PhD regret - Bằng tiến sĩ, cái giá phải bỏ ra liệu có đáng? | Vietcetera
Billboard banner

PhD regret - Bằng tiến sĩ, cái giá phải bỏ ra liệu có đáng?

3-4 năm là thời gian trung bình để lấy được bằng tiến sĩ. Thời gian học dài đằng đẵng, chương trình căng thẳng, và khoản nợ tiền học khổng lồ liệu có đổi được một công việc trong mơ?
PhD regret - Bằng tiến sĩ, cái giá phải bỏ ra liệu có đáng?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

1. PhD regret là gì?

PhD regret chỉ cảm giác hối hận sau khi đã nỗ lực học và lấy được bằng tiến sĩ. Thông thường một người sẽ cần 3-4 năm để lấy được bằng tiến sĩ (đó là trong trường hợp bạn học liên tục và không bị nợ môn), còn nếu học theo hình thức bán thời gian, vừa học vừa làm thì có thể mất đến 7-8 năm.

Thời gian học dài đằng đẵng, chương trình học căng thẳng, tuy nhiên những gì nhận lại sau đó không phải lúc nào cũng xứng đáng với công sức bỏ ra. Điều này khiến nhiều tiến sĩ hối tiếc về những năm đèn sách của họ.

2. Nguồn gốc của PhD regret?

Nguồn gốc của từ PhD regret hiện vẫn chưa được ghi chép lại. Tuy nhiên, vào năm 2017 trên diễn đàn mở Quora và Reddit, cuộc thảo luận về PhD regret diễn ra rất sôi nổi. Nhiều thành viên thuộc các lĩnh vực học thuật khác nhau đã chia sẻ trải nghiệm và quan điểm cá nhân về những gì mà tấm bằng tiến sĩ mang lại cho họ.

Không phải ai cũng cảm thấy học PhD là một quyết định sai lầm. Tuy nhiên nhìn chung thì tiền bạc, thời gian bỏ ra, kỳ vọng về công việc sau tốt nghiệp và những trải nghiệm bị bỏ lỡ là những điều được đề cập khi nói về cái giá phải trả để đổi lấy tấm bằng tiến sĩ.

3. Vì sao PhD regret lại phổ biến?

Ở Mỹ, nơi nổi tiếng với tiền học phí khổng lồ, dẫn đến khủng hoảng nợ của sinh viên (student debt crisis), PhD regret là một hiện tượng phổ biến. Trong cuộc khảo sát trên 248,000 người vào năm 2019, 21% trong số đó cho biết mình đã hối hận khi mượn nợ để học tiến sĩ.

Ở Việt Nam, số lượng tiến sĩ cũng có xu hướng tăng. Theo số liệu được Bộ GD&ĐT tổng hợp, năm 2017-2018 có 1,545 tiến sĩ tốt nghiệp, so với năm 2016-2017 là 1,234. Tuy không có thống kê những lý do mà mọi người hối hận ở Việt Nam, nhưng có thể thấy khả năng “hoàn vốn” sau khi tốt nghiệp là một điều mà tấm bằng tiến sĩ không thể đảm bảo.

alt
Ngành công nghiệp học thuật là khi mối quan hệ giữa trường học và sinh viên trở thành mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng. Và bằng cấp chính là một dạng sản phảm.

Có một khái niệm được gọi là academic industry (tạm dịch: ngành công nghiệp học thuật). Theo đó, mối quan hệ giữa trường học và sinh viên lúc này trở thành mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng. Vì vậy mà bằng cấp được coi là sản phẩm hơn là công cụ để đảm bảo công việc sau khi tốt nghiệp.

Thực chất tại thị trường lao động Việt Nam, không có nhiều công việc đòi hỏi trình độ tiến sĩ. Vì lẽ đó mà việc bị “thừa tiêu chuẩn” khiến khả năng tìm việc của các tiến sĩ không tăng mà còn có nguy cơ giảm. Bởi lẽ doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm một ứng viên khác đáp ứng công việc tương đương với mức lương thấp hơn.

Bên cạnh một tương lai không đảm bảo thì chi phí cơ hội (tiền bạc, thời gian, mối quan hệ, cơ hội thăng tiến) mất đi trong những năm đèn sách khiến nhiều người không coi đây là khoản đầu tư tối ưu.

4. Cách sử dụng PhD regret?

Tiếng Anh

A: I start to regret my PhD degree. Companies keep rejecting my application since they think I’m overqualified for the position.

B: PhD regret is a thing. I know many people have the same experience.

Tiếng Việt

A: Tui thấy hối hận sau khi học tiến sĩ quá. Mấy công ty không chịu nhận tui tại họ sợ tui không chịu mức lương họ trả.

B: Nó là một hiện tượng luôn ấy. Tui thấy nhiều người cũng than vậy sau khi học tiến sĩ.