Nốt lặng trong bản nhạc giao tiếp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 05, 2022
Đời sống

Nốt lặng trong bản nhạc giao tiếp

Im lặng trong giao tiếp như nốt lặng trong một bản nhạc và bản nhạc hay hơn khi nốt lặng xuất hiện đúng lúc.
Nốt lặng trong bản nhạc giao tiếp

Nguồn: Unsplash

Chúng ta thường không thích im lặng, bởi nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên là từ bộ gen đã cài đặt sẵn: Im lặng có thể là dấu hiệu của sự nguy hiểm như bầu trời bình yên trước cơn bão.

Hoặc do tâm trí đã quen với những cuộc thảo luận không dứt của cuộc sống, khi chào đời với tiếng khóc và tiếng cười từ người thân.

Hay có thể là khi đã từng trải, im lặng gợi lại những ký ức buồn và suy nghĩ bất an. Để rồi vì ác cảm với sự im lặng, ta bỏ lỡ rất nhiều lợi ích của nó, đặc biệt là trong giao tiếp.

“The silence between two notes is as beautiful and meaningful as the notes themselves.” - Joseph Curiale

(Tạm dịch: Khoảng lặng giữa 2 nốt nhạc cũng đẹp và ý nghĩa như chính những nốt nhạc vậy).

Như nốt lặng xuất hiện đúng lúc sẽ làm bản nhạc hay hơn, giao tiếp sẽ hiệu quả hơn khi ta biết lúc nào nên im lặng. Đây là những thời điểm mà mình nghĩ, chúng ta hãy dành khoảng không cho im lặng.

1. Khi cần lắng nghe

alt
Im lặng để lắng nghe, để hiểu | Nguồn: Unsplash

Giao tiếp là chìa khóa cốt lõi để con người giải quyết mọi vấn đề, cùng với nhau, có như vậy chúng ta mới thật sự giải quyết được tới cốt lõi của những vấn đề về quan hệ. Nhất là những những vấn đề lớn lao và khó khăn mà bạn không thể xử lý một mình. Điều này bắt đầu từ sự thấu hiểu đối phương.

Tuyệt đối im lặng, nghĩa là ta tạm dừng các suy nghĩ đang phân tích trong đầu để thật sự lắng nghe đối phương, với một tâm thế mở. Nếu đang ở trong một cuộc giao tiếp quan trọng không phải là bạn nói được bao nhiêu thứ, mà là bạn hiểu đối phương được bao nhiêu.

2. Khi cần nhấn mạnh

Tương phản tạo ra sự nhấn mạnh, im lặng khi vừa kết thúc trọng điểm sẽ giúp người nghe có thời gian để thẩm thấu.

alt
Im lặng để nhấn mạnh | Nguồn: Unsplash

Những khoảng lặng này sẽ giúp ý tưởng của bạn được người nghe đánh giá cẩn thận và từ đó tăng thêm giá trị. Ngoài ra nó còn giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ về điều sẽ nói tiếp theo.

3. Khi cần câu trả lời tinh tế

“Đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất” - Dalai Lama

Nếu bạn đang cảm thấy không đồng ý với một quan điểm nào đấy, im lặng cũng là một cách thể hiện điều đó một cách khéo léo. Im lặng lúc này thay cho câu trả lời: “Tôi đang xem xét ý kiến của bạn, và có thể tôi sẽ không đồng ý.”

alt
Im lặng không có nghĩa là đồng ý | Nguồn: Unsplash

Đôi khi ta có thể cứ kết thúc trong im lặng, hoặc nói “không.” Nhưng sự im lặng vẫn là câu trả lời tinh tế cho sự không đồng tình của mình.

4. Khi cần sự tỉnh táo

Hẳn là bạn không hề xa lạ với tình huống càng nói, càng tranh luận, tim lại càng đập nhanh và các cảm xúc dần lấn áp. Đây chính là phản ứng đánh hoặc chạy, xảy ra khi bộ não căng thẳng.

Tốc độ giọng nói rất quan trọng bởi khi bạn nói quá nhanh với hơn 160 chữ/phút, nó thể hiện rõ sự lo lắng và quá khích của bạn. Nói nhanh, nói gấp còn tạo cảm giác bản thân bị hối thúc, nó khiến chúng ta không còn đủ minh mẫn để suy nghĩ thấu đáo tình huống hiện tại.

Vậy nên, khi bắt đầu cảm nhận được rung động đầu tiên của cảm xúc là lúc ta cần im lặng để điều chỉnh và cân bằng. Sự tỉnh táo sẽ giúp ta đưa ra lựa chọn khôn ngoan.

5. Khi sợ lỡ lời

Khi đang tranh luận, ta thường dễ mắc sai lầm là sa đà vào giải thích, nói lan man nhiều dữ kiện không liên quan.

Tuy xuất phát từ mong muốn thuyết phục người nghe, nhưng đôi khi điều này lại gây ra tác dụng ngược tạo ra xao nhãng. Lúc này cuộc trò chuyện trở nên thiếu hiệu quả. Lúc này, ta dễ mắc phải những lỗi ngụy biện cơ bản khi tranh luận.

alt
Im lặng giữ cho đầu lạnh | Nguồn: Unsplash

Điều này xảy ra khi chúng ta nhận thấy người nghe không phản ứng trước những gì ta nói. Nó thôi thúc phải nói thêm hoặc đưa ra nhiều ví dụ hơn.

Thay vì làm vậy, chúng ta có thể chọn im lặng, dừng lại một chút, chờ phản ứng của người nghe. Hãy lắng nghe như đầu bài chúng ta đã nhắc tới, và đồng thời cũng để tránh nói ra những điều không nên nói.

Những suy nghĩ cuối cùng

Trong những trường hợp trên, im lặng là vàng. Nhưng đôi khi:

  • Im lặng không phải là vàng, khi mọi người cần biết ý kiến của bạn.
  • Im lặng không phải là vàng, khi người ta cần biết bạn quan tâm.
  • Im lặng không phải là vàng, khi lời nói hoặc việc làm của ai đó ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.

Hy vọng, những điều này giúp bạn để ý những khi cần sự im lặng, để thực hành và giao tiếp hiệu quả hơn.