Liều thuốc cho “triệu chứng quá tải tinh thần” | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 05, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Liều thuốc cho “triệu chứng quá tải tinh thần”

“Gánh nặng đầu óc” (mental load) là cụm từ chỉ người lao động trí óc thường xuyên hay lo lắng và ám ảnh bởi mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết được chuyển ngữ từ "The Cure for 'Mental Overload Syndrome' in Marriage and Relationships" đăng trên blog 80/80 Marriage của Nate và Kaley Klemp.


Bây giờ là là 6 giờ tối thứ Sáu. Một tuần dài đã trôi qua. Bạn đang ngồi ăn tối cùng gia đình, sẵn sàng bỏ công việc và mọi bộn bề của một tuần lại đằng sau để thư giãn, và hơn hết, là để kết nối với gia đình. 

Nhưng không hiểu sao, tâm trí bạn có vẻ phản đối ý tưởng đó. Không, một giọng nói vang lên trong đầu bạn giống như tiếng quát của vị quản lý cấp trên đang ra lệnh: “Mày quên gửi email rồi, đúng không?” hay “Mày đã đặt chỗ cho chuyến công tác hè chưa đấy?” hay “Mình có nên lẻn vô nhà tắm để trả lời hai tin nhắn mới gửi đến không nhỉ?”

Những nhà tâm lý học nghiên cứu về hôn nhân gọi hiện tượng này là “gánh nặng đầu óc” (mental load). Đây là cụm từ chỉ người lao động trí óc thường xuyên hay lo lắng và ám ảnh bởi mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng tôi nghĩ là có một cái tên hay hơn cho hiện tượng mới mẻ ở thời đại này, đó là “hội chứng quá tải tinh thần” (mental overload syndrome). Sau cùng, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ chúng ta có “gánh nặng tinh thần." Vấn đề là gánh nặng tinh thần đã nghiêm trọng tới mức như một chiếc xe tải nhỏ chứa cả chục con voi chen chúc chồng chất lên nhau trong một không gian chật hẹp. Gánh nặng này không chỉ đang đè chúng ta xuống, mà còn làm quá tải tâm trí của ta.

Hãy thử ngẫm lại có gì đang chạy trong tâm trí bạn. 

Đầu tiên, là những việc hậu cần hằng ngày. Rồi sau đó là gánh nặng công việc hay sự nghiệp. Chúng ta còn những đứa con thơ cần nuôi nấng bảo bọc. Chúng ta còn phải ăn uống lành mạnh, tập thể dục, sử dụng thêm thực phẩm chức năng để bồi bổ cơ thể. Tiếp theo, là hàng đống những kênh truyền thông xã hội, tin tức, TV, podcast, và mọi nguồn thông tin có vẻ quan trọng khác.

Não của chúng ta không được thiết kế để đối phó với những điều này. Chúng ta được lập trình để tồn tại trong cuộc sống săn bắt và hái lượm giản đơn trên đồng cỏ savannah. Tuy nhiên ngày nay, chúng ta lại khiến cho ổ cứng được lập trình từ thời tiền sử này quá tải với hằng hà những thông tin, công việc, và nỗi lo thường nhật tập kích. 

Vậy làm sao ta có thể chữa trị được căn bệnh hiện đại này? 

1. Đặt điện thoại xuống!

Điện thoại thông minh là một phát minh kỳ diệu của thời đại. Có thể bạn đang đọc bài viết này ngay trên một chiếc điện thoại thông minh. Nó đã cải thiện cuộc sống của chúng ta trong rất nhiều phương diện. Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng như một loại thuốc gây nghiện, liên tục cung cấp những thứ gây xao nhãng, và lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại bằng những thứ mới mẻ.

Đó là lý do tại sao chữa trị "quá tải tinh thần" lại bắt đầu với việc cắt bỏ điện thoải khỏi thời gian rảnh rỗi, và cho bản thân thời gian kết nối với gia đình.

