Nữ sinh ở Thanh Hóa sai nhưng không đáng bị nhục mạ công khai | Vietcetera
Billboard banner

Nữ sinh ở Thanh Hóa sai nhưng không đáng bị nhục mạ công khai

Áp dụng luật rừng với nữ sinh ăn cắp, chủ cửa hàng Mai Hường tại Thanh Hóa từ nạn thân trở thành kẻ phạm tội.
Nữ sinh ở Thanh Hóa sai nhưng không đáng bị nhục mạ công khai

Nguồn: Vietnamnet

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Trong những ngày vừa qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài 4 phút, tố một bạn nữ ăn cắp quần áo. Được biết rằng trước đó, chủ cửa hàng quần áo Mai Hường đã đăng bài trên facebook cá nhân, yêu cầu thủ phạm ăn cắp liên hệ với cửa hàng, nếu không sẽ trình báo công an.

Cửa hàng nay đã đóng cửa | Nguồn: Facebook

Sau khi đăng bài, đã có 2 nữ sinh chủ động xin lỗi, đồng thời thừa nhận mình đã ăn cắp chiếc váy trị giá 160 nghìn. Không đồng tình, chủ cửa hàng Mai Hường đã cùng nhân viên đã lao vào đánh, tát dùng kéo cắt áo ngực của một trong hai nữ sinh. Hai vợ chồng này còn yêu cầu em phải nộp phạt 15 triệu VNĐ nếu không sẽ đăng video lên mạng xã hội.

2. Chủ cửa hàng đã vi phạm tội danh gì?

Video về vụ đánh đập này nhanh chóng được lan truyền và nhận được nhiều ý kiến phản đối. Nhận thấy tính chất hình sự của vụ việc, công an đã nhanh chóng vào cuộc và điều tra.

Cho tới hiện tại, gậy ông đã đập lưng ông. Chủ cửa hàng cùng chồng đã bị khởi tố vì tội làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Bên cạnh đó, các tài sản của cửa hàng này cũng đang được cơ quan điều tra thu giữ và kiểm tra. Rất nhiều lô hàng của cửa hàng đã bị thu hồi vì không truy được nguồn gốc.

3. Cư dân mạng phản ứng ra sao?

Sự việc đặc biệt nhận được sự chú ý của rất nhiều người dùng mạng xã hội đặc biệt là TikTok. Dù cho cửa hàng quần áo đã đóng cửa nhưng vẫn rất nhiều bạn trẻ tới cửa hàng để quay video.

Vụ việc đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân | Nguồn: Facebook

Bên cạnh đó, đã có vài mạnh thường quân tới ủng hộ cho gia đình nạn nhân trong video. Mạng xã hội cũng tràn đầy sự thương cảm cho cô gái này, xem cô là nạn nhân. Có thể thấy sự thương xót này đã lấn át tính lý trí, mặc nhiên bỏ qua cho hành vi ăn cắp ban đầu của cô gái.

4. Tại sao trẻ vị thành niên ăn cắp vặt cần được xử lý khác?

Hành vi ăn cắp vặt hay shoplifter không chỉ xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên mà còn ở người lớn. Tuy nhiên ăn cắp vặt ở lứa tuổi vị thành niên thường xuất phát từ những nguyên nhân chính như: áp lực đồng trang lứa, hoàn cảnh gia đình hay thậm chí là do bệnh lý.

Độ tuổi cũng đóng vai trò rất quan trọng khi mà một đứa trẻ ăn cắp sẽ khác với việc một người lớn ăn cắp. So với người lớn, khả năng kiềm chế của lứa tuổi vị thành niên thấp hơn. Lứa tuổi này cũng mong manh và dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh (bạn bè) dẫn tới hành vi phạm tội. Đây cũng là lý do luật pháp quy định xử lý tội phạm tuổi vị thành niên khác với người lớn.

Nguyên nhân sâu xa của hành vi này cũng có thể xuất phát từ những vấn đề tiềm ẩn về tâm lý, cần được kiểm định rõ bởi những chuyên viên.

5. Điều gì dẫn tới việc áp dụng luật rừng cho hành vi ăn cắp?

