Học đại học không phải sự đầu tư! | Vietcetera
Billboard banner

Học đại học không phải sự đầu tư!

Tại sao cần tránh lạm dụng từ "đầu tư" - một thuật ngữ mang tính kinh tế trong diễn ngôn về quyết định học đại học.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Đầu tư (投資) là một động từ Hán Việt, miêu tả việc sử dụng tiền vốn để tham gia công việc kinh doanh. Trong giáo trình kinh tế học, sự đầu tư chỉ việc mua những máy móc, thiết bị với kỳ vọng tạo thêm lợi nhuận trong tương lai, bao gồm cả việc mua nhà ở. Dù được định nghĩa rộng hay hẹp, hạn từ “đầu tư” thường được sử dụng rộng rãi trong chuyên ngành tài chính, một ngành cốt yếu đặc thù của nền kinh tế. Tuy nhiên, con người vẫn cho phép từ vựng này được lấn sân sang cả lĩnh vực khác, điển hình là giáo dục đại học.    

Bài viết này không nhằm nói chi tiết về sự đầu tư hay cách thức đầu tư, vốn dễ dàng tìm kiếm bằng Google. Trái lại, tôi muốn chỉ ra việc một thuật ngữ mang tính kinh tế đã được sử dụng trong diễn ngôn về quyết định học đại học như thế nào và vì sao việc lạm dụng từ đầu tư lại cần tránh trong các phát biểu công cộng và ngay trong lối suy nghĩ. 

Những chuyện bên lề

Khang, một người bạn lớn tuổi của tôi, tốt nghiệp trường đại học về y khoa nổi tiếng tại Sài Gòn và hiện đang hành nghề tại một bệnh viện công. Có lần, anh than thở về đồng lương ít ỏi và cứ dằn vặt về chuyện ba mẹ ở quê bán đất, bán ruộng để lo tiền cho anh học hành, đến khi anh đem ba cọc ba đồng về nhà thì chỉ nhận những lời nuối tiếc cay đắng về khoản đầu tư đổ sông đổ biển. 

Đó không phải trường hợp duy nhất. Bạn thời đại học của tôi là Thanh còn gặp tình cảnh trớ trêu hơn. Thanh phải học lại hai môn và tốt nghiệp trễ, đồng thời điểm trung bình (GPA) thấp khiến Thanh không dám gọi điện về mỗi tuần, thậm chí rối loạn lo âu. Ba mẹ bạn làm nông, tuy gia cảnh không đến mức túng thiếu nhưng cũng chẳng dư dả. Họ mong muốn con mình thành tài để có mức thu nhập khá khẩm hơn và xứng đáng với nỗ lực của gia đình gần bốn năm ròng. 

Thứ tư duy phổ biến

Một điểm chung mà các bạn phàn nàn là việc các phụ huynh thường thúc ép con cái có một công việc lương cao để bù đắp cho học phí đóng ở những năm trên giảng đường. Nói cách khác, những đồng tiền họ chắt chiu để đầu tư vào việc con cái học đại học phải đem lại lợi nhuận. Tư duy này xuất hiện ở phụ huynh và cả sinh viên. Trong một hội thảo, hai vị phụ huynh và một cựu sinh viên cũng đem khái niệm đầu tư gắn liền với chuyện học đại học, đồng thời đưa ra lời khuyên cho rằng việc đầu tư vào đại học, vốn giúp nâng giá trị bản thân, cần có một lộ trình và phải làm từ sớm.

Thuật ngữ đầu tư còn được sử dụng bởi giảng viên trong phân tích quyết định có nên học đại học. Cuối năm ngoái, một trưởng khoa tại đại học công lập nêu rõ việc đầu tư vào tấm bằng và thu hồi vốn khi đi làm là một tư duy lỗi thời. Tuy nhiên, ông lại lập luận rằng đầu tư vào đại học là sự chia sẻ chi phí với cơ quan chủ quản và dự tính sau hai năm sinh viên có thể hồi vốn vì chi phí đại học rẻ hơn nhiều so với thế giới, chưa kể khoản đầu tư là cần thiết vì giúp sinh viên phát triển các kỹ năng xã hội và khai phá tiềm năng. 

Thoạt nghe, chúng ta thấy quan điểm trên khá hợp lý nếu giả định rằng các sinh viên đều có thể tốt nghiệp và thu về nhiều lợi ích (vật chất lẫn tinh thần) khác trong suốt quá trình học. Thực tế, chi phí học đại học không chỉ dừng lại ở tiền đóng vào trước mỗi học kỳ, mà bao gồm chi phí cơ hội, là khoản tiền mà một người có thể kiếm được thay vì dành ra bốn năm đèn sách, và nó không hề rẻ. Hơn nữa, chẳng có gì đảm bảo sau khi trải qua thời gian đào tạo, sinh viên có công việc đúng sở nguyện, những mối quan hệ lành mạnh hoặc một khoản thù lao khá khẩm (Thậm chí còn gánh một khoản nợ lớn nếu bạn là sinh viên Hoa Kỳ). 

