Tín đồ rock thường nói với nhau rằng “nghe rock mà ngồi ghế thì không hay”. Còn quy tắc khi nghe nhạc thính phòng là tuyệt đối không làm ồn giữa màn trình diễn. Thế mà tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khi tất cả khán giả đã yên vị trên ghế mềm, nhạc trưởng Marc Ramírez tuyên bố: “Nếu bạn có thể hát, hãy hát thật to cùng dàn nhạc. Nếu bạn có thể hét, hãy hét thật to cùng dàn nhạc.”
Sau lời phát biểu ấy, dàn nhạc 40 người đồng loạt tấu lên giai điệu mạnh mẽ của We Will Rock You, làm cả khán phòng bùng nổ. Mọi quy tắc dường như tan biến, chỉ còn lại sự phóng khoáng của âm nhạc tràn ngập không gian, hòa quyện giữa hai thể loại.
Tại concert đầu tiên của CAM Philharmonic, dàn nhạc 40 người dưới sự chỉ huy đầy cảm xúc của nhạc trưởng Ramírez đã biến âm nhạc cổ điển thành cầu nối chạm đến mọi thế hệ. 22 bản hit bất hủ như Bohemian Rhapsody (Queen), November Rain (Guns N’ Roses), Bring Me To Life (Evanescence) hay Yesterday (The Beatles) được khoác chiếc áo giao hưởng mới lạ, tinh tế và nồng nàn.
Rock và giao hưởng: xa lạ mà hòa hợp
Trong văn hóa đại chúng, rock và giao hưởng thường được gắn với hai hình ảnh đối lập nhau. Rock mang dáng vẻ bụi bặm, nhiệt huyết, gắn liền với các anh rocker tóc dài, áo da, đầy nổi loạn và phóng khoáng. Ngược lại, giao hưởng lại toát lên vẻ điềm đạm, thanh lịch, với hình tượng nam thanh nữ tú trong những bộ vest chỉn chu và trang nhã.
Thế nhưng, nếu nhìn kỹ, không khó để nhận ra điểm chung giữa hai dòng nhạc này: cả rock và giao hưởng đều đặt trọng tâm vào sự biến hóa trong bản nhạc và cách xếp lớp dày dặn của nhiều nhạc cụ, tạo nên một không gian âm nhạc phong phú và đầy cảm xúc.
Nhạc trưởng Marc Ramírez chia sẻ mở đầu đêm nhạc: “Mặc dù khi vang lên, rock và cổ điển nghe hoàn toàn khác biệt. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, dành tâm sức để nhìn sâu vào bên trong của cả hai thứ, thì hai thể loại đều mang đến một vẻ đẹp vừa dữ dằn, vừa nhiều chuyển động, nhiều gào thét nội tâm nhưng cuối cùng vẫn hướng đến một hạnh phúc, một vẻ đẹp của bình yên, một sự đơn giản và dễ hiểu của những gì mình đã trải qua.”
Đêm nhạc Rock Symphony đã chứng minh trọn vẹn sự hòa hợp đấy. Những ca khúc rock kinh điển biến thành các bản giao hưởng đồ sộ, vừa khoác lên mình sự trang nghiêm và chuẩn mực của nhạc cổ điển, vừa giữ trọn vẹn tinh thần hoang dã và phá cách đặc trưng của rock. Sự va chạm giữa tính hàn lâm của giao hưởng và chất tự do phóng khoáng của rock đã tạo nên một giao lộ sáng tạo rực rỡ, nơi người nghe được cuốn vào những cung bậc cảm xúc thăng hoa.
Hành trình biến rock thành giao hưởng
Đương nhiên, việc biến những bản nhạc rock vốn chỉ sử dụng bốn nhạc cụ chính – drum, guitar, bass và keyboard – thành một bản giao hưởng với sự tham gia của cả dàn nhạc 40 người thực sự là một thử thách khó nhằn. Từng phần nhạc dành cho violin, cello, contrabass, các nhạc cụ bộ hơi, bộ gõ,… phải được sắp xếp sao cho hòa quyện với nhau mà vẫn giữ nguyên tinh thần mạnh mẽ, cuồng nhiệt của rock.
