1. Phanh xích lô là gì?
Phanh xích lô là tiếng lóng chỉ hành động hôn nhau. Theo nghĩa đen phanh xích lô là một bộ phận của xe xích lô giúp người điều khiển dừng xe. Khi phanh, xe xích lô sẽ phát ra âm thanh kít kít.
Tiếng kít này phát âm giống từ hôn trong tiếng Anh (kiss). Từ đó, thế hệ 8x đã chơi chữ gọi phanh xích lô thay cho từ hôn nhau. Nó cũng trở thành tiếng lóng ám chỉ hành động thân mật giữa các cặp đôi tương tự như từ “chim chuột” hoặc “cẩu lương”.
2. Nguồn gốc của phanh xích lô?
Phanh xích lô xuất hiện như tiếng lóng lần đầu trong bộ phim Phía trước là bầu trời (2001) của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Từ này được nhắc đến trong một phân đoạn khi các nam sinh viên đang tập tạ ngoài sân. Nhân vật Nghĩa béo đố các chàng trai, Bích (cô nàng ở trọ cùng khu) đang làm gì với người yêu trong phòng và đoán rằng họ đang “phanh xích lô”.
Trong giai đoạn năm 2019-2020, các đoạn cắt của bộ phim này hot trở lại do được VTV24 đăng tải trên Youtube. Những đoạn hội thoại trong phim cũng nhờ đó mà viral trong cộng đồng mạng. Điển hình như nhân vật Nguyệt “thảo mai” với câu nói “Em làm gì đã có người yêu, em còn đang sợ ế đây này”.
3. Phanh xích lô nổi tiếng khi nào?
Vào tháng 3 năm 2021, Google Trend ghi nhận lượt tìm kiếm tăng đột biến của cụm từ phanh xích lô.
Tiếng lóng (slang) về tình yêu vô cùng đa dạng vì xưa nay mọi người vẫn thích ẩn dụ về nó hơn là trực diện. Ngoài phanh xích lô, chúng ta còn những từ lóng tình yêu khác thông dụng hơn như: kết/đổ/cảm nắng = thích, cưa/thả thính = tán tỉnh, cắm sừng = phản bội. Việc “bóng gió” trong tình yêu được yêu thích bởi:
- Sự hóm hỉnh: không đi vào lối mòn nhàm chán và sến sẩm.
- Ngắn gọn súc tích: nhưng vẫn đầy đủ ngữ nghĩa và giúp biểu đạt sắc thái một cách nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như việc gọi “gấu” thay cho người yêu.
- Tính văn hóa: tùy thuộc vào quốc gia, địa phương, cộng đồng sẽ có cách dùng khác nhau. Ví dụ như hôn = phanh xích lô = canoodle (tiếng Anh) = mi (tiếng Nam) = x (trong nhắn tin).
Tuy nhiên cũng giống như inside joke (câu đùa mà chỉ người cùng hoàn cảnh mới hiểu), tiếng lóng khi bị sử dụng không đúng ngữ cảnh dễ gây hoang mang hoặc dẫn đến hiểu lầm không mong muốn. Chẳng hạn, bạn không nên đòi phanh xích lô người yêu mình khi cả hai đang đứng giữa đường.
4. Cách dùng phanh xích lô?
A: Bữa 8/3 mày được bạn trai tặng gì?
B: Một cái phanh xích lô lên má.