Chloé Zhao: Hẹn gặp lại trên đoạn đường phía trước! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Chloé Zhao: Hẹn gặp lại trên đoạn đường phía trước!

Hành trình của một cô gái châu Á vô danh trở thành đạo diễn đang được Hollywood trải thảm mời gọi phải trải qua những gì?
Chloé Zhao: Hẹn gặp lại trên đoạn đường phía trước!

Đạo diễn Chloé Zhao (phải) và diễn viên Frances McDormand. | Nguồn: ettoday.

Road To Oscars là series theo bước những tác phẩm sáng giá cho giải Oscar lần thứ 93 sắp tới.

Chỉ sau 5 năm với 3 bộ phim độc lập kinh phí thấp được giới làm nghề ngưỡng mộ, Chloé Zhao – nữ đạo diễn gốc Trung Quốc vươn lên để trở thành một đạo diễn hàng đầu trong thế hệ cô. Nổi trội nhất trong số đó là Nomadland (2020), bộ phim thứ 3, Zhao đã đem về hàng loạt chiến thắng cao quý, từ Sư tử vàng (LHP Venice), People's Choice Award (giải cao nhất LHP Toronto), 2 giải Quả cầu vàng cho Phim và Đạo diễn xuất sắc nhất và 7 đề cử Bafta. Và đích đến cuối cùng, giải Oscar (công bố đề cử vào 15/3), dường như cũng chỉ còn là vấn đề thời gian đối với nữ đạo diễn sinh năm 1982 này.

Chloe Zhao
Nguồn: cnbc.

Không chỉ vậy, Zhao đang hoàn thành bộ phim bom tấn đầu tiên cho Marvel và chuẩn bị đạo diễn một dự án lớn về Dracula khác.

Điều gì khiến một cô sinh viên vô danh đến từ Trung Quốc trở thành một đạo diễn được giới điện ảnh quốc tế nể trọng và Hollywood trải thảm đỏ săn đón?

Người Bắc Kinh ở New York

Chloé Zhao, hay tên khai sinh là Zhao Ting (Triệu Đình) là một người Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình khá giả tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Zhao dường như không mấy quan tâm đến đời sống giải trí hiện đại của Trung Quốc. Như các cô gái mới lớn nổi loạn khác, cô yêu thích Manga, Michael Jackson và các bộ phim nghệ thuật của Vương Gia Vệ, đặc biệt là Happy Together, bộ phim đồng tính mà cô vẫn thường xem lại như một “nghi lễ” khi bắt đầu thực hiện một dự án mới.

Năm 14 tuổi, cô bắt đầu rời đất nước đến Anh. Đó là bước khởi đầu để cô tiếp xúc với văn hóa của phương Tây. Sau đó, Zhao tiếp tục đến New York để học làm phim và sống ở đây nhiều năm như một “người Bắc Kinh ở New York” như tên một series rất thành công của Trung Quốc hồi thập niên 90.

shooting
Chloé Zhao trên phim trường "Nomadland". | Nguồn: flipboard.

Trở thành nhà làm phim là khát vọng mà Zhao theo đuổi, dù cô không thực sự giỏi một lĩnh vực gì liên quan đến nghệ thuật. Cô không giỏi về hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc hoặc bất kỳ một năng khiếu đặc biệt nào khác. Nhưng Zhao nói, bạn không cần phải là bậc thầy của bất cứ bộ môn nghệ thuật nào mới trở thành nhà làm phim. Bạn chỉ cần tập hợp được những người giỏi nhất từng lĩnh vực của họ và mời họ về cộng tác trong một bộ phim mà bạn đạo diễn. Và nhiệm vụ của bạn là kể chuyện thật hay.

Đúng vậy, Zhao cho thấy mình là một người kể chuyện xuất sắc với ngôn ngữ điện ảnh. Chỉ sau ba bộ phim, Zhao đã được so sánh với Lý An, đạo diễn gốc Hoa thành công nhất tại Hollywood với 2 giải Oscar cho Đạo diễn và nhiều phim thành công vang dội.

Để tiến vào Hollywood, Lý An phải giới thiệu mình bằng ba bộ phim về giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây; trong khi Zhao thì chẳng cần “phép thử” đó, cô tiến thẳng một mạch vào vùng viễn Tây của nước Mỹ và kể những câu chuyện mang tính bản địa, hướng ống kính của mình đến những thân phận nhỏ bé mà đến các đạo diễn Mỹ còn lãng quên.

Để rồi sau hai bộ phim đầu tay kinh phí thấp, Hollywood ngỡ ngàng khi thấy một cô gái vô danh từ châu Á lại kể những câu chuyện trong lòng nước Mỹ một cách tinh tế và giàu cảm xúc đến vậy.

Khi xem bộ phim The Rider (2018) tại LHP Toronto, Frances McDormand – nữ diễn viên kỳ cựu từng 2 lần thắng giải Oscar nữ chính kinh ngạc trước tài năng làm phim của Zhao và tìm cách kết nối với cô. Họ lập tức hợp tác với dự án thứ 3 của Zhao là Nomadland, trong đó McDormand vừa giữ vai trò sản xuất kiêm nữ chính.

on set nomadland
Frances McDormand (thứ 3 từ trái sang) trên phim trường 'Nomadland'. | Nguồn: filmozercy.

