Nỗi đau là một phần tất yếu của cuộc sống | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 02, 2024
Chất Lượng Sống

Nỗi đau là một phần tất yếu của cuộc sống

Theo Mark Manson, nỗi đau không nên bị nhìn nhận theo cách hoàn toàn tiêu cực. Ở mức độ nhất định, nó có thể giúp bạn khai mở tiềm năng tối đa của bản thân.
Nỗi đau là một phần tất yếu của cuộc sống

Nguồn: Jack Smith @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “Pain Is Part of the Process” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Kazimierz Dąbrowski là một nhà tâm lý học nổi tiếng từ thập niên 1940. Ông học với những người cộng sự của Sigmund Freud ở Vienna, làm việc với nhiều bệnh nhân tâm thần, tham gia Cách mạng Ba Lan trong Thế chiến II, bị bắt và tra tấn trong trại giam tù binh chiến tranh và đã mất đi nhiều người thân trong thời gian này.

Những trải nghiệm đau thương này đã định hình nghiên cứu của ông về nỗi đau và chấn thương, dẫn đến những phát hiện mang tính đột phá, có tầm ảnh hưởng đến ngày nay. Một trong số đó là Học thuyết phân tán tích cực (positive disintegration) - một lý thuyết đi ngược lại đa số nhận định thông thường về nỗi đau.

Theo Dąbrowski, đau đớn tâm lý ở mức độ nhất định là cần thiết cho một người trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Áp lực và căng thẳng đúng mức giúp con người phát huy tiềm năng tối đa, buộc họ phải đối mặt với những hạn chế của mình và phát triển.

Đa số các nhà tâm lý học phương Tây hồi đó tập trung vào lòng tự trọng và hạnh phúc, Dąbrowski nhấn mạnh tầm quan trọng và thực tiễn của nỗi đau và những lợi ích tiềm năng của nó. Những phát hiện của ông mang tính đột phá lớn, song không được biết đến nhiều do Bức màn sắt (Iron Curtain) ngăn cách giới học thuật khối Đông và khối Tây.

02feb2024carolinaheza0ld4hf1fbv0unsplashjpg
Áp lực và căng thẳng đúng mức có thể giúp con người phát huy tiềm năng tối đa. | Nguồn: Unsplash

Sau này những phát hiện của Dąbrowski đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học giả nghiên cứu sâu về nỗi đau, giúp chúng ta trưởng thành sau trải nghiệm đau thương. Ở đây tôi sẽ tóm lược một vài luận điểm chính xoay quanh nghiên cứu của ông, rằng nỗi đau là một phần giá trị của cuộc sống, và nêu bật một số bài học chúng ta có thể áp dụng cho chính mình.

Phát triển hậu chấn thương: Khai mở tiềm năng ẩn giấu của nỗi đau

Theo lý thuyết phát triển hậu chấn thương, nỗi đau có thể giúp con người phát triển những tính cách mạnh mẽ và cải thiện mức độ hạnh phúc. Lý thuyết này nhấn mạnh khả năng biến đổi của nghịch cảnh, thay vì nhìn nhận nó theo cách hoàn toàn tiêu cực.

Khi học hỏi và nắm bắt những bài học nghịch cảnh mang lại, ta trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn. Nó không phải một quá trình tuyến tính, mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.

Cách Đức Phật nhìn nhận sự bất mãn

Như bạn có thể đã biết, Đức Phật vốn xuất thân là hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama). Tưởng như có mọi thứ trong tay, ngài lại nhận ra rằng tâm trí chúng ta luôn bám víu vào vạn vật. Điều này dẫn đến sự bất mãn không ngừng. Ngài gọi vòng sinh tử đầy đau khổ, không bao giờ kết thúc này là “luân hồi” (samsara), và phát triển các giáo lý giúp mọi người vượt qua nó.

Thông điệp trọng tâm của Đức Phật là buông bỏ nỗi đau tinh thần và ý nghĩa mà chúng ta gán với chấn thương. Bằng cách nhận ra bản thân có quyền quyết định “đau” như thế nào, ta có thể coi nó là cơ hội để phát triển và hoàn thiện bản thân.

Ta nhìn nhận nỗi đau của mình vô nghĩa và đổ lỗi cho mọi người vì nó, hay sẽ thấm nhuần ý nghĩa và chịu trách nhiệm đối phó, bởi nó là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống? Lựa chọn nằm hoàn toàn ở mỗi người, và sức mạnh của chúng ta cũng ẩn giấu ở đó.

02feb2024gm8n2udpdeqxbkifqumujj97080jpg
Theo Đức Phật, ta có toàn quyền quyết định mình sẽ “đau” như thế nào. | Nguồn: Live Science

Thực hư quan niệm “nếu tôi làm điều này thì tôi sẽ hạnh phúc”

Câu nói này tóm tắt trò chơi tinh thần mà hầu như chúng ta đều từng thử: Chỉ khi có được cái gì đó hay đạt được một mục tiêu nào đó, ta mới thực sự hạnh phúc.

Nhưng chúng ta lại vô tình bỏ qua những giọt mồ hôi và nước mắt đi kèm với những thành tựu đó. Việc liên tục khao khát một thứ gì đó nhiều hơn hoặc tốt hơn này vừa là điều may mắn, lại vừa là một lời nguyền. Về mặt tích cực, nó giúp ta tồn tại và liên tục cải thiện bản thân. Nhưng chính nó cũng khiến ta không bao giờ tìm thấy hạnh phúc và sự mãn nguyện lâu dài.

Bí quyết để “chiến thắng” trò chơi này là nhận ra rằng, hạnh phúc là phụ phẩm của cuộc sống chứ không phải đích đến cuối cùng của nó. Đó là thứ mà bạn càng đuổi theo, nó lại càng chạy xa khỏi bạn.

Vậy nên đã đến lúc từ bỏ quan niệm rằng bạn chỉ hạnh phúc nếu có được cái này hay đạt được điều kia. Chấp nhận rằng nỗi đau là một phần tất yếu của cuộc sống, rồi hạnh phúc sẽ tự tìm đến bạn.