Hãy vứt điện thoại khỏi phòng ngủ. Cùng tản bộ với gia đình mà không mang theo điện thoại. Khoá điện thoại trong một cái hộp trong suốt bữa ăn tối nếu như bạn thấy cần thiết. Làm bất cứ điều gì để tạo một khoảng không gian tránh xa các thiết bị này. 

2. Đặt ra những ưu tiên trong ngày

"Quá tải tinh thần" đã nuốt lấy những ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta. Ở tình trạng này, ta sẽ để các email, tin nhắn, hay cuộc gọi có quyền dẫn dắt cuộc sống của mình. Trong khi đó, các việc cần ưu tiên thì lại bị cho biến mất vào màn sương, bị đằng sau những đòi hỏi tới tấp của thế giới xung quanh. Bản thân chúng ta bị bỏ lại, thấy choáng ngợp và quá tải. Tại sao? Vì chúng ta để những ưu tiên của người khác thống trị cuộc sống của chính mình.

Để chữa trị được điều này, hãy đặt ra ba ưu tiên của bạn cho mỗi ngày. Bạn chỉ cần viết xuống ba điều quan trọng nhất cần làm mỗi ngày, “Hôm nay, ba ưu tiên của mình là: viết bảng đề xuất, gọi điện, và tìm kiếm thông tin cho chuyến đi sắp tới.”

Nghe có vẻ dễ nhỉ. Nhưng rồi cuộc sống lại tiếp diễn. Bạn bị xao nhãng bởi đứa con giở tính vào buổi sáng, tin tức nóng hổi trên TV, hay một tin nhắn khẩn của người thân.

Những ưu tiên này sẽ giúp bạn nhìn thấu được sự hỗn độn của cuộc sống. Chúng sẽ cho bạn một nơi trú ẩn khỏi hiện tượng "quá tải tinh thần," và mang bạn trở lại với những gì thật sự quan trọng và có ý nghĩa nhất. 

3. Lựa chọn thông tin

Có câu nói rằng “bạn là những gì bạn ăn” (you are what you eat). Nhưng cũng có thể nói “bạn là chính thông tin bạn hấp thụ” (you are the information you consume). Bạn dành cả ngày và đêm lướt từ Instagram đến TikTok, rồi lại lướt đến những tin thời sự gây sợ hãi, rồi chuyển sang podcast, Netflixt. Thật hỗn độn và thông tin lại rải rác ở khắp mọi nơi. Khi đó, tâm trí của bạn sẽ bắt đầu phản chiếu lại tình trạng rải rác và hỗn độn thông tin này.

Còn gì tệ hơn là khi việc trói buộc thông tin càng trở thành một thói quen, bạn càng thèm muốn những đợt dopamine (một loại hoóc-môn hạnh phúc) chạy rần rần trong người. Tóm lại, bạn sẽ nghiện những hành vi giúp khuếch đại tình trạng "quá tải tinh thần."

Cách để thoát khỏi cái vòng xoắn ốc đi xuống này là phải hấp thụ thông tin có chọn lọc. Để làm được điều này, bạn hãy bước lùi lại và tự hỏi, “Blog/podcast/tin tức này có phải là ưu tiên với tôi không? Hay nó chỉ đổ thêm dầu vào đám lửa quá tải tinh thần đang hừng hực cháy?”

Bước đầu xác định nguyên nhân khách quan của "quá tải tinh thần" cũng khá dễ dàng. Bước tiếp theo, bạn phải đưa ra quyết định không hấp thụ những thông tin này. Điều này khó, rất khó. Nó đòi hỏi lòng can đảm, nhận thức, và tính kỷ luật, ít nhất là ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên thì phần thưởng cho sự nỗ lực của bạn sẽ rất xứng đáng. Hãy tưởng tượng bạn thức dậy mỗi sáng với tinh thần minh mẫn, đầy tò mò với cuộc sống, thay vì bị cuốn những cơn lốc lo âu như thường lệ. Tưởng tượng bản đồ tâm trí được giới hạn vào những việc quan trọng như gia đình, vợ/chồng, và môi trường sống hiện tại xung quanh bạn.

Đó là trải nghiệm cuộc sống không còn "quá tải tinh thần."