Mockumentary là gì? Khi những sự kiện giả tưởng được thể hiện như sự thật | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 03, 2023
Điện ẢnhBóc Phim

Mockumentary là gì? Khi những sự kiện giả tưởng được thể hiện như sự thật

Sử dụng những sự kiện giả tưởng để đặt ra những câu hỏi về cuộc sống thật, thể loại mockumentary đã làm điều đó như thế nào?
Mockumentary là gì? Khi những sự kiện giả tưởng được thể hiện như sự thật

Nguồn: Cunk On Earth (Netflix)

1. Mockumentary là gì?

Mockumentary hay phim giả tài liệu là một thể loại phim điện ảnh hoặc chương trình truyền hình thể hiện những sự kiện giả tưởng như một bộ phim tài liệu thật sự. Vì tính chất đặc biệt này, những bộ phim giả tài liệu thường mang tính chất hài hước, giễu nhại gián tiếp những con người và sự kiện có thật.

Những bộ phim tiêu biểu nhất của thể loại này là The Office, American Vandal, Borat, Cunk on Earth.

2. Mockumentary bắt nguồn từ đâu?

Vào ngày 1/4/1957, đài BBC đã phát sóng một chương trình “phóng sự” về ngành công nghiệp “cây mì ý” tại Thụy Sĩ. Đoạn phóng sự cho thấy những nông dân thu hoạch những sợi mì ý mọc trên cây. Vào thời điểm khi món ăn này chưa thật sự phổ biến tại Mỹ, nhiều người đã gọi đến đài BBC và hỏi nơi mua hạt giống cho cây mì ý.

Cú lừa Cá Tháng Tư nổi tiếng của đài BBC có thể được xem là điểm bắt đầu của phim giả tài liệu hài hước. Vào thập niên 60, 70 thể loại này dần phổ biến và được sử dụng nhiều tại các đài truyền hình, chủ yếu dưới dạng “phóng sự” ngắn để giải trí cho khán giả.

Một nông dân "hái mì ý" trong cú lừa Cá Tháng Tư của đài BBC | Nguồn: BBC Archive

Vào khoảng thời gian này, những bộ phim điện ảnh dài thuộc thể loại mockumentary cũng dần thành hình. Tuy có những thành công nhất định như bộ phim Take The Money and Run (1969), Thượng Đế Cũng Phải Cười (1980), thể loại này vẫn chưa thật sự được biết đến bởi khán giả đại chúng.

Thập niên 2000 chính thức đánh dấu sự nở rộ của thể loại giả tài liệu ở cả thị trường điện ảnh lẫn TV show. Thành công khổng lồ của The Office hay Trailer Park Boys đã chính thức đưa mockumentary trở thành một thể loại cực kì phổ biến với khán giả đại chúng.

3. Vì sao mockumentary phổ biến?

Để giải thích cho sự phổ biến của mockumentary, có lẽ cách tốt nhất là phân tích những yếu tố chỉ có thể tồn tại trong thể loại này qua những bộ phim đã sử dụng chúng cực kì thành công.

Được xem là một biểu tượng của hài “nhức nhối” (cringe comedy), sự hài hước của The Office thường xuyên đến từ những tương tác giữa những nhân viên văn phòng và ông sếp Michael Scott, một người thiếu mất tất cả những kĩ năng xã hội. Sự trống vắng của những phép lịch sử tối thiểu, những trò đùa phản cảm sinh ra từ những tương tác này tạo ra một môi trường hỗn loạn nhưng đầy hài hước.

Giữa sự hỗn loạn này, Jim, một trong số ít những nhân vật bình thường trong văn phòng thường xuyên có những cái nhìn trực tiếp vào máy quay. Cái nhìn này được những người tạo nên The Office miêu tả như cách Jim xác nhận với khán giả và những người đang cầm máy quay rằng “Mọi người cũng đang chứng kiến sự điên rồ này như tôi phải không?”

