Liệu ta có được ý nghĩ nếu không nhờ ngôn ngữ? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Liệu ta có được ý nghĩ nếu không nhờ ngôn ngữ?

Theo bạn, đâu là yếu tố ảnh hưởng ý nghĩ của bạn nhiều nhất? Bạn có cảm nhận được sự thay đổi trong tính cách, ý nghĩ khi chuyển sang một ngôn ngữ khác?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing - Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trong tiểu thuyết nổi tiếng "1984" của George Orwell, chính quyền Big Brother đã nắm toàn bộ kiểm soát quyền riêng tư của các cư dân vùng Oceania. Họ quan sát từng cử chỉ, hành động và thậm chí cả ý nghĩ của người dân. Những ai có biểu hiện tự chủ trong suy nghĩ sẽ được gắn Thoughtcrime – trọng tội được gắn cho những suy nghĩ không theo chủ trương của Big Brother.  Và họ, nếu bị phát hiện, sẽ được đưa vào phòng 101 – nơi không ai trở về hoặc trở về rồi lại biến mất ngay sau đó! Big Brother có một lý tưởng rằng chỉ cần kiểm soát được ngôn ngữ là họ có thể kiểm soát được ý nghĩ. Từ đó họ sáng chế ra một ngôn ngữ mới gọi là Newspeak, một biến dạng của tiếng Anh (lúc bấy giờ được gọi là Oldspeak), với mục đích chính là hạn chế suy nghĩ của người dùng. Đặc điểm của Newspeak là kho từ vựng cực kì nghèo nàn, đây là ngôn ngữ duy nhất có số từ vựng ngày càng giảm mỗi năm. Để giảm tối thiểu số lượng từ vựng, họ sẽ dùng một gốc chữ để diễn tả nhiều nghĩa. Trong Newspeak, từ “bad” sẽ được thay bằng “ungood”. Tương tự, “great” sẽ được thay bằng “plusgood”, hoặc nếu ta muốn nhấn mạnh hơn, sẽ có “doubleplusgood”.

Big Brother tin rằng chỉ cần hạn chế được số từ vựng, họ có thể hạn chế được luồng suy nghĩ của người dùng. Chỉ cần bỏ đi các từ vựng về tự do và độc lập là họ đã có thể dễ dàng thao túng người dân quên đi các khái niệm đó. Nhưng ta có thể thật sự làm như vậy không? Ta có suy nghĩ ít hơn khi ta nói một ngôn ngữ có ít từ vựng? Ngôn ngữ có thật sự là quyết tố quyết định ý nghĩ?

Edward Sapir, một nhà khảo cổ và ngôn ngữ học, cho rằng ngôn ngữ có liên quan với việc hình thành quan điểm và ý nghĩ của người dùng. Đây là nền tảng cho thuyết Linguistic Relativity (Thuyết tương đối ngôn ngữ - rất tiếc Einstein không có đóng góp gì ở đây) và thường được biết với tên là Giả Thuyết Sapir–Whorf. Sapir phát triển học thuyết với ý tưởng: ngôn ngữ quyết định hoàn toàn ý nghĩ, đây được gọi là Linguistic Deterimism (Tất định ngôn ngữ). Đây chính là lý tưởng mà chính quyền Big Brother trong “1984” tin vào, họ dùng ngôn ngữ để kiểm soát ý nghĩ. Nghe có vẻ khó tin nên Linguistic Determinism đã bị bác bỏ hoàn toàn bởi nhiều lời chỉ trích cũng như các bằng chứng phản biện, và được thay thế bằng Linguistic Influence: ngôn ngữ chỉ ảnh hưởng ý nghĩ tới một mức độ nào đó.

Ngôn ngữ của người Dani là một trong những bằng chứng bác bỏ Linguistic Determinism, họ chỉ có 2 từ chỉ màu sắc là mili (màu tối) và mola (màu sáng). Nếu như Linguistic Determinism có thật thì người Dani không thể nào phân biệt được sự khác nhau giữa những màu tối hoặc sáng, bởi họ chỉ có 2 từ chỉ màu sắc, ngôn ngữ quyết định ý nghĩ họ. Nhưng thực tế thì họ có thể phân biệt các màu sắc một cách dễ dàng mặc cho ngôn ngữ Dani không có từ cho các màu sắc đấy. Một ví dụ nữa là tiếng Estonian, họ không có các từ vựng chính thống cũng như văn phạm cho thì tương lai và giới tính, như vậy có phải là họ không phân biệt được thời gian cũng như giới tính theo như Linguistic Determinism? Đương nhiên là không.

Linguistic Determinism và Linguistic Influence đều đứng trên lập trường: ngôn ngữ có liên quan với việc hình thành quan điểm và ý nghĩ, cái khác duy nhất ở đây là mức độ ảnh hưởng. Đa số các nhà ngôn ngữ học đều công nhận rằng ngôn ngữ có ảnh hưởng ý nghĩ tới một mức độ nào đó nhưng rất khó để đưa ra một con số cụ thể cho mức độ ảnh hưởng của ngôn ngữ tới ý nghĩ, suy cho cùng đây là một vấn đề mang tính chủ quan rất cao.Tuy nhiên mối liên hệ “ngôn ngữ - ý nghĩ” vẫn chưa hoàn toàn phản ánh đầy đủ sự hình thành của ý nghĩ, còn một yếu tố nữa là văn hóa. Một mối quan hệ tương quan giữa ba yếu tố “ngôn ngữ - ý nghĩ - văn hóa”. 

