1. Phòng chat thứ N kể chuyện gì?
Cyber Hell: Destroy the Nth Chatroom (Vạch trần địa ngục số: Phòng chat thứ N) tường thuật câu chuyện về đường dây lạm dụng tình dục tại Hàn Quốc năm 2019 qua Telegram.
Bộ phim theo chân những ký giả cũng như nhà sản xuất và cảnh sát. Thông qua đó khám phá từng bước thực hiện hành vi phi pháp của hung thủ.
Vì có nhiều nhóm chat, từ phòng 1 đến 8 trên Telegram, nên vụ án đã được gọi là Phòng chat thứ N. Hung thủ đã hack camera, lừa đảo để lấy thông tin nạn nhân và cưỡng ép họ thành nô lệ tình dục. Vụ án có ít nhất 74 nạn nhân là phụ nữ. Nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 9 tuổi.
2. Phòng chat thứ N thực sự như thế nào?
Tài khoản GodGod là chủ sở hữu của phòng chat đầu tiên. Đối tượng nạn nhân được nhắm đến là những tài khoản có hình ảnh phụ nữ tự chụp khỏa thân hay làm các hành vi người lớn.
GodGod sẽ gửi tin nhắn với một đường link đến cho họ. Khi nạn nhân bấm vào đường link, GodGod sẽ hack tài khoản, lấy thông tin riêng và đe dọa công khai hình ảnh nếu nạn nhân không làm theo lời hắn. Nạn nhân chính của vụ án là trẻ vị thành niên.
Vì không bao giờ dùng tên và ID thật, hung thủ không dễ bị bắt. Tháng 9 năm 2019, Phòng chat thứ N biến mất.
Phòng Baksa ra đời sau Phòng chat thứ N. Baksa lợi dụng những người phụ nữ đang tìm kiếm “việc làm bán thời gian lương cao.” Để bắt nạn nhân làm theo ý mình, trước tiên, hắn yêu cầu họ chụp hình bán khỏa thân cùng căn cước công dân để lấy thông tin. Baksa buôn bán những đoạn video với giá cao thông qua sàn tiền ảo.
Phòng Baksa không chia theo số như Phòng chat thứ N mà được chia theo số tiền người dùng bỏ ra để xem video. Số tiền bỏ ra càng lớn, video bóc lột tình dục càng nhiều, nạn nhân trẻ hơn và có nhiều hình thức bóc lột hơn. Nạn nhân chính của Phòng Baksa là phụ nữ 20 đến 30 tuổi.
3. Ai có thể là nạn nhân của bóc lột tình dục?
Bóc lột tình dục là hành vi cố ý lợi dụng quyền lực hoặc nhu cầu cấp thiết để tồn tại (như tiền, thức ăn, nhu cầu đi học…) của một người để thực hiện các hành động bạo lực về tình dục. Mục đích là để thu được lợi nhuận, có thể từ việc buôn bán người hoặc mại dâm.
Ai cũng có thể là nạn nhân của bóc lột tình dục - không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hay quốc tịch.
Năm 2019, tại Mỹ, có hơn 1.5 triệu phụ nữ và gần 835 nghìn đàn ông bị cưỡng hiếp hoặc bị bóc lột tình dục mỗi ngày bởi người thân. Trong đó, 27.8% nam đã bị lạm dụng vào lúc 10 tuổi hoặc nhỏ hơn. Tỉ lệ phụ nữ chuyển giới có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao gấp đôi phụ nữ thường và điều này tương tự với đàn ông chuyển giới.
Điều đáng buồn là, trong tổng số 1000 ca cưỡng hiếp tại Mỹ, chỉ có 5 ca hung thủ phải trả giá. Luật pháp dành cho những vụ xâm hại tình dục trên mạng vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, sau Burning Sun, việc Seung Ri chỉ bị phạt 1 năm 6 tháng tù giam, khiến nhiều người phẫn nộ.
Ở Việt Nam, việc phát tán hình ảnh hay video mà không có sự cho phép có thể nhận hình phạt từ 10 đến 30 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 2 năm.
4. Các ứng dụng có đang giúp cho kẻ xấu tung hoành?
Telegram được cho là một ứng dụng có tính bảo mật cao. Nhưng khi nghiên cứu về ứng dụng dựa trên 35,383 kênh khác nhau với hơn 130,000 tin nhắn phát hiện rằng thông tin cá nhân ở những tài khoản không chính thức - như tài khoản clone hoặc fake - đều hiển thị trên Dark Web. Với nội dung là cá cược, phim người lớn hay những hành vi bất hợp pháp khác.
Một chức năng mà Telegram có đó chính là khôi phục hình ảnh dù đã bị xóa. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thông tin cá nhân người dùng, cụ thể như trường hợp trong phim.
Vì Telegram không có phần mềm chống virus nên nhiều hacker đã lợi dụng điểm này để tấn công các tài khoản và khôi phục hình ảnh đã xóa để trục lợi.
Trước đó, tính năng khôi phục ảnh bị xóa của Kakaotalk để phục vụ việc điều tra scandal Burning Sun cũng khiến nhiều người nghi ngại việc sử dụng ứng dụng này.
Không chỉ ai cũng có thể thành nạn nhân của bóc lột tình dục, mà người lợi dụng tính bảo mật kém của mạng xã hội để bóc lột tình dục cũng có thể là bất kỳ ai.
Một cuộc khảo sát của Goodson, McCormick và Evans về hành vi và thái độ của người dùng Internet cho thấy 15,8% cảm thấy bị quấy rối tình dục khi tương tác trong phòng trò chuyện, với nhiều phụ nữ báo cáo bị quấy rối tình dục trong phòng chat hơn nam.
Mạng xã hội không chỉ là cơ hội cho nhiều vụ bóc lột hay xâm hại, mà còn là cơ hội cho khiêu dâm trả thù (revenge porn). Đây là hành vi đăng tải những clip quan hệ tình dục sau khi chia tay, gây sang chấn cho nạn nhân. Năm 2015, một nữ sinh đã tự tử sau khi bị bạn trai tung clip nóng lên mạng xã hội.
Cho dù thủ phạm của phòng chat thứ N đã bị phạt 40 năm tù giam, những sang chấn của các nạn nhân vẫn luôn còn đó và rất khó để chữa lành.
5. Phải làm gì khi bản thân hoặc người thân bị bóc lột tình dục?
Né tránh phản ứng đầu tiên. Bởi làn sóng đổ lỗi cho nạn nhân có thể nhấn chìm bất kỳ cá nhân nào. Với nam giới, việc nói ra còn bị trở ngại ở lòng tin. Vì mọi người tin rằng lạm dụng tình dục chỉ có ở nữ giới.
Tại Việt Nam, để báo cáo những vấn đề về lạm dụng tình dục, bạn có thể liên hệ với Tổ chức Care International in Vietnam.
Việc quan tâm đến các vấn đề về tâm lý của nạn nhân bị bóc lột, xâm hại hoặc lạm dụng cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bạn có thể tham khảo những cách sơ cứu tâm lý cho người vừa trải qua việc bị xâm hại tình dục, cũng như tìm hiểu kỹ hơn về các cơ chế tâm lý của họ.
Theo tiến sĩ Marianne Cooper, nếu bị lạm dụng tình dục, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bước 1: Tìm tất cả bằng chứng
- Bước 2: Đánh giá tình huống, xem xét bạn cần thủ phạm trả giá hay chỉ dừng lại hành động của mình
- Bước 3: Hành động, có thể là tường thuật với người đáng tin cậy, nói chuyện với luật sư để hiểu về quyền
- Bước 4: Khiếu nại