1. Chuyện gì đã xảy ra?
Mới đây, hai thành viên còn lại của nhóm nhạc The Beatles là Paul McCartney và Ringo Starr đã cho ra mắt bài hát Now and Then - bài hát mà họ cùng những người thực hiện sản xuất đã gọi là “khúc ca cuối cùng của The Beatles.”
Điểm đặc biệt của ca khúc này không chỉ nằm ở tính chất “tổng kết chặng đường” của nó đối với nhóm nhạc, mà còn ở quá trình ra đời mất tới hơn bốn mươi năm - với sự can thiệp của công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo ở phút cuối cùng.
2. Bài hát mới đã hình thành thế nào?
Now and Then có khởi điểm u buồn và hoài niệm, vốn dĩ chỉ là một đoạn nhạc do John Lennon thu âm lại vào băng cassette trong giai đoạn hậu-Beatles, vài năm trước khi ông mất.
Vợ của John là Yoko đã gửi tấm băng đó cùng một số cuốn băng khác cho Paul McCartney. Hai trong số đó đã tái sinh thành những ca khúc mới là Real Love và Free as a Bird vào năm 1995.
Theo kế hoạch ban đầu, Now and Then cũng sẽ ra mắt vào năm 1995. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh trong cuốn băng cassette quá tệ - tới mức một thành viên của nhóm là George Harrison đã phải thốt lên rằng nó “như c*t.”
Quá nhiều tạp âm cùng giọng hát và tiếng đàn khi tỏ, khi mờ của John Lennon khiến nhóm không thể hoàn thành ca khúc vào thời điểm đó, dù rằng từng người đã chơi các phần nhạc cụ nhất định để phối nhạc.
Chỉ tới những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo, dự án Now and Then mới khả thi. Nguyên nhân là bởi máy móc đã có thể tách biệt hoàn toàn giọng hát của John Lennon ra khỏi tiếng đàn của ông ở trong băng, cũng như ra khỏi tất cả các tạp âm khác.
Sản phẩm âm nhạc cuối cùng mà ta thấy trên YouTube và qua các đĩa nhạc Now and Then bán tại Anh là kết quả của một quá trình lắp ráp: giọng gốc của John, phần nhạc cụ do các thành viên khác chơi, các bộ dây do nhà sản xuất dàn dựng. Tất cả ghép lại với nhau thành nhạc phẩm cuối cùng của The Beatles.
3. Now and Then ở đâu trong thế giới âm nhạc hiện đại?
Một số người xúc động khi nghe giọng John Lennon một lần nữa vang lên và coi Now and Then là dấu chấm hết trọn vẹn của nhóm nhạc. Một số người khác thì lại nghĩ rằng Now and Then chỉ là một sự lắp ghép vụng về của bốn “bóng ma” từng là bốn thành viên The Beatles.
Nhưng dù gì đi nữa, không thể phủ nhận rằng chất nhạc The Beatles trong Now and Then rất rõ ràng. Điều này cộng hưởng với lời bài hát giàu tình cảm và khơi gợi hoài niệm khiến Now and Then trở thành cái kết có hậu dành cho những lùm xùm của nhóm nhạc vào thời điểm tan rã ở thế kỷ trước.
Mục đích của Paul McCartney - người kiên trì nhất với dự án Now and Then - có lẽ không phải là để cho ra một ca khúc hit càn quét bảng xếp hạng. Họ không làm được điều đó với hai nhạc phẩm vào năm 1995, và chắc chắn khó có thể vượt qua vô vàn thị hiếu âm nhạc ngày nay.
Nhưng Now and Then vẫn quan trọng với Paul nói riêng và người hâm mộ The Beatles nói chung. Nó gợi nhắc cho họ về một nhóm nhạc vẹn nguyên, một miền ký ức thăm thẳm đầy tươi đẹp.
4. Bài hát cuối ra mắt, rồi sao nữa?
Hai thành viên cuối cùng của The Beatles đang ở độ tuổi 80. Ngày mà The Beatles vĩnh viễn thuộc về miền ký ức quá khứ đang tới gần. Từ bối cảnh này, Now and Then có thể là nhạc phẩm cuối của nhóm, nhưng chắc chắn không phải là lần cuối cùng ta thấy nhóm nhạc này xuất hiện trong văn hóa đương đại.
Nhiều phim tài liệu về nhóm đã và đang tiến hành, với ví dụ là series phim The Beatles: Get Back (2021) của Peter Jackson - cũng là người đã giúp tách giọng của John từ tấm băng cũ.
Ngoài ra, với công nghệ hiện đại, sẽ còn nhiều nhạc phẩm cũ của The Beatles xuất hiện với những bản phối mới. Bên cạnh đó, còn có những thước phim hay ảnh cũ, lời kể của các nhân chứng từng làm việc cùng, những cuốn sách tiểu sử hay tự truyện, v.v.
5. Tại sao cứ phải thu lại những bài nhạc cũ?
Dạo chơi trên kênh Spotify hay YouTube chính thức của các nghệ sĩ hay nhóm nhạc lâu năm, ta sẽ thấy những bản “remastered” (tức phối lại). Và không chỉ các nghệ sĩ gạo cội, nhiều nghệ sĩ đương đại cũng phát hành lại những ca khúc đã phát hành, hoặc ít nhất là công chúng đã nghe.
Trong một số trường hợp, việc phối lại một số ca khúc - hay thậm chí là cả một album - là một hành động mang tính kỷ niệm, diễn ra khi tới các mốc ghi nhận thời gian bắt đầu hoạt động âm nhạc, hay thời điểm ra mắt của một album kinh điển.
Một ví dụ là bản phối lại The Dark Side of the Moon của Pink Floyd vào năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ra mắt album này.
Trong một số trường hợp, nghệ sĩ quyết định phối lại các nhạc phẩm của mình vừa để tận dụng các công nghệ làm nhạc mới, vừa để sản phẩm của mình phù hợp hơn với các hình thức phát hành mới. Đây là điều đã xảy ra khi ngành công nghiệp âm nhạc chuyển dịch từ đĩa than sang đĩa CD, và gần đây hơn là từ các đĩa nhạc vật lý sang các nền tảng phát trực tuyến.
Trong một số trường hợp khác, nghệ sĩ phát hành lại các ca khúc cũ vì vấn đề pháp lý hay tranh chấp bản quyền. Đây là lý do tại sao Taylor Swift đang “tái sinh” hàng loạt album cũ với nhãn hiệu “Taylor’s version.”
Cuối cùng, một số nhạc phẩm chỉ tồn tại dưới dạng bản ghi lậu, bản rò rỉ, hay như Now and Then là không gì hơn ngoài một tấm băng cassette cũ kỹ. Việc thu mới, làm lại, và phát hành chính thức chúng vừa cho nhạc phẩm đời sống mà nó đã mất, vừa có ý nghĩa đặc biệt đối với nghệ sĩ hay nhóm nhạc.