Lời thú tội của một kẻ bảo vệ môi trường nửa mùa | Vietcetera
Billboard banner

Lời thú tội của một kẻ bảo vệ môi trường nửa mùa

Động lực dễ tạo nhưng nhanh tắt, chỉ có động lực từ bên trong, từ tình yêu thiên nhiên của mỗi người mới đủ mạnh để thắp sáng ngọn đèn trên con đường dài.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Rừng Amazon cháy tôi không buồn, rừng ở Australia cháy hay băng ở Bắc cực tan mình cũng không lo lắng. Nhưng nếu Đèo Mã Pí Lèng biến mất, đồi thông Yên Minh bị chặt, sông Nho Quế ngập rác, tôi sẽ buồn lắm.”

  • Báo chí: Thế giới ngày hôm nay và mai sau cho con cháu chúng ta có trong lành, bền vững hay không, một phần không nhỏ phụ thuộc vào từng hành động nhỏ của các bạn ngay bây giờ.”
  • Bình luận: “Xin lỗi chứ tương lai tôi còn chưa biết sống chết thế nào nên lôi cái tương lai con cháu ra hù dọa.

Hãy bảo vệ môi trường!” - Câu thần chú kêu gọi lối sống nửa mùa.

Sáng thứ bảy, trên đường đi làm tôi ghé mua miến gà cùng bịch nước dừa cho bữa sáng. Một điều hết sức bình thường trong đời sống văn phòng suốt hơn 6 năm qua, và có lẽ nó cũng sẽ lẳng lặng trôi tuột khỏi ký ức của tôi nếu không có các phong trào bảo vệ môi trường xuất hiện dồn dập từ đầu năm 2019. Dùng ba chiếc túi nilon và một hộp xốp ở thời điểm nhạy cảm này là cái tội tày đình (hoặc là tôi cảm thấy thế qua ánh mắt sắc lẹm của cô bạn đồng nghiệp). Cũng chẳng thể trách được vì tôi từng chứng kiến con người ấy thà ngồi gặm ổ bánh mì chứ nhất quyết không mua món bánh giò yêu thích để bảo vệ một chiếc túi nilon và chiếc thìa nhựa.

Có hẳn một dạo nọ, người người nhà nhà cùng nhau hô hào mua ống hút inox, túi vải, ly giữ nhiệt, hộp nhựa,... để sống xanh. Trên Facebook, cô ca sĩ A chia sẻ vừa tái chế mấy chai nhựa trong nhà; mấy đứa bạn thân đăng ảnh khoe ống hút inox, bình thuỷ tinh mới mua, tới cả nhãn hàng bột giặt mọi bữa đỏ lòm giờ cũng chuyển qua xanh lè với tagline to đùng "PHỦ XANH VIỆT NAM"... Tính lên Kenh14 “núp” cho lành, ai ngờ lại bị ngụp lặn trong đống bài viết về phong trào “Cuộc Chiến Trộm Nhựa”, người ta hô hào, ca tụng lối sống xanh như một xu hướng mới của những NGƯỜI TRẺ HIỆN ĐẠI. 

Khi “đại hội” chống rác thải nhựa đang sôi sục, từ trong nhà ra tới ngoài phố, việc bạn cảm thấy không tha thiết với các hoạt động bảo vệ môi trường trở thành điều gì đó sai sai. Nhưng nếu không muốn “bị bỏ lại phía sau” thì tốt hơn là bạn cần nhập hội. Một ngọn lửa động lực nhanh chóng được nhóm lên. Chỉ vài ngày sau bạn đã sắm đủ “vũ khí” cho mình: ống hút inox, ly giữ nhiệt, túi vải, bộ đũa thìa bằng gỗ,... Những tấm hình chia sẻ lên Facebook thay cho lời tuyên ngôn của một người trẻ hiện đại về lối sống xanh bảo vệ môi trường. Nhưng chưa đầy một tháng sau bạn bắt đầu nhớ nhớ quên quên: chiếc ống hút tre mốc meo vì bị ngâm nước quá lâu; bộ thìa gỗ nằm gọn trong túi vì ăn ngoài thì làm gì có chỗ nào rửa, lười. Chiếc ly giữ nhiệt Starbuck mua gần một triệu cũng chẳng thể dùng tại các quán cà phê khác (người ta không bán vào ly của đối thủ cạnh tranh). Không nản lòng, bạn tính sẽ mua ly, ống hút mới, nhưng không còn vội vàng như ban đầu. “Cứ để đấy rồi tính sau vậy!”, bạn nghĩ. 

Tôi biết nhiều người bảo vệ môi trường nửa mùa như vậy: không phản đối nhưng cũng chẳng tích cực hành động, vì thành thật mà nói tôi cũng là một trong số họ. Cái thể loại người phong trào như tôi thấy báo đài sớm khuya thủ thỉ bên tai phải bảo vệ môi trường nên cũng tập tành cho giống người ta thôi chứ chẳng thiết tha. Mấy đứa nửa mùa bao giờ cũng là ca khó nhất, chính kiến không đủ mạnh nên nói cái gì cũng thấy đúng, dễ dàng thay đổi nhưng cũng dễ dàng bỏ cuộc. Thay đổi lối sống được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, khi phong trào tạm lắng không còn ai hô hào kêu gọi thì cũng chẳng còn mấy động lực. Kêu tôi bảo vệ môi trường chẳng khác gì bảo tôi đi bảo vệ cá heo chuột California sống ở tít bên kia đại dương mà có thể suốt đời này cũng chẳng bao giờ gặp. Tôi tự hỏi:

“Mọi người lấy ở đâu nhiều động lực đến thế để sớm tối bảo vệ môi trường không mệt mỏi nhỉ? 

