Bạo hành lạnh - Khi nỗi đau không chỉ dừng ở thể chất | Vietcetera
Billboard banner

Bạo hành lạnh - Khi nỗi đau không chỉ dừng ở thể chất

Bạo hành lạnh là gì? Vì sao sức tàn phá của bạo hành lạnh lại mạnh mẽ đến thế?
Bạo hành lạnh - Khi nỗi đau không chỉ dừng ở thể chất

Nguồn: Kristina Flour/Unsplash

1. Bạo hành lạnh là gì?

Bạo hành lạnh là một hình thức bạo hành về mặt tinh thần. Lúc này, một thành viên trong mối quan hệ thân thiết (bố mẹ, người yêu, bạn bè) sẽ giảm thiểu hoặc ngừng mọi giao tiếp bằng lời nói và thể chất đối với người kia.

Những hành vi như xem nhẹ cảm xúc, thờ ơ hay hoàn toàn “bơ” người kia chính là ví dụ điển hình của bạo hành lạnh. Điều này khác với việc giữ im lặng để có thời gian suy nghĩ thấu đáo và quay trở lại giải quyết vấn đề sau đó.

Sự chênh lệch cán cân quyền lực là điểm khác biệt giữa 'bạo hành lạnh' và 'chiến tranh lạnh'. Trong chiến tranh lạnh, nếu một bên im lặng thì bên còn lại có thể chọn lặng im như một cách "đáp trả", còn bạo hành lạnh lại chỉ mang tính một chiều.

2. Nguồn gốc của bạo hành lạnh?

Khái niệm bạo hành lạnh (cold violence) đã từng được nhắc đến trong một nghiên cứu về bạo lực gia đình vào năm 2016. Nghiên cứu này thảo luận rằng, bạo hành lạnh ngày càng được sử dụng nhiều hơn bởi những người đàn ông Trung Quốc đối với vợ của họ. Đây thường là những nam giới sống ở thành thị, có học thức và giàu có.

Bạo hành lạnh được cho là hệ quả của chế độ phụ hệ truyền thống và những chính sách hỗ trợ bình đẳng giới.

Hiểu nôm na, nhờ vào chế tài dành cho bạo lực thể chất, nam giới không thể tùy tiện đánh phụ nữ nữa. Tuy nhiên, tư tưởng gia trưởng vốn đã tồn tại rất lâu thì không thể mất đi trong ngày một ngày hai. Vì thế, bạo hành thể chất dần chuyển hóa thành bạo hành lạnh như một hình thức khác để thủ phạm thể hiện quyền lực với nạn nhân mà vẫn tránh được hậu quả.

3. Bạo hành lạnh phổ biến như thế nào?

Vào năm 2020, Vnexpress đã có một bài viết nói về việc bố mẹ bạo hành lạnh với con cái. Cụ thể, những bậc phụ huynh trong bài đã có hành vi phớt lờ, lạnh nhạt, thậm chí còn nhốt con mình vào phòng tắm khi trẻ không nghe lời, mặc cho con khóc lóc. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy mình không tồn tại và được yêu thương.

Google Trends cũng ghi nhận lượng tìm kiếm tăng mạnh của từ bạo hành lạnh từ ngày 21/7, gần thời điểm với từ khóa Ngô Diệc Phàm. Đã có rất nhiều cáo buộc từ các cô gái từng có mối quan hệ với nam ca sĩ. Một trong số họ đã “tố” anh có thái độ lạnh nhạt khi hai người còn hẹn hò.

Bạo hành lạnh được coi là một hành vi độc hại trong mối quan hệ, bởi nó gây tổn hại sâu sắc đến lòng tự trọng của người còn lại. Thủ phạm sử dụng “chiêu bài” này để thể hiện quyền lực và lạm dụng tâm lý của nạn nhân.

bạo hagravenh lạnh
Bạo hành lạnh gây tổn thương sâu sắc đến lòng tự trọng của đối phương. | Nguồn: Unsplash

Vì con người là một động vật xã hội nên não đã lập trình cho ta nỗi đau bị từ chối như một cách để sinh tồn. Im lặng, phớt lờ, coi thường cảm xúc đều là biểu hiện của sự từ chối, điều này phần nào lý giải vì sao nó lại khiến nạn nhân khổ sở đến vậy.

4. Cách dùng bạo hành lạnh?

A: Ê mày ơi, bạn trai tao bữa giờ bơ tin nhắn của tao mà tao không biết tại sao nữa.

B: Ổng đang dùng bạo hành lạnh với mày đấy.