Nomadland không phải là một bộ phim đạt tiêu chuẩn Oscar, nhưng với tài năng xuất chúng của mình, hai nữ nghệ sĩ đã biến nó thành một tác phẩm mang màu sắc hiện thực xã hội lay động nhất trong năm qua, nơi mà người Mỹ và hàng triệu người khác trên thế giới phải trải qua những thời khắc biến động và khủng khiếp nhất để sinh tồn.

Bộ phim, là cái nhìn thấu hiểu và sâu sắc về những con người dễ bị tổn thương trong xã hội, đồng thời cũng làm sáng lên những phẩm chất đẹp đẽ của họ, những người sẵn sàng buông bỏ tất cả để chọn con đường trên chuyến hành trình cuối cùng của cuộc đời.

Khi chia tay, họ không nói lời tạm biệt mà hẹn gặp nhau trên đoạn đường phía trước.

Khi thắng giải Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Chloe Zhao cũng nói: “See you down the road”.

Hành trình từ hai bàn tay trắng

Thành công của Nomadland hôm nay được kế thừa từ hai bộ phim độc lập kinh phí cực thấp khác của Zhao, nơi cô tiếp cận và chọn cho mình một chủ đề trở thành “trademark” của mình: những câu chuyện miền viễn Tây nước Mỹ thời hiện đại.

Phần nào đó tương đồng với Lý An khi làm Brokeback Mountain, Zhao tiếp cận đề tài viễn Tây với một nhãn quan khác hẳn. Đó không phải là những chàng cao bồi trên lưng ngựa, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật và thích phô bày sức mạnh đại trượng phu (macho); mà là những con người bình thường trong cuộc đối mặt với những thử thách nghiệt ngã để sinh tồn.

Trong bộ phim dài đầu tay, Songs My Brothers Taught Me, Zhao tìm đến khu bảo tồn người da đỏ Pine Ridge ở South Dakota để kể câu chuyện về một chàng thanh niên trẻ với khát vọng thoát khỏi khu bảo tồn. Bộ phim, được xem là tác phẩm hay nhất về đề tài viễn Tây hiện đại, có lẽ nhờ một câu chuyện quá hiện thực, quá nghiệt ngã lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của người dân bản địa.

Songs of my brother
Chàng thanh niên trẻ mơ ước vượt qua những rặng núi quê hương trong "Songs My Brothers Taught Me". | Nguồn: Kino Lorber.

Để làm bộ phim đầu tay kinh phí siêu thấp này, Zhao đã viết hơn 30 bản nháp kịch bản, tự điều chỉnh câu chuyện để phù hợp với kinh phí. Sau ba năm, cô và nhà quay phim, đồng thời cũng là bạn trai của cô Richards hoàn toàn cạn kiệt về tài chính. Chưa hết, kẻ trộm đột nhập vào căn hộ của họ và lấy toàn bộ mọi thứ, trong đó có máy tính xách tay và ổ cứng có chứa toàn bộ cảnh đã quay.

Zhao thừa nhận, điều đó tàn phá cô, nhưng đồng thời cũng giải phóng cô. Họ lấy nốt 70.000$ có trong tài khoản ngân hàng, huy động thêm 30.000$ và quay trở lại Pine Ridge để thực hiện bộ phim một lần nữa, với một câu chuyện được kể giản dị, nhanh chóng và hữu cơ hơn.

Bộ phim đầu tay đã đưa Zhao đến LHP Sundance và sau đó là Cannes, tạo cơ hội tài chính cho cô làm bộ phim thứ hai The Rider, vẫn tiếp tục là câu chuyện nhỏ về những người viễn Tây hiện đại. Bộ phim lấy cảm hứng từ đời thực, được đóng bởi những diễn viên không chuyên và có nguồn kinh phí thậm chí còn eo hẹp hơn cả phim đầu tay.

The Rider tập trung chặt chẽ hơn vào câu chuyện của nhân vật chính, Brady Blackburn, một người cưỡi ngựa rodeo chuyên nghiệp gặp tai nạn chấn thương, nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ của mình.

injury
Giấc mơ in hằn trong hình xăm, và những vết thương trên cơ thể chàng cao bồi. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Đó là một bộ phim đầy tính riêng tư, với ngôn ngữ hình ảnh tuyệt đẹp, nơi Zhao dùng ống kính của mình để mô tả miền viễn Tây vừa tráng lệ vừa buồn thảm, nơi các nhân vật của cô vật lộn giữa việc tiếp tục hay dừng lại với giấc mơ của mình.

Khi một người bạn nói với nhân vật chính rằng, “mày phải học cách buông bỏ, và bước tiếp. Nếu không nó sẽ ăn mòn mày”. Anh đáp lại rằng: “Mày sẽ không bao giờ hiểu được đâu”.

Bởi với anh, một người cao bồi, mục đích sống lớn nhất mà Chúa ban cho anh, là cưỡi trên lưng ngựa!

