Phố cổ Hội An bắt buộc du khách mua vé tham quan: Liệu có khả thi? | Vietcetera
Billboard banner

Phố cổ Hội An bắt buộc du khách mua vé tham quan: Liệu có khả thi?

Tại sao lại thu phí khi vào phố cổ Hội An? Và có phải bây giờ mới bắt đầu thu phí?
Phố cổ Hội An bắt buộc du khách mua vé tham quan: Liệu có khả thi?

Nguồn: Báo Thanh Niên

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 3/4, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Thành phố Hội An thông báo rằng khu vực phố cổ Hội An sẽ bán vé tham quan cho tất cả du khách. Phương án này dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 15/5, với mức giá lần lượt là 80 ngàn đồng cho một khách nội địa và 120 ngàn đồng cho một khách quốc tế.

Hiện nay, chỉ du khách muốn tham quan những điểm nhất định mới phải mua vé. Nếu khách du lịch chỉ tới đi dạo và ăn uống tự do thì sẽ được miễn phí.

2. Đây có phải lần đầu tiên phố cổ Hội An thu phí?

Trên thực tế, việc bán vé hay thu phí vào tham quan tại phố cổ Hội An đã diễn ra từ rất lâu. Vào cuối thập niên 1980, vé tham quan khu phố cổ có giá 7 ngàn đồng một khách nước ngoài và 1500 đồng một khách nội địa. Tới năm 1992, giá vé được điều chỉnh thành 5 ngàn đồng cho khách trong nước, và 50 ngàn đồng cho khách quốc tế.

Trong khoảng thời gian này, giá vé được áp dụng riêng cho một số khu vực trong phố cổ, đặc biệt là các khu di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Tới năm 1995, sau sự ra đời của bản Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An, thì giá vé để vào tham quan Khu vực I của phố cổ đã tăng gấp 10 lần trước đó.

Mức giá liên tục tăng theo thời gian, và hai mức giá 80 ngàn và 120 ngàn thực tế đã xuất hiện từ năm 2012. Sự thay đổi trong năm nay nhắm vào tất cả du khách tham quan tại khu vực phố cổ, thay vì chỉ yêu cầu mua vé với khách tham quan ở một số địa điểm trong phố cổ.

07apr2023tamvethamquanca92djfif
Việc thu phí tại Hội An đã có từ lâu. | Nguồn: Gia đình & Xã hội

3. Dư luận phản ứng thế nào?

Rất nhiều người đã bày tỏ sự bất bình trước thông tin này. Họ cho rằng đây là một quyết định không có lợi cho Hội An, rằng lượng khách sẽ giảm dần theo thời gian sau khi quyết định này được thực thi. Những người phản đối tin rằng các quần thể di tích, di sản du lịch nên mở cửa rộng rãi cho người dân, và những không gian như khu phố Hội An cũng nên đón tất cả mọi người mà không thu tiền vé.

Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân bày tỏ sự đồng tình với quyết định này, trong đó có cả một số du khách nước ngoài. Sự ủng hộ đó đi kèm với một điều kiện: rằng ban quản lý khu phố cổ và chính quyền thành phố phải sử dụng số tiền thu từ khách tham quan vào những mục đích hợp lý.

Cuối cùng, một vài người vừa bày tỏ sự đồng ý, nhưng cũng đưa ra những góp ý đối với phương án hiện tại. Theo họ, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch Hội An chưa tương xứng với giá tiền, và chỉ nên yêu cầu mua vé khi du khách có nhu cầu tham quan một số địa điểm nhất định, thay vì áp đặt lên tất cả du khách.

Cuối cùng, có người đưa ra những thắc mắc: làm thế nào để quản lý được việc khách có mua vé hay không, khi mà Hội An có nhiều ngõ ngách nhỏ? Và làm sao để việc thu phí không ảnh hưởng tới những người dân sống trong phố cổ, cũng như những thực khách lưu trú ngắn hạn ở trong khu vực này? Đó là hai trong nhiều câu hỏi mà những người làm chính sách du lịch tại Hội An phải xem xét.

4. Tại sao lại phải bán vé, thu phí tham quan phố cổ?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Thành phố Hội An - cho rằng yêu cầu du khách phải mua vé tham quan khi đến phố cổ là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách. Theo ông, toàn bộ cảnh quan phố cổ đều là di sản, chứ không riêng gì di tích hay điểm tham quan nào nên bắt buộc mua vé vào phố cổ là hợp lý.

Ông Sơn cũng cho biết, nguồn thu từ vé tham quan sẽ để trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan đô thị, cũng như tổ chức các sự kiện du lịch và hỗ trợ người dân trong việc cải tạo nhà cửa và cơ sở vật chất tại Hội An.

07apr2023tnb1233102jpg
Mẫu vé tham quan phố cổ Hội An. | Nguồn: Báo Quảng Nam

5. Các nước trên thế giới đánh thuế khách du lịch thế nào?

Nhiều thành phố và khu du lịch trên thế giới cũng yêu cầu người tham quan phải mua vé. Ngoài ra, khách du lịch còn phải chịu nhiều loại thuế khác trong quá trình lưu trú của mình. Việc này giúp cho các nước sở tại có nguồn lực để cải tạo, trùng tu di tích, đồng thời đưa giá trị tới cho những hộ dân sống và làm việc trong khu du lịch.

Loại thuế đầu tiên trong lĩnh vực thuế du lịch là thuế khách sạn (hotel tax). Nhiều nước châu Âu có tính thuế theo ngày với khách lưu trú tại phòng khách sạn và các loại hình lưu trú tạm thời khác. Thông thường khoản tiền này chỉ có giá vài euro: Hy Lạp để tiền thuế từ 0.5 tới 4 euro, Romania thì tính thuế bằng 1% mức giá tiền lưu trú.

Loại thuế thứ hai là thuế khi du khách tới (arrival fee). Một ví dụ nổi tiếng là thành phố Venice, nơi yêu cầu khách du lịch phải trả phí 10 euro nếu ở qua đêm, và đồng thời có mức phí vệ sinh. Một địa điểm du lịch khác tại Ý là ngôi làng Civita di Bagnoregio cũng có mức phí 5 euro khi khách du lịch tới địa điểm.

Đã có thuế khi tới, thì ắt sẽ có thuế khi đi (departure tax). Đây là mức thuế áp vào du khách khi họ rời khỏi đất nước, và số tiền tương ứng thay đổi theo từng quốc gia, và loại thuế này đặc biệt phổ biến ở khu vực Caribbean. Ví dụ, Bahamas đánh thuế 15 đô, quốc đảo Antigua và Barbuda đánh thuế 51$. Một quốc gia Châu Á là Nhật Bản cũng có loại thuế “sayonara tax” trị giá 1000 Yên.