GDP với GPI, chỉ số nào để lượng hóa sự tăng trưởng? | Vietcetera
Billboard banner

GDP với GPI, chỉ số nào để lượng hóa sự tăng trưởng?

Hẳn ai cũng đã quen thuộc với GDP, chỉ số đo lường mức độ tăng trưởng của một quốc gia. Vậy GPI là gì, và tại sao chỉ số GPI cũng quan trọng chẳng kém GDP?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Nếu trồng cây, sẽ không có sự tăng trưởng nào cả. Ngược lại, nếu chặt cây thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng.” Và chúng ta đã tăng trưởng hơn bao giờ hết trong 100 năm qua so với lịch sử 2 triệu năm của loài người.


Hàng năm, có ba hội nghị thượng đỉnh được riêng biệt, tập hợp các chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân và người trẻ để thảo luận về ba khủng hoảng: lương thực, thương mại và biến đổi khí hậu. Đây là ba vấn đề có liên quan mật thiết với nhau nhưng chúng được thảo luận một cách riêng biệt. Chúng ta được dạy rằng GDP đại diện cho mức độ tăng trưởng của một quốc gia; rằng nền kinh tế càng phát triển thì chúng ta cũng sẽ phát triển theo. 

Nhưng GDP là gì?

Một cách dễ hiểu, GDP được tính bằng tổng số tiền được chuyền từ tay người này qua người khác. Một cách dài dòng, Gross Domestic Product, dịch là, Tổng sản phẩm trong nước, là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). 

Từ định nghĩa trên, nếu một cái cây được trồng ngay lúc này thì sẽ không có sự phát triển nào cả; trong khi một cái cây khác bị chặt đi, sẽ có “sự tăng trưởng” vì phát sinh tiền để trả nhân công chặt cây và mua bán sau đấy. Vậy ai trong chúng ta muốn trồng cây, và ai trong chúng ta muốn chặt cây nhân danh sự tăng trưởng? 

Khi bạn mua một chiếc xe máy, GDP tăng. Sau đó, bạn mua xăng, GDP tăng. Trong lúc lái xe, cái xe phát ra khí thải CO2; bạn hít phải chúng rồi bị bệnh và đi khám - GDP tăng thêm lần nữa.

Khi bạn đi mua thực phẩm ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ, GDP tăng rất nhiều. Dù biết phần lớn thực phẩm chế biến có thể dẫn đến bệnh tật nhưng càng bệnh, hóa đơn khám chữa bệnh và thuốc men sẽ càng tăng, nghĩa là GDP tăng. 

Truyền thông và giáo dục nhà trường liên tục nhắc ta rằng GDP là dấu hiệu của sự phát triển mà quên đi sự tàn phá môi trường và sức khỏe của mỗi người. Vậy khi có người nói bạn về điều này rồi, bạn có đặt lại câu hỏi về hệ thống đang vận hành hướng đến sự tăng trưởng kinh tế mà bạn đang ở trong đó. 

Vậy chỉ số đo lường sự tăng trưởng thực sự là gì?

Kinh tế lượng (Economics) là khoa học đo lường một nền kinh tế. Từ năm 1919, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay các chỉ số tương tự như Tổng sản phẩm quốc dân (Gross National Product), Sản phẩm quốc dân ròng (Net National Product) và Thu nhập trung bình để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia qua các năm. 

Tuy nhiên, các chỉ số này không thể hiện những phúc lợi cho người dân vì có nhiều hoạt động đem lại phúc lợi nhưng không được trả công. Hơn nữa, những chỉ số này không bao gồm chi phí tài nguyên và sức khỏe con người. 

Mặt khác, các thước đo về sự hạnh phúc của con người trong một quốc gia như Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index), Chỉ số Phúc lợi Kinh tế Bền vững (Index of Sustainable Economic Welfare) hay Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness) ở Bhutan. Những cách tiếp cận này đánh giá các chỉ số cụ thể về phúc lợi con người như tuổi thọ, khả năng đọc viết và tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhưng lại không mang tính định hướng kinh tế. 

Vậy nên, năm 1995, tại Washington DC, một nhóm nhà kinh tế đã phát triển nên một chỉ số gọi là Chỉ số Phát triển Thực (Genuine Progress Index, viết tắt là GPI), để thay thế hoặc bổ sung GDP như một thước đo tăng trưởng kinh tế và đánh giá phúc lợi về sự phát triển thật sự của một quốc gia. 

Một cách dễ hiểu, GPI chính là GDP trừ đi các chi phí môi trường của hoạt động kinh tế như mất đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, mất đất canh tác và đất ngập nước, suy giảm tầng ôzôn và các chi phí xã hội như gia tăng tội phạm và tan vỡ gia đình.

Hơn nữa, GPI kết hợp tính bền vững bằng cách xem xét những mất mát và thu được từ “vốn tự nhiên” như tài nguyên, đa dạng sinh học và sức khỏe hệ sinh thái. Nó có thể xem xét liệu sự phát triển có khiến một quốc gia tốt hơn hay kém khả năng tạo ra doanh thu trong tương lai, từ đó cho thấy liệu sự phát triển có đang tạo ra một “nền kinh tế bong bóng” đang vay mượn từ tương lai bằng cách lãng phí vốn tự nhiên hay không. 

