Vào ngày 9 tháng 2 năm 2020, một cơn địa chấn đã xảy ra tại nhà hát Dolby, thành phố Los Angeles, làm rúng động toàn bộ ngành điện ảnh trên toàn thế giới. Cơn địa chấn đó mang tên Bong Joon-ho và Parasite (tựa việt “Ký Sinh Trùng”).
Nhận được 4 Oscars và là bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên nhận được giải Bộ phim Xuất Sắc nhất, chắc chắn Bong Joon-ho và Kí Sinh Trùng là một bước ngoặt của giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này.
Trong số Tráng Phim đầu tiên, hãy cùng nhìn qua một chút cấu trúc của Ký Sinh Trùng. Để hiểu hơn cách mà Bong Joon-ho những kĩ thuật ông đã đã dùng để kết hợp hai thể loại cực kì khác biệt là hài và kinh dị vào một kịch bản như vậy.
Parasite - Thách thức những rào cản về thể loại
Khi được hỏi rằng ông sẽ diễn tả Parasite như thế nào, với vốn tiếng anh khá hữu hạn của mình, ông liền trả lời, “Nó là một bộ phim vừa hài hước vừa đáng sợ.” (It’s just a funny and scary movie).
Đây có lẽ là một sự miêu tả không thế chính xác hơn. Bong chia bộ phim của mình ra hai nửa rất khác biệt về thể loại. Phần phim thứ nhất, nơi gia đình Kim đang trong quá trình kí sinh vào gia đình Park, là một phần phim hài tình huống. Phần phim thứ hai, khi mọi thứ đảo lộn và bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy, đấy là một phần phim kinh dị.
Bong Joon-ho và người đồng biên kịch của mình, Han Jin Won phải đối mặt với thử thách dung hòa hai thể loại có vẻ rất khác nhau này vào một bộ phim, và đồng thời phải giữ cho mạch cảm xúc xuyên suốt và trơn tru nhất có thể.
Họ đã làm được điều đó qua những kĩ thuật gì?
Cấu trúc 3 hồi - Tuy lạ mà quen
Cấu trúc 3 hồi (Three Act Structures) có lẽ là mô hình câu chuyện được biết đến nhiều nhất và được áp dụng rộng rãi trong truyền thông đại chúng phương Tây. Chúng gần như là thứ đầu tiên mà các trường học ở phương Tây dạy cho học sinh về cấu trúc của một câu chuyện.
Cấu trúc 3 hồi sẽ bao gồm… ba hồi.
Tại hồi một, sự kiện và nhân vật được thiết lập và nhân vật chính diện của chúng ta gặp phải một vấn đề gì đó khác với thường ngày. Họ đi vào giải quyết vấn đề và gặp những cản trở do chính bản thân, hay một thế lực bên ngoài tác động, đó chính là hồi hai. Sau khi mọi chuyện được giải quyết qua một cái đỉnh sự kiện (climax), khi nhân vật đã chiến thắng hoặc thua cuộc, chúng ta đi vào hồi 3. Hết phim.
Cấu trúc 3 hồi là một cấu trúc kể chuyện cực kì đơn giản và vì thế đã được áp dụng như một công thức thành công rộng rãi cho các bộ phim thị trường của Hollywood. Nhờ bản chất là một cốt truyện đi theo một chiều dễ đoán trước, cấu trúc 3 hồi giúp khán giả đại chúng có thể theo sát câu chuyện và tận hưởng nó một cách dễ dàng nhất.
Đa phần là các bộ phim thuộc dòng art house (phim nghệ thuật), thường bị đánh giá là chán và khó hiểu cũng vì chúng không đi theo một khuôn mẫu như thế này.
Vậy Bong Joon-ho đã làm thế nào để thoát khỏi cách kể chuyện lối mòn như cấu trúc 3 hồi nhưng vẫn giữ được sự chú ý của khán giả? Trong hai nửa bộ phim của mình, ông cho mỗi nửa bộ phim một cấu trúc 3 hồi hoàn toàn riêng biệt.
Trong phần phim thứ nhất, khán giả được giới thiệu với một gia đình tầng lớp lao động thấp kém, nhà Kim. Cậu bạn Min Hyuk, do “chủ tịch” Park Seo Joon thủ vai, chính là sự kiện đưa gia đình Kim ra khỏi cuộc sống thường ngày của họ. Cậu nhờ Ki Woo thay cậu làm gia sư cho con gái của gia đình Park, và từ đó công cuộc kí sinh của nhà Kim vào gia đình giàu có này bắt đầu.
Gia đình Kim luôn có một mục tiêu và động lực để đẩy họ đi qua tình tiết câu chuyện. Họ muốn có tiền và vì thế mục tiêu của họ là thay thế những người hiện đang làm việc cho gia đình Park. Sau khi đạt được mục đích cuối cùng, đưa Chung-sook thay thế bà quản gia cũ qua một kế hoạch cực kì kĩ lưỡng và chi tiết. Họ đã đạt được mục đích của mình, kết thúc phần phim thứ nhất.
Ở phần phim thứ hai, tất cả mọi kế hoạch của nhà Kim đổ vỡ do một vị khách không mời mà đến. Tiếng chuông cửa vang lên ngay giữa bộ phim chính là nhân tố đẩy gia đình Kim ra khỏi chiến thắng ở phần 1 của họ và đẩy họ vào phần 2.
Vốn dĩ cả hai thể loại hài hước và kinh dị có một điểm tương đồng khá lớn, đó chính là nó chơi đùa với suy nghĩ và sự kì vọng của khán giả.
