Từ chia sẻ trên trang cá nhân của tác giả Lê Hồng Lâm.
Một mùa Oscar nữa đã trôi qua, và chúng ta lại được dịp ca tụng tài năng của một đạo diễn Châu Á khác: Chloé Zhao, người tiếp nối Lý An và Bong Joon Ho trở thành một trong những đạo diễn Châu Á đầu tiên được khắc tên trên tượng vàng Oscars.
Đặc biệt hơn cả, trong khi Bong Joon Ho và Lý An là những đạo diễn kỳ cựu nắm trong tay những tựa phim đình đám, thì Chloé Zhao lại là một đạo diễn với tuổi nghề khá trẻ. Dù trẻ, nhưng Chloé Zhao hoàn toàn xứng đáng với thành quả của mình: cô đã thành công trong việc mang đến cho Nomadland góc nhìn đầy thấu cảm của một người nhập cư dành cho những người Mỹ “bên lề” xã hội.
Trong bối cảnh hỗn loạn của thời dịch, khi kiều bào Châu Á phải đồng loạt đứng lên phản đối nạn kì thị ngày càng trở nên trắng trợn vì Covid-19, thì Nomadland của Chloé Zhao có cảm giác như một cái ôm đầy bao dung giữa chốn đất trời hùng vĩ, nơi chúng ta tồn tại như một giống loài thống nhất.
Có thể thế giới quan mới lạ về nước Mỹ của Chloé Zhao đã giúp cô ghi điểm với Viện Hàn lâm trong giai đoạn nhạy cảm này. Thế nhưng, khi nhìn lại 9 mùa Oscar gần nhất, ta dễ dàng nhận thấy sự vắng bóng rõ rệt của những đạo diễn Mỹ trên chính sân nhà của mình. Chẳng lẽ đạo diễn Mỹ không đủ tài năng? Hay góc nhìn của họ không đủ độc đáo? Không biết những tên tuổi Mỹ gạo cội nghĩ gì khi mãi chưa được xướng tên trên đấu trường Oscar?
Nhìn vào 9 giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Oscar 9 năm qua, thấy gì?
Có tới ba ông đạo diễn đến từ Mexico là Alejandro González Iñárritu, Guillermo del Toro và Alfonso Cuarón (thường được gọi là The Three Amigos) thắng tới 5 giải cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.
Ba ông này đều xuất thân từ dân truyền hình Mexico mang đặc trưng “sến”, mê lô (melodrama), “mùi”, rồi bắt đầu tìm đường vượt thoát sang điện ảnh, tiếp cận những đề tài mang tính bản địa nhất và kỹ thuật kể chuyện cũng được nâng cấp ngày càng cao tay lên.
Khi cái chất bản địa “đậm mùi” ấy tỏa sáng khắp thế giới, Hollywood bắt đầu chiêu mộ. Ba anh nối tiếp nhau thành công, từ bom tấn cỡ Harry Potter cho đến những bộ phim độc lập siêu nhỏ. Và trong mấy năm liên tiếp, phim của ba anh lần lượt thống lĩnh Oscar, mang về cho Alejandro González Iñárritu hai giải đạo diễn liên tiếp (Birdman và The Revenant); Alfonso Cuaron hai giải đạo diễn cách nhau vài năm (Gravity và Roma); cuối cùng là Guillermo del Toro thắng 2 giải nhờ The Shape of Water.
Ngoài 3 anh Mexico chiếm hết 5 giải, ba anh tài đến từ châu Á cũng ôm về 3 giải. Năm 2013 ông Lý An, gốc Đài Loan thắng giải Đạo diễn lần thứ 2 nhờ Life of Pi. Và hai năm gần đây lần lượt thuộc về Bong Joon Ho (Hàn Quốc) với Parasite và Chloé Zhao (gốc Trung Quốc) với Nomadland.
Trong 9 năm vừa qua, chỉ có một anh đạo diễn Mỹ (nhưng thực ra gốc Pháp) là Damien Chazelle thắng giải đạo diễn xuất sắc với La La Land.
Tại sao đạo diễn Mỹ lại thua hết trên sân nhà, mà toàn cỡ bự như Quentin Tarantino, Wes Anderson, Paul Thomas Anderson, David Fincher... (bốn ông toàn thuộc hàng lão làng hoặc quái chiêu cả, mà chưa ông nào thắng giải đạo diễn mới lạ lùng)?
Oscar có phải tiêu chuẩn của tài năng?
Điều này hơi khó nói, vì giải thưởng cũng như canh bạc, và cũng có tính biểu dương tài năng cho một tác phẩm, tô đậm dòng thời sự trong một năm nào đó. Chưa kể là gần đây các “cụ” trong Viện Hàn lâm có vẻ thích cái “mùi” xứ lạ, “mùi” nhập cư, “mùi” chính trị, hơn là thuần chất kiểu Mỹ.
Còn tài năng thì đôi khi vượt qua các giải thưởng, vượt qua thời gian.
Vì nếu nói về phong cách, ngôn ngữ điện ảnh hay sức ảnh hưởng dài lâu, bốn tay quái kiệt Quentin Tarantino, Wes Anderson, Paul Thomas Anderson, David Fincher hẳn đều vượt trội hơn các gương mặt thắng giải kể trên. Đến cả các bậc thầy như Orson Welles, Stanley Kubrick với Alfred Hitchcock cũng chưa bao giờ thắng giải Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất cơ mà.
Dù có giải hay không thì tài năng vẫn là tài năng. Thế thì có gì mà lo lắng, nhỉ?