Thực tế khác với sự hứa hẹn

Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng, tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân gia tăng ở mức báo động, chiếm 38.6% tổng số người lao động thất nghiệp. Theo thống kê đầu năm 2019, có hơn 100000 cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, chủ tịch một đô thị lớn còn khẳng định trong những sinh viên có việc làm thì chiếm 60% người làm trái ngành học và gây ra lãng phí lớn. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam dẫn đến những khó khăn về kinh tế, nhiều tân cử nhân lao đao với việc mưu sinh và phải bươn chải cùng những công việc thời vụ. Ngay cả những trải nghiệm trong quá trình thu nhận kiến thức của sinh viên cũng trở nên tiêu cực khi một nghiên cứu khác công phu hơn cho rằng áp lực của giảng viên phải chuẩn bị cho sinh viên vượt qua các kỳ thi dẫn đến việc sinh viên sử dụng chiến thuật học vẹt để tồn tại qua các bài kiểm tra, đồng nghĩa với việc giảm thiểu việc phát triển tư duy sáng tạo và phản biện. 

 Như thế, nếu khẳng định đầu tư vào đại học có lợi nhuận cao, hoặc đem lại những con đường phát triển sự nghiệp sáng lạn, thì chúng ta phải giải thích thế nào cho những trường hợp sinh viên thất nghiệp, làm trái ngành hoặc đang chật vật với việc học tại trường trước tương lai vô định. Những lời hứa hẹn về thành công hoặc gặt hái trái ngọt ở môi trường đại học đã bị thổi phồng quá mức, chỉ tập trung vào những nhân tố thành công mà gạt bỏ những tiếng nói khác vốn ít khi được lắng nghe cẩn trọng. Việc thất bại cả trong quá trình học và hậu tốt nghiệp thường được gán ghép những tính từ như lười biếng, kém cỏi hoặc thụ động, mà phớt lờ những cơ cấu xã hội đã gây ra điều đó, hoặc thiếu góc nhìn từ những nguyên nhân sâu xa hơn. 

Gọi đúng tên sự việc

Dĩ nhiên, việc quyết định vào đại học cần phải cân nhắc về học phí và chất lượng đào tạo của một trường nào đó. Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc cân nhắc những điều kiện tài chính nhằm mục đích có thêm thông tin để chọn ra nơi mình sẽ phát triển tri thức và phát triển bản thân, để xem xét những ưu điểm và khiếm khuyết của nơi đào tạo và ra quyết định tốt hơn, nhằm phục vụ cho sự học hỏi và thiện ích chung, chứ không phải đồng hóa chuyện học thành một khoản đầu tư sinh lời như thị trường chứng khoán (mà ngay cả chuyện này cũng có thua lỗ), và sau đó làm mọi cách để thu về lợi nhuận. Rõ ràng, các sinh viên nộp tiền cho nhà trường như một cách bắt buộc để tiếp tục sự học chứ không phải dùng tiền ấy mua thêm hàng hóa, thuê công xưởng hoặc trả lương cho nhân viên để vận hành doanh nghiệp.  

Vì vậy, đại học không phải là lò “sản xuất” những con người biết làm giàu, tìm kiếm sự an toàn tài chính hoặc tiện nghi. Hơn hết, mục đích của học đại học là đào tạo các cá nhân mong mỏi lĩnh hội tri thức, hiểu rõ về cách thế giới vận hành và sẵn sàng đem sở học đóng góp vào phát triển cộng đồng, thông qua chính công việc hoặc các hành động thường nhật, mà có khi điều này đòi hỏi sự cho đi thay vì nhận lại. 

Đã đến lúc các lãnh đạo đại học, các nhà tuyển sinh hoặc truyền thông nên trả đầu tư về đúng ý nghĩa của nó bằng những lời phát biểu có trách nhiệm. Thay vì vẽ ra những miếng bánh ngọt ngào mời mọc các nhà đầu tư trẻ hào hứng, chúng ta cần chú tâm giúp đỡ những thiếu niên tuổi mười tám ý thức được trách nhiệm của bản thân, thoát khỏi những ngộ nhận về đời sống vật chất và học cách đưa ra những lựa chọn có cân nhắc. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.