Ăn cắp vặt là một vấn nạn tại nhiều nơi trên thế giới, đem lại tổn thất lớn cho ngành công nghiệp bán lẻ. Theo luật dân sự ở nhiều nơi hình phạt dành cho hành vi này là không quá cao. Đó là chưa kể những người ăn cắp vặt cũng thường tập trung vào những món hàng có giá trị thấp. Đối với trường hợp tại Thanh Hóa thì nữ sinh đó sẽ phải chịu phạt là 500 nghìn đồng.

Tại Mỹ, một số bang còn trao quyền cho chủ cửa hàng xử lý và giải quyết tội phạm ăn cắp vặt như giam giữ điều tra hay yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên rất nhiều cửa hàng đã tận dụng việc này để yêu cầu người ăn cắp bồi thường gấp 10 lần hay nhục mạ họ bằng cách đeo bảng “tôi là kẻ cắp” và đăng hình họ ở cửa hàng.

Tôi là kẻ cắp, tôi trộm đồ tại Walmart | Nguồn: Flickr

Tuy nhiên, hành vi này cũng được nhiều nhà xã hội học phản đối khi về bản chất nó gần với hành vi tống tiền. Bên cạnh đó việc đăng ảnh một ai đó lên mạng xã hội có thể biển chủ cửa hàng từ nạn nhân thành kẻ phạm tội khi vi phạm luật, nhất là khi nếu đó là trẻ vị thành niên.

Trong thực tế, việc áp dụng luật rừng đã phản tác dụng khi khiến nhiều người từ nạn nhân biến thành thủ phạm. Một ví dụ thường thấy ở Việt Nam là đánh chết trộm chó phải vào tù.

6. Tính hai mặt của việc sử dụng xấu hổ như công cụ là gì?

Trong quá khứ, hình phạt nhục mạ nơi công cộng cũng rất phổ biến. Điểm chung của nó là đánh vào sự xấu hổ.

Hành vi tương tự nhục hình trong quá khứ vẫn còn tồn tại tới bây giờ | Nguồn: CHARLES-ÉDOUARD HOCQUARD

Cảm giác xấu hổ tồn tại như một cách ngăn chặn con người vi phạm những quy ước chung trong quan hệ xã hội. Điều này cũng nhằm đảm bảo cho sự tồn của những chuẩn mực cư xử giữa người và người. Sự xấu hổ nếu được sử dụng tốt là công cụ để bóc trần những hành vi sai trái trước mặt xã hội.

Tuy nhiên, cảm xúc này cũng là động lực cho những hành vi tiêu cực như nhục mạ người khác nơi công cộng. Ta thấy được nó qua những clip đánh ghen hay livestream bóc phốt. Nỗi xấu hổ có thể là động lực để ta thay đổi nhưng đồng thời có thể là công cụ phá hủy lòng tự trọng của một con người.

7. Nên xử trí như thế nào khi có quyền lực trong tay?

Khả năng tiếp cận thông tin chỉ với vài ngón tay chính là quyền lực tối thượng của thời đại Internet. Cách đây khoảng vài năm, đã có một em học sinh bị cột hai tay, đeo bảng chỉ vì trộm cuốn truyện tranh. Hành vi của em là sai, tuy nhiên cái giá phải trả là quá đắt. Internet lưu lại tất cả mọi thứ, một cú click đủ để một người sang chấn vì quá khứ của mình.

Steven Nadler, giáo sư triết học của Đại học Wisconsin-Madison đã nói rằng, đôi khi không có một quy tắc nào có thể áp dụng được cho mọi tình huống, vậy nên, ta phải dựa vào trực giác đạo đức hoặc cả tình yêu thương và lòng tốt để đưa ra phán đoán cần thiết.

Em nhỏ bị đeo bảng nhục mạ đã nhận được lời xin lỗi, tuy nhiên hình ảnh của em vẫn còn mãi trên các trang mạng. Sự tức giận trong một phút đã để lại một vết sẹo cả đời cho một con người. Nếu lúc đó nhân viên thu ngân xử trí khác đi, hay chủ cửa hàng quần áo Mai Hường nén lại cơn giận, có lẽ ta đã có một câu chuyện đẹp hơn về tính vị tha.