Cái nhìn của Jim chỉ có thể tồn tại trong thể loại mockumentary, một thể loại cho phép những người đứng sau máy quay trở thành một nhân vật tồn tại trong câu chuyện. Sự tương tác đặc biệt này tạo ra một cách thức hoàn toàn mới để tạo sự đối lập và nhấn mạnh sự bất bình thường đầy hài hước của The Office.

Sự tồn tại của những con người sau máy quay không chỉ dừng lại ở việc bị động tiếp nhận những tương tác với nhân vật. Tại American Vandal, khán giả theo chân chính nhân vật đứng đằng sau máy quay để điều tra một bí ẩn chấn động tại trường học: “Ai đã vẽ hình dương vật lên 27 chiếc xe ô tô của giáo viên?”

Bằng việc làm quen với nhân vật “đạo diễn” của bộ phim, một nhân vật với tính cách và mục đích như bao con người bình thường khác, American Vandal đã đặt ra một dấu hỏi lớn về tính trung lập của phim tài liệu và mở ra những cuộc thảo luận thú vị về những vấn đề đạo đức tồn tại trong chính thể loại phim mà nó đang giả làm này.

Hai nhân vật "đạo diễn" của American Vandal | Nguồn: Netlix

Những tính chất riêng biệt của mockumentary khiến cho thể loại này trở nên phổ biến vì chúng đã thành công trong việc đặt khán giả vào một điểm nhìn mà họ ít khi nào được trải nghiệm trước đây. Đó có thể là việc trực tiếp tương tác với nhân vật qua máy quay hoặc thắc mắc về chính bản chất của thể loại mà bản thân đang theo dõi.

4. Những bộ phim mockumentary tiêu biểu

Là một thể loại phim dị biệt so với những thể loại bộ phim truyền thống, mockumentary đã và vẫn đang được khám phá và khai thác ở rất nhiều góc độ thú vị khác nhau. Sau đây là những bộ phim đã làm được điều đó.

Borat Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan (2006)

Ra đời vào năm 2006, bộ phim với cái tên dài ngoằng này đã trở thành một hiện tượng văn hóa gây chấn động cộng đồng phim ảnh do cách làm phim cực kì dị biệt và chứa đựng nhiều tranh cãi.

Sacha Baron Cohen vào vai Borat, một nhà báo người Kazakhstan đang trên hành trình khám phá về văn hóa của nước Mỹ. Phần lớn bộ phim là những tương tác hoàn toàn có thật giữa Baron Cohen và những người Mỹ hoàn toàn tin rằng họ đang nói chuyện với một nhà báo người Kazakhstan hoàn toàn không biết tí gì về văn hóa Mỹ.

Bộ phim nhận được nhiều lời khen bởi giới phê bình và khán giả vì đã cho thấy nước Mỹ dưới một góc nhìn cực kì khác biệt với đầy đủ những khoảnh khắc đẹp và xấu xí. Bộ phim sau đó cũng đã vướng phải nhiều vụ kiện tụng bởi những cá nhân xuất hiện trên bộ phim vì họ cho rằng Baron Cohen đang bêu xấu họ.

I’m Still Here (2010)

Bộ phim giả tài liệu I’m Still Here theo chân cuộc sống thật của Joaquin Phoenix từ năm 2008, khi anh thông báo ngừng diễn xuất và theo đuổi sự nghiệp trở thành một nghệ sĩ hip-hop. Xuyên suốt quá trình làm phim, Joaquin Phoenix hóa thân thành nhân vật ở tất cả những sự kiện, buổi phỏng vấn, thành công đánh lừa cả thế giới rằng mình thật sự đang cố theo đuổi con đường âm nhạc.

Tờ Los Angeles Times miêu tả bộ phim như sau “bộ phim chứa nhiều cảnh khỏa thân nam hơn phim khiêu dâm đồng tính và một cảnh phim nơi một nhân vật có thù oán với Joaquin Phoenix đã đi nặng lên người anh này khi anh đang ngủ.”

Đã có nhiều tranh luận về việc liệu I'm Still Here là một bộ phim giả tài liệu hay một màn trình diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng bộ phim đã thành công trong việc đặt ra những câu hỏi lớn về bản chất về khái niệm "người nổi tiếng" và ngành công nghiệp giải trí.