Landscape
Khung cảnh miền viễn Tây tuyệt đẹp qua đôi mắt của những nhà làm phim. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

The Rider tiếp tục chứng tỏ tài năng không-thể-chối-cãi của Zhao. Sony Pictures Classics đã mang bộ phim đến Cannes để tranh giải (và thắng một giải phụ) rồi tiếp tục đến các LHP danh giá khác như Telluride, Toronto, New York - nhận được đánh giá nhiệt liệt từ các nhà phê bình và thu hút những người hâm mộ nổi bật, bao gồm Bong Joon Ho, đạo diễn người Hàn thắng Oscar năm ngoái nhờ Parasite. Bong đã chọn Zhao vào danh sách các đạo diễn mới nổi mà anh tin rằng sẽ khẳng định tài năng trong 20 năm tới.

Trong danh sách những người hâm mộ còn có Frances McDormand, người đang đến Toronto để quảng bá bộ phim (sau này cũng giành Oscar) Three Billboards Outside Ebbing, Missouri nhưng lại lẻn đi khỏi một cuộc họp báo để đến xem phim của Zhao.

Và mối duyên của hai nữ nghệ sĩ tài năng bắt đầu từ đó, để rồi Nomadland ra đời hai năm sau đó, làm nên hào quang của họ trong năm nay.

Không cần phải đợi tới 20 năm như Bong tiên đoán, nữ đạo diễn Trung Quốc đang tiếp bước đàn anh đến từ Hàn Quốc trong việc khiến các nhà làm phim tài ba ở Hollywood phải dè chừng.

cute
Một hình ảnh ấm áp của Zhao và McDormand. | Nguồn: VOI.

Xin gặp nhau giữa con đường

Nomadland, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Jessica Bruder về những người Mỹ lớn tuổi phải vật lộn sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 để sinh tồn trong một thế giới quá nhiều thương tổn đối với họ.

Thông qua câu chuyện của nhân vật nữ chính Fern (Frances McDormand), bộ phim là hành trình nhiều thương tổn của một người phụ nữ ngoài 60 đánh mất tất cả, từ công việc sinh nhai đến người chồng đầu gối tay ấp. Fern chỉ còn một lý do để sống: con đường phía trước.

Fern
Fern là người phụ nữ đã trải qua nhiều thương tổn. | Nguồn: Searchlight Pictures.

Hành trình của người phụ nữ đó đã kết nối bà với những người đồng hành khác trên đường, tạo thành một cộng đồng những “người du mục hiện đại” nương tựa vào nhau để sống sót. Nó giống như một chiếc xuồng cứu sinh dành cho những nạn nhân trên con tàu Titanic đang chìm dần vậy, như lời một người du mục nói.

compassion
Những người du mục kể cho nhau nghe về câu chuyện cuộc đời, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau như những người thân. | Nguồn: Searchlight Pictures.

Xem Nomadland, ta sẽ thấy cảnh quan rộng lớn của vùng viễn Tây nước Mỹ, từ Arizona, Nebraska, Nevada và South Dakota có lẽ chưa bao giờ hiện lên trên màn ảnh ngoạn mục đến thế. Những góc máy toàn cảnh ghi lại đường chân trời rộng lớn, đặc biệt trong những thời khắc chuyển giao như hoàng hôn hoặc bình minh vừa hùng vĩ vừa buồn bã, nhất là khi nhân vật chỉ còn là một chấm nhỏ giữa không gian bao la đó.

Nomadland, cũng như hai bộ phim trước của Zhao, vẫn trung thành với thể loại docudrama, thậm chí, tính tài liệu còn mạnh mẽ hơn tính hư cấu. Điều đó một lần nữa cho thấy cô trung thành với các sự kiện thực tế mà cô mô tả trên phim. Và sự pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực đó với chất thơ, trữ tình trong ngôn ngữ điện ảnh (đặc biệt là qua hình ảnh và âm nhạc) tạo ra một vẻ đẹp nửa hư nửa thực, và có chút gì đó ma thuật, mê hoặc chúng ta.

wide
Nguồn: Searchlight Pictures.

Ở chặng cuối của cuộc hành trình, cuộc đối thoại giữa Fern với một người đàn ông du mục lớn tuổi khiến ta đồng cảm hơn với niềm tin vào cuộc sống của họ. ‘Điều tôi thích nhất về cuộc sống du mục này là không có lời tạm biệt cuối cùng. Tôi luôn chỉ nói: 'Hẹn gặp lại trên đoạn đường phía trước.’ Và tôi đã gặp, dù đó là một tháng, một năm hay nhiều năm.”

Đứa con trai của người đàn ông đó đã tự sát 5 năm trước. Và ông vẫn mơ một ngày được gặp lại nó trên đường.

Đó là lời động viên vô cùng lớn lao cho Fern về cuộc sống du mục của mình.

Và bà sải bước về chân trời rộng lớn phía trước, không còn quan tâm đến biên giới, thời gian hay không gian nữa.

See you down the road!

vanguard
Fern cùng chiếc xe tải Vanguard lại tiếp tục chuyến đi về phía đường chân trời. | Nguồn: Searchlight Pictures.