Nếu như trong phần phim đầu tiên, chúng ta thấy thích thú khi xem cách nhà Kim lên kế hoạch cho công cuộc kí sinh của họ, tò mò rằng họ sẽ bày ra trò lừa gì tiếp theo. Thì ở phần phim thứ hai, phần phim kinh dị, chúng ta cùng gia đình Kim hồi hộp nín thở trước những gì sẽ diễn ra với mình.
Nhà Kim trở thành những nhân vật bị động, mục đích duy nhất của họ là bình an giữ được công việc của mình tại nhà Park. Lúc này, quyền kiểm soát và yếu tố bất ngờ không còn thuộc về gia đình Kim nữa, họ buộc phải phản ứng trước những tình huống xảy ra.
Sự uyển chuyển trong cách sử dụng cấu trúc 3 hồi của Bong Joon-ho không những đã khiến cho bộ phim dễ theo dõi hơn, nó còn giúp củng cố ý tưởng ban đầu của ông về một bộ phim sẽ xóa nhòa đi lằn ranh giữa phim hài và kinh dị.
Điểm không thể quay đầu - Tiếng chuông cửa báo hiệu chuyển hồi
Quay trở lại cấu trúc 3 hồi, chúng ta có thể thấy ngay giữa câu chuyện, sẽ có một điểm được gọi là điểm giữa (midpoint).
Đây là một điểm cực kì phổ biến, không chỉ ở cấu trúc 3 hồi mà còn ở rất nhiều cấu trúc kể chuyện khác, như cấu trúc 6 điểm (6 stage plot structure) của Michael Hauge hay vòng tròn câu chuyện (Story Circle) của Dan Harmon.
Lí do cho sự phổ biến của điểm này là vì nó là đánh dấu cho một cột mốc quan trọng trong hành trình của nhân vật chính diện.
Điểm giữa (mid-point) hay còn được gọi với một cái tên dễ hiểu hơn nữa là điểm không thể quay đầu (The point of no return), là điểm mà nhân vật chính diện sẽ thật sự bỏ lại thế giới an toàn phía sau và cắt đứt đường lùi của mình.
Trong một bộ phim mà nhân vật chính là một nhân vật chủ động, điểm không thể quay đầu chính là nơi mà họ đưa ra lựa chọn đánh cược một thứ quan trọng, để có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Như trong Captain America: Civil War, đây là điểm mà Baron Zemo đánh thức nhân cách Chiến binh mùa đông của Bucky. Captain America đã chọn cách trốn thoát để bảo vệ Bucky và chính thức trở thành tội phạm.
Với Parasite, xuyên suốt nửa đầu của bộ phim, gia đình Kim là những nhân vật chủ động. Họ tự đưa họ vào tình huống câu chuyện và hành động để đến gần hơn mục tiêu của chính mình.
Tất cả những kế hoạch của gia đình Kim, mọi hành động mà họ làm trong nửa đầu đều được lên kế hoạch rất kĩ lưỡng và chi tiết. Họ không hề gặp phải bất cứ một tình huống nào bắt buộc họ phải phản ứng nhanh và đối mặt với nó, từ đó, gần như khán giả không cảm thấy căng thẳng vì lo lắng cho gia đình Kim.
Sau khi nhà Kim đã hoàn thành việc “ký sinh” vào gia đình Park, bỗng nhiên mọi thứ dần trở nên quá yên bình. Tất cả nhân vật trong câu chuyện đã đạt được mục đích của họ, vì thế, họ sẽ không có động cơ để hành động. Việc này đồng nghĩa với việc câu chuyện thiếu đi lực đẩy để nó đi về phía trước. Đó chỉ là sự im lặng trước cơn bão của Bong.
Trong phân đoạn dài 6 phút đóng vai trò như điểm giữa của bộ phim, khi gia đình Kim đang ngồi uống rượu trong căn nhà của gia đình Park, Bong Joon Ho đã khéo léo dùng điểm này để kết nối hai nửa bộ phim lại với nhau.
Để báo hiệu sự thay đổi thể loại và màu sắc của phần phim thứ hai, trong phân cảnh này, Bong Joon-ho đã tạo ra ba điểm xung đột (tension) giả.
Cái lườm mắt của Chung-sook khi ông chồng Ki-teak của mình đùa một câu đùa quá trớn, sấm chớp ngay khi cô con gái Ki-jung vừa dứt một câu nói và sự cãi nhau “giỡn chơi” của hai vợ chồng nhà Kim, tất cả là để khán giả có thể làm quen trước sự căng thẳng mà họ dường như chưa được trải nghiệm ở phần đầu bộ phim. Từ đó đưa họ dần vào sự kinh dị sẽ diễn ra xuyên suốt nửa sau bộ phim.
Cũng chính tại điểm không thể quay đầu đó, tiếng chuông cửa vang lên vào chính xác trang giữa của kịch bản đã đánh dấu tình huống không lường trước đầu tiên mà gia đình Kim phải đối mặt, chuyển họ từ vị trí nhân vật chủ động thành nhân vật bị động.
Và cách kể chuyện của Bong Joon-ho cũng chính thức thay đổi từ đó. Chúng ta không còn được biết trước những gì sẽ diễn ra như ở phần phim thứ nhất. Không hề có những cảnh cắt giữa quá khứ và hiện tại để gia đình Kim có thể nói về kế hoạch của họ.
Qua tiếng chuông cửa đó, Bong Joon-ho không những đưa gia đình Kim vào một tình huống mà họ không hề lường trước được, ông còn đưa chúng ta, những người khán giả, trải nghiệm sự kinh hoàng sắp diễn ra cùng lúc với gia đình này.