác nhau để khẳng định cá tính và vị thế cá nhân.
Từ đây, có thể thấy con người đi tìm những tiêu chuẩn chung của xã hội về ngoại hình: nam giới phải có cơ bắp và dương vật lớn cùng đức tính ga-lăng và chủ động, còn nữ giới phải có eo thon, ngực lớn và đức tính chăm sóc. Không chỉ vậy, họ còn muốn khẳng định cá nhân bằng cách biến mình thành phiên bản tốt nhất đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy.
Họ không nhìn thấy tính chất phi tự nhiên và phi lý của những tiêu chuẩn tưởng tượng về ngoại hình. Vẻ đẹp cơ thể mà lịch sử hàng trăm năm để lại, như bức tượng David chàng chăn cừu của Michelangelo hay bức phù điêu nữ thần Aphrodite đều được tạo ra bởi giai tầng thượng lưu trong xã hội. Nếu bạn không thuộc về giai tầng này, việc trở thành con người như hình mẫu là điều gần như bất khả.
Và thế là, chúng ta cố gắng nhích từng milimet tới các khuôn mẫu thẩm mỹ trong sự bất an, với nỗi lo rằng mình là kẻ lệch chuẩn, bất thường.
Công nghiệp làm đẹp và ngoại hình kiếm tiền từ sự bất an thế nào?
Chúng ta hay nghĩ theo chiều hướng các ngành công nghiệp làm đẹp kiếm chác từ sự bất an có sẵn của con người. Thực tế, họ còn tạo ra thêm cả sự bất an để gia tăng lợi nhuận.
Hãy xem quảng cáo, ta thấy truyền thông có vô vàn cách để tạo ra và khai thác sự bất an của khán giả: thuyết phục phụ nữ đi phẫu thuật thẩm mỹ, đẩy gym lên thành tiêu chuẩn vàng của tập thể dục, quảng cáo thực phẩm tăng cường sinh lực phái mạnh, phô diễn làn da hoàn hảo của diễn viên trong TVC sữa tắm…
Các ngành công nghiệp làm đẹp đã tạo ra những tiêu chuẩn ngoại hình mà người bình thường… không thể chạm tới. Họ đánh vào nỗi đau (pain point) của khách hàng: “Cái mũi tôi bị lệch”, “tôi quá gầy gò so với nam giới đồng trang lứa”, “da tôi có màu nâu”... Họ tuyên bố, nếu ngoại hình bạn không đẹp như quảng cáo, tức là bạn chưa đủ tốt. Liệu đây có phải một dạng thức lăng nhục công cộng (public shaming) hợp pháp?
Vậy là khán giả truyền thông đã rơi vào vòng lặp của sự âu lo (insecure loop). Bạn có một nỗi mặc cảm ngoại hình từ trước, bạn tìm cách khắc phục, bạn xem quảng cáo “tuốt táp” ngoại hình và càng âu lo hơn… Bạn chẳng bao giờ thấy cơ thể mình đã hoàn thiện. Vì nỗi bất an của bạn đã được sản xuất ra và trao đổi trên thị trường như một loại hàng hoá.
Vậy nên, hãy biết yêu cơ thể mình
Khi có ai đó nói rằng: “Bạn chưa đẹp”, hãy nghĩ, tiêu chuẩn đẹp-xấu là hoàn toàn chủ quan. Nó hẳn phải được một hoặc một vài con người nào đó trong xã hội, chẳng thần thông hơn ta là bao, tạo ra để câu kéo sự bất an nhằm kiếm lời.
Nhiều phong trào quảng cáo đã nỗ lực đảo ngược hiện trạng truyền thông vô đạo đức này. Đơn cử như thời trang phi giới tính (genderless fashion) là phong trào đảo ngược sự mất tự do về biểu hiện giới. Nó cổ vũ mỗi người có thể mặc bất cứ trang phục nào họ muốn, bất kể nó là một chiếc váy hay một chiếc áo may ô, màu hồng hay màu xanh…
Hay bình thường hoá cơ thể bình thường (normalize normal bodies) là phong trào cổ vũ phụ nữ có cơ thể không “nóng bỏng”, và đàn ông thừa cân hoặc nữ tính xuất hiện trên các sàn diễn thời trang. Nó thay đổi nhận thức của mọi người rằng không có tiêu chuẩn nào cho một cơ thể “đẹp”, vì những tiêu chuẩn đó nhuốm màu định kiến và bắt nạt giới. Thay vào đó, hãy trân trọng cơ thể mình đang có.
Hãy nhớ rằng, cơ thể của bạn luôn là hoàn hảo dù nó không giống như những kỳ vọng xã hội. Không có cơ thể bình thường và không có cơ thể bất thường. Tất cả chỉ là những ảo ảnh do kẻ mạnh tạo ra, vì sự bất an, xấu hổ của nhóm này đang trở thành sự thoải mái về địa vị của nhóm khác.