Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá” | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 02, 2023
Cuộc SốngĐời sốngBóc Term

Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá”

Khi việc học dễ tiếp cận hơn ở thời đại mở, tấm bằng thôi là chưa đủ. Thứ mỗi người cần trang bị còn là các kỹ năng mềm, kỹ năng tự tái tạo và tự học hỏi.
Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá”

Nguồn: Unsplash

1. Overeducated là gì?

Overeducated được dùng để chỉ những người có trình độ học vấn và bằng cấp vượt mức yêu cầu thực tế của công việc. Nếu họ có bằng đại học nhưng làm công việc chỉ cần đến cấp trung học thì nghĩa là họ đang bị "thừa" trình độ.

Trên mạng không thiếu những câu chuyện cử nhân, thạc sĩ đi chạy xe ôm công nghệ hay các bài viết so sánh lương bác sĩ với nhân viên phục vụ. Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, 36,7% trong số 270 người lao động trình độ cao phải kiếm sống dựa vào nghề giao hàng.

Cuộc sống bấp bênh hơn so với những gì tấm bằng hứa hẹn khiến họ đại diện cho một tầng lớp vô sản mới ở thế kỷ 21. Nhiều người trong số đó vẫn còn đang chật vật để "bù lỗ." Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, tổng khoản nợ học phí của các sinh viên đã ra trường lên đến 1.475 nghìn tỷ đô.

2. Nguồn gốc của overeducated

Theo từ điển Merriam-Webster, overeducated bắt đầu được sử dụng từ năm 1788 và vẫn giữ nguyên nghĩa gốc như hiện nay. Riêng từ educated thì đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, bắt nguồn từ tiếng Latin "educare" (nuôi nấng và dạy dỗ).

Sau đó, Shakespeare mượn từ này để mô tả việc giảng dạy trong môi trường học đường. Đến nay, educated ngoài bao gồm những hoạt động trường lớp còn nói đến văn bằng, chứng nhận học vị của một người.

3. Vì sao overeducated trở nên phổ biến?

Tháng 5/2022, thuật ngữ overeducated đã thu hút nhiều người quan tâm nhưng theo một cách không mấy hay ho. Trên Twitter, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Matt Gaetz gọi những người phụ nữ phản đối sự bãi bỏ của án lệ Roe v Wade là thế hệ millennials "thừa học vấn, thiếu tình yêu" (over-educated, under-loved).

alt
Nguồn: Matt Gaetz

Không bàn đến lời lẽ "xỏ xiên" thì vấn đề phụ nữ chưa tìm được công việc phù hợp với năng lực là khá phổ biến. Theo Viện nghiên cứu Chính sách về Phụ nữ, phụ nữ gen Y (25-34 tuổi) có bằng đại học và các bậc sau đại học nhiều hơn so với nam giới cùng thế hệ.

Nhưng báo cáo của Học viện Quản lý tại Mỹ lại chỉ ra rằng, nhà tuyển dụng có xu hướng chỉ chọn nhân viên nữ có năng lực vượt tiêu chuẩn. Nghĩa là phụ nữ phải cố gắng gấp nhiều lần chỉ để được ứng tuyển vào cùng một vị trí với người nam thiếu trình độ. Rõ ràng nguyên nhân không nằm ở họ mà là sự bất bình đẳng và hiện tượng "rào cản vô hình" (glass ceiling).

Bản thân một người không được làm công việc tương xứng về kỹ năng và thù lao sẽ dễ nảy sinh bất mãn cũng như nỗi lo tâm lý. Trong video tài liệu tên "Education Education," hàng triệu thanh niên Trung Quốc đã vỡ mộng khi nhận ra: đại học không phải là tấm vé để đổi đời.

Điều họ thất vọng nhất là công sức và tiền bạc bỏ ra cho nhiều năm đèn sách chưa được đền bù xứng đáng. Đặc biệt với những gia đình vay mượn cho con ăn học, đây còn là áp lực của kỳ vọng xã hội. Con cái sống cầm chừng với công việc có sẵn, lương thấp chí ít để tránh cái mác "ăn không ngồi rồi."

Việc chấp nhận "lỗ bằng," khi mới ra trường cũng có thể coi là bước đệm cần thiết cho sự nghiệp. Có hẳn một thuyết gọi là "career mobility theory" (di động nghề nghiệp) cho rằng, overeducation là khoản đầu tư kinh nghiệm để tăng cơ hội thăng tiến về sau.

Tuy nhiên, không phải "cứ cố gắng rồi cũng sẽ thành công", không phải ai cũng có được cơ hội và cơ may để đi đến cùng.

Theo The Conversation, học vị cao, suy cho cùng, vẫn là một "chiếc phao" trong xã hội chuộng bằng cấp. Nếu bằng đại học không cho bạn công việc phù hợp thì nó vẫn cho bạn lợi thế cạnh tranh hơn những người chưa có bằng ở cùng một vị trí.

Có điều khi việc học dễ tiếp cận hơn ở thời đại mở, tấm bằng thôi là chưa đủ. Thứ mỗi người cần trang bị còn là các kỹ năng mềm, kỹ năng tự tái tạo và tự học hỏi.

Nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đang phát triển những chương trình thực tập, hướng nghiệp, hợp tác với các doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách giữa trình độ và công việc của nguồn nhân lực.

4. Cách dùng overeducated

Tiếng Anh

A: Since graduating from college, I still haven't paid off 50% of my student debt.

B: Oh! Poor us, overeducated people!

Tiếng Việt

A: Từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ, tao còn chưa trả nổi 50% khoản nợ sinh viên nữa.

B: Ôi, những con người bị "học hớ", chúng ta thật đáng thương!