Việc khoan giếng để tưới tiêu làm hạ mực nước ngầm sẽ làm tăng GDP. Nhưng nông nghiệp sử dụng các nguồn nước tái tạo như dòng chảy chẳng hạn, được tính nhiều hơn theo GPI. 

Trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi lợi ích doanh nghiệp, GPI đưa ra các đánh giá kinh tế có thể cung cấp các quan điểm khác nhằm hỗ trợ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Cụ thể GPI khác GDP ở điểm nào?

Có thể đo lường hai chỉ số này trên cùng một quy mô vì cả hai đều được đo lường bằng tiền tệ, cùng một dữ liệu tiêu dùng cá nhân, nhưng GPI nó có những phẩm chất khác biệt hơn ở 10 điểm sau: 

1. Phân phối thu nhập

Vì người nghèo được hưởng lợi nhiều hơn khi thu nhập của họ tăng lên so với người giàu, GPI tăng khi người nghèo nhận được phần trăm thu nhập quốc dân lớn hơn và giảm khi tỷ trọng của họ giảm.

2. Công việc nội trợ, tình nguyện viên và giáo dục Đại học

Chăm sóc trẻ em, sửa chữa nhà cửa, tình nguyện viên các hoạt động, sự kiện,... là những công việc quan trọng trong xã hội nhưng lại không đóng góp vào GDP. Trong khi đó, GPI có bao gồm giá trị của các công việc này và được tính bằng với mức thuê ai đó để làm. GPI cũng tính đến các lợi ích phi thị trường liên quan đến dân số có trình độ học vấn cao tại các trường Đại học. 

3. Tội phạm

Các chi phí pháp lý, chi phí y tế, thiệt hại tài sản,... liên quan đến tội phạm được trừ khỏi GPI, trong khi GDP coi các chi phí này góp phần tăng trưởng kinh tế. 

4. Sự cạn kiệt nguồn lực

Khi hoạt động kinh tế làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vật chất sẵn có cho tương lai nghĩa là ta đang vay mượn chúng từ thế hệ tương lai. Đối với GDP, đây được xem là thu nhập hiện tại. Ngược lại, GPI tính sự cạn kiệt hoặc suy thoái của đất ngập nước, rừng, đất nông nghiệp và khoáng sản không thể tái sinh (bao gồm cả dầu) như một chi phí ở hiện tại.

5. Ô nhiễm

GDP thường coi ô nhiễm là một khoản lợi kép: một lần khi nó được tạo ra, và sau đó một lần nữa khi nó được làm sạch. Ngược lại, GPI trừ đi chi phí ô nhiễm không khí và nước được đo bằng thiệt hại thực tế đối với sức khỏe con người và môi trường. 

6. Thiệt hại dài hạn đối với môi trường

Biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn và quản lý chất thải hạt nhân là những chi phí dài hạn do công nghệ hiện tại gây ra nhưng lại không tính vào GDP. Trong khi GPI xem đây là chi phí tiêu thụ một số dạng năng lượng và hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn. GPI cũng cũng ấn định thêm chi phí phát thải carbon để giải thích cho các tác động lên kinh tế, môi trường và xã hội của sự nóng lên toàn cầu. 

7. Thời gian giải trí

GDP khuyến khích chúng ta bỏ qua thời gian rảnh rỗi để có thể làm việc nhiều hơn, nhưng GPI xem thời gian giải trí là thứ có giá trị cho phúc lợi con người. Khi thời gian giải trí tăng lên, GPI sẽ tăng lên; khi nó giảm, GPI sẽ giảm.

8. Chi tiêu cho sự phòng vệ

Các hóa đơn y tế, sửa chữa do tai nạn giao thông, chi phí đi lại và chi tiêu hộ gia đình cho các thiết bị kiểm soát ô nhiễm như bộ lọc nước được xem là chi phí, làm giảm GPI, nhưng lại làm tăng GDP.

9. Tuổi thọ đồ tiêu dùng & cơ sở hạ tầng công cộng

GDP nhầm lẫn giữa giá trị và giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua những đồ dùng như là thiết bị gia dụng; dẫn đến phúc lợi người tiêu dùng bị giảm khi chất lượng của sản phẩm này bị hao mòn một cách nhanh chóng. GPI xem giá tiền chi này là chi phí và giá trị mang lại hằng năm là lợi ích. Điều này cũng áp dụng tương tự cho các cơ sở hạ tầng công cộng như đường cao tốc. 

10. Phụ thuộc vào tài sản nước ngoài

Nếu một quốc gia cho phép nguồn vốn dự trữ của mình giảm xuống, hoặc nếu quốc gia đó tài trợ cho việc tiêu dùng bằng nguồn vốn đi vay, thì quốc gia đó đang sống vượt quá khả năng của mình. GPI tăng khi nguồn vốn dự trữ tăng, và giảm khi đi vay từ nước ngoài.Nếu số tiền đã vay được sử dụng để đầu tư, các tác động tiêu cực sẽ bị loại bỏ. Nhưng nếu số tiền đi vay được sử dụng để tài trợ cho tiêu dùng, thì GPI sẽ giảm.


Lược dịch từ ba bài viết chuyên môn:

Understanding Growth & GDP, Devinder Sharma -  Indian Food and Trade Policy Analyst and Activist

The Genuine Progress Index (GPI), Trish Glazebrook - Associate Professor at Dalhousie University

The Genuine Progress Indicator - A Principled Approach to Economics, Mark Anielski - Senior Advisor to the International Institute for Sustainable Development