Mối liên hệ “văn hóa-ngôn ngữ” có thể được quan sát trong sự phân hóa về từ vựng của các khía cạnh đời sống. Các nước Bắc Âu thường đa dạng hơn trong từ vựng về tuyết tuyết so với các ngôn ngữ châu á nói chung và tiếng Việt nói riêng. Trong tiếng Phần Lan hanki là một lớp tuyết mỏng đủ để trượt tuyết, tykky là một khối tuyết tụ lại trên cây, nuoska là tuyết có thể làm snowball (banh tuyết) được,... còn cỡ chục từ nữa, mình sẽ để ở dưới nguồn. Sự đa dạng về từ vựng diễn tả tuyết cho thấy văn hóa Bắc Âu gắn liền với đặc điểm khí hậu này hơn so với các nước châu Á.

Một sự khác nhau nữa là ẩm thực. Tiếng Anh và các ngôn ngữ Châu Âu thường thiếu đa dạng từ vựng về gạo. Trong tiếng Anh, rice đều có thể hiểu là gạo và cơm. Trái lại, tiếng Việt và các ngôn ngữ Châu Á lại rất đa dạng từ vựng về gạo. Tiếng Việt: gạo và cơm, tiếng Hàn: ssal (gạo) - bap (cơm), tiếng Nhật kome (lúa hoặc gạo) - gohan (cơm). Sự khác nhau này bắt nguồn từ việc gạo là món ăn thiết yếu của người châu Á, trong khi với phương Tây, đây chỉ là một trong nhiều món ăn hằng ngày.

Ta cũng có thể thấy sự khác biệt trong cách xưng hô, đặc biệt là số lượng pronoun (chủ ngữ) giữa ngôn ngữ phương Đông và Tây. Trong tiếng Anh: I/me chỉ ngôi thứ nhất, trong khi đó, tiếng Việt có rất nhiều từ chỉ ngôi thứ nhất như là anh, chị, em, tớ, tao, mày,.. Tiếng Nhật cũng tương tự: watakushi, watashi, atashi, boku, ore. Theo nhận định của mình, nhìn qua ngôn ngữ ta cũng có thể thấy được sự khác nhau trong văn hóa: đối với văn hóa phương Tây (nói chính xác hơn là các nước nói tiếng Anh), cách xưng hô không quá đặt nặng sự khác biệt giai cấp, độ tuổi và giới tính. Mọi người đều xưng hô và được xưng hô giống nhau. Còn với tiếng Việt, giao tiếp xã hội sẽ chú trọng hơn vào tầng lớp và lứa tuổi. Tùy vào người đối diện mà cách xưng hô của ta sẽ khác nhau, gợi nên sự đa dạng trong chủ ngữ. Đây cũng là nét đem lại sự thân thiết trong câu từ của tiếng Việt.

Về mối liên hệ “văn hóa-ý nghĩ”, đây là điều rất hiển nhiên. Văn hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm các mối quan hệ, cộng đồng, xã hội và chuẩn mực – tất cả những điều hình thành nên suy nghĩ và định kiến của ta.

Trở lại câu hỏi đề bài, liệu ta có được ý nghĩ nếu không có ngôn ngữ? Theo Linguistic Influence thì ta vẫn có được ý nghĩ nếu không có ngôn ngữ, sẽ chỉ là khó diễn tả ra thôi. Nói cách khác, ta vẫn hoàn toàn sở hữu ý nghĩ mà không cần ngôn ngữ, nhưng ta sẽ cần ngôn ngữ để có thể truyền đạt các ý nghĩ đấy một cách hiệu quả. Đó cũng là lí do mà con người tạo ra ngôn ngữ từ ngàn năm trước - truyền đạt ý nghĩ một cách hiệu quả.

Xét một cách tổng quan thì việc hình thành ý nghĩ không chỉ đơn thuần là dựa trên quan hệ tuyệt đối giữa “ý nghĩ - ngôn ngữ”. Nói chính xác hơn, đó là mối quan hệ tương đối giữa “ngôn ngữ - ý nghĩ - văn hóa”. Đây vẫn còn là một cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Theo bạn, đâu là yếu tố ảnh hưởng ý nghĩ của bạn nhiều nhất? Bạn có cảm nhận được sự thay đổi trong tính cách, ý nghĩ khi chuyển sang một ngôn ngữ khác?

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian.

Mình có làm một video nói sâu hơn về sự tương quan giữa ý nghĩa và ngôn ngữ, mong các bạn có thể theo dõi.

Bài viết học thuật tham khảo:

  • Boroditsky L. Does language shape thought? Mandarin and English speakers’ conceptions of time. Cogn Psychol 2001

  • Boroditsky L. Linguistic relativity. In: Nadel L, ed. Encyclopedia of Cognitive Science. London: MacMillan Press; 2003

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.