Điều mà các phong trào bảo vệ (quên) không nói với tôi

Cách đây vài tuần tôi có một chuyến đi Hà Nội, Sapa, Hà Giang, Hạ Long. Đi chơi vui quá nên chẳng nhớ nổi trong 2 cuộn phim mang theo đã chụp gì đến lúc ngồi xem ảnh vừa tráng xong thì hết hồn, tất cả là cảnh đồi núi, đèo dốc, cây cối,... Tôi không biết mình yêu thiên nhiên nhiều đến! Bằng một cách nào đó những ngày tháng vượt đèo đã kéo thiên nhiên lại gần hơn với cuộc đời thành thị của tôi. Những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, cánh rừng thông Yên Minh thẳng tắp bên đường, cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ, hay đồng ruộng bậc thang nhuộm vàng cả quả đồi,… 

Đất nước Việt Nam mình đẹp lắm, đẹp lắm, đẹp lắm, đẹp lắm, đẹp lắm,... Tôi đã nói câu này đủ một nghìn lần chưa nhỉ. Có chiều tôi ngồi ở đèo Mã Pí Lèng hơn hai tiếng không làm gì ngoài nhìn ngắm núi sông. Một bên là núi đá, một bên là vực thẳm, con đường Hạnh Phúc vắt ngang qua lưng đèo như có ai tiện tay vẽ một đường. Mặt trời tắt nắng, vài đứa trẻ gùi củi trên vai xuống núi, tiếng chim kêu lúc bay về tổ, phía dưới con sông Nho Quế, chiếc thuyền gỗ thong thả trôi, lác đác bên sườn núi có vài căn nhà gỗ nghi ngút khói bếp, chuẩn bị nấu bữa cơm chiều. Hôm đó, Ngọt không hát một bài nào, sách chẳng có để đọc, xung quanh không có ai để truyện trò nhưng tôi vui lắm, chỉ da diết mong ước ba mẹ, anh chị, bạn bè mình cũng ở đây để nhìn thấy những thứ đẹp đẽ thế này.

Rồi tôi nghĩ, nếu sau này quay lại, nhìn thấy cây rừng bị đốn trọc, mấy ngọn núi đá biến mất do bị khai thác làm vật liệu xây dựng hay sông Nho Quế đục ngầu đầy chai nhựa, bịch nylon, nhà nghỉ khách sạn mọc lên khắp nơi thì... tôi buồn lắm. Về tới Sài Gòn lòng bảo dạ thế nào mà tự giác đem túi vải đi siêu thị, mang ly thuỷ tinh đựng nước dừa, hạn chế mua sắm quần áo hay cố gắng nấu ăn ở nhà để hạn chế rác thải,...

Làm sao để một người bảo vệ môi trường nửa mùa thành “đủ mùa" ?

Tôi nghĩ dù các chiến dịch về bảo vệ môi trường có hay đắm đuối, báo đài truyền thông rầm rộ tới mấy thì tất cả cũng chỉ tạo nên động lực bên ngoài, tồn tại trong một thời gian ngắn. Việc cắt giảm lượng rác thải nhựa không khó, cái khó là làm sao mọi người có động lực để thực hiện nó lâu dài và điều đó cần nhiều thời gian, công sức hơn nữa. 

“Bảo vệ điều mình yêu bao giờ cũng dễ dàng hơn việc bảo vệ cái gì đó lớn lao, mơ hồ, chung chung”

Đồng ý là các phong trào kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa dù nhiều hay ít cũng đã tạo nên những chuyển biến tích cực ở mọi người nhưng tôi nghĩ cái gì là phong trào, xu hướng thì cũng có lúc nguội đi. Bảo vệ môi trường là con đường dài vì vậy chẳng thể lúc nào cũng vác loa đi kêu gọi, hô hào mãi được. Động lực dễ tạo nhưng nhanh tắt, chỉ có động lực xuất phát từ bên trong, từ tình yêu thiên nhiên của mỗi người mới đủ mạnh để thắp sáng ngọn đèn trên con đường dài. Tôi nghĩ câu chuyện bảo vệ môi trường không nên chỉ quẩn quanh bên chiếc ống hút, ly nhựa, bịch nylon, túi vải, tái chế,... mà hãy giúp mọi người nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên. Khi có tình yêu rồi thì chẳng cần phát động hay hô hào mọi người sẽ tự động ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi cá nhân trở thành một đại sứ của môi trường thì dù báo đài truyền thông có quan tâm tới hay không họ vẫn âm thầm hành động. Bảo vệ môi trường không còn là cuộc chơi chỉ thấy ở những hội nghị với sự góp mặt của các quốc gia mà là sân chơi của nhiều cá nhân.

Đôi khi đọc một bài báo về tấm gương người trẻ sống xanh, xem một video có thông điệp sâu sắc về bảo vệ môi trường lại không thật sự chạm đến trái tim người. Vì trước khi phải “bảo vệ môi trường' thì ai cũng muốn “bảo vệ điều mình yêu" và việc cần làm là tạo dựng và nuôi dưỡng tình yêu giữa con người và thiên nhiên.