Trách nhiệm khổng lồ này được giao cho Giám đốc Âm nhạc/Phối khí - Phạm Xuân Bình Sơn, người đã đảm nhận việc phối lại toàn bộ 22 bản hit trong chương trình. Để làm được điều này, anh đã phải viết thêm các phần nhạc cho kèn, đàn, trống, sáo và hàng loạt nhạc cụ khác, tạo nên bản phối phức tạp, đầy sáng tạo. Đặc biệt, anh còn đang ở Mỹ và toàn bộ việc phối lại đều được thực hiện từ xa.
Sau khi kết thúc chương trình, chị Trà Giang chia sẻ: “Lúc làm chị rất áp lực. Bài vở cũng khó, mọi người chơi cũng căng, rồi dynamic cũng phải giữ liên tục vì đây là rock. Rất nhiều thứ xảy ra, nhưng may mắn thay mọi người đều cùng làm một cách vô cùng nhiệt huyết. Và cuối cùng tất cả đều ở đây cùng nhau. Một dự án rất sâu sắc cho tất cả mọi người từ nghệ sĩ đến nhạc trưởng đến team tổ chức.”
Ranh giới xóa nhòa
Khoảnh khắc cả khán phòng hòa giọng trong Bohemian Rhapsody của Queen có lẽ là đỉnh cao cảm xúc của đêm diễn. Không chỉ là sự giao thoa giữa rock và giao hưởng, đây còn là khoảnh khắc khán giả và nghệ sĩ kết nối thành một, phá vỡ mọi ranh giới. Trong không gian thường im ắng, nghiêm trang của phòng hòa nhạc, cảnh tượng hàng trăm người cùng cất tiếng hát trở nên sống động và “tuyệt đối điện ảnh”.
Phiên bản hòa tấu đặc biệt lần này đã dành trọn sân khấu cho các nhạc cụ cổ điển tỏa sáng, mang đến một trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc. Bohemian Rhapsody vốn đã là một bản nhạc kinh điển nay hiện lên với sự biến hóa đầy mê hoặc: tiếng piano lúc nhẹ nhàng thánh thót, lúc lại gợi cảm giác giật gân, căng thẳng; bè dây thế chỗ cho tiếng guitar rượt đuổi của Brian May; và tiếng flute réo rắt thay thế cho lời ca “Mama, ooh ooh” nội lực của Freddie Mercury.
Không còn sự hoang dại quen thuộc, bản phối này lại khơi gợi một sự da diết, mộng mơ và mở ra không gian cho trí tưởng tượng thăng hoa. Khi bản nhạc khép lại với những tiếng hòa ca từ khán giả, Bohemian Rhapsody không chỉ vang lên như một kiệt tác âm nhạc, mà còn trở thành cầu nối cảm xúc đầy sức mạnh, lan tỏa đến mọi tâm hồn trong khán phòng.
Các ca khúc kinh điển khác cũng được giọng ca chính Việt James, Thỏ Trauma cùng sự xuất hiện bùng nổ của khách mời Diva Thanh Lam thổi bùng cảm xúc. Màn trình diễn là minh chứng rõ ràng rằng âm nhạc không hề bị giới hạn hay đóng khung trong bất kỳ thể loại nào. Dù là rock dữ dội hay nhạc thính phòng trang nhã, tất cả đều là phương tiện để truyền tải cảm xúc và vẻ đẹp âm thanh, tạo nên một “symphony” vừa phá cách vừa đầy cuốn hút.
Tiếp nối thành công rực rỡ tại Hà Nội, Rock Symphony sẽ tiếp tục hành trình đến TP. Hồ Chí Minh vào ngày 27/12/2024 tại Nhà hát Bến Thành. Lần này, với sự góp mặt của rocker Đỗ Hoàng Hiệp, chương trình hứa hẹn sẽ mang đến một sân khấu rực lửa, giàu cảm xúc, khuấy động trái tim khán giả miền Nam. Đây không chỉ là dấu ấn tiếp theo của CAM Philharmonic, mà còn là bước tiến mạnh mẽ trong hành trình đưa giao hưởng đến gần hơn với đời sống âm nhạc đương đại tại Việt Nam.