1. Prenup là gì?
Prenup là danh từ viết tắt của “prenuptial agreement”, nghĩa là hợp đồng tiền hôn nhân. Nghe có vẻ “quen quen” nhưng đây không là phải kiểu “hợp đồng hôn nhân” vì mục đích trục lợi thường thấy trong phim ảnh!
Đây là thỏa thuận pháp lý trước khi cưới của các cặp đôi, liên quan đến vấn đề tài sản. Chẳng hạn như phân định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng; phân chia tài sản sau ly hôn…
Ngoài ra, pháp luật tại một số quốc gia còn công nhận thêm thỏa thuận về các vấn đề khác, liên quan đến sinh con, nuôi dạy con, trách nhiệm làm việc nhà… (Theo International Devorce)
2. Nguồn gốc của prenup?
Theo từ điển Merriam-Webster, cụm từ “prenuptial agreement” được sử dụng từ năm 1882. Nhưng hình thức hợp đồng này đã có từ khoảng 2000 năm trước. Một trong những hợp đồng tiền hôn nhân đầu tiên là của người Do Thái.
3. Vì sao prenup trở nên phổ biến?
Hơn 60% số luật sư tham gia cuộc khảo sát của Học viện Luật sư Hôn nhân Hoa Kỳ cho biết: họ đã chứng kiến sự tăng vọt về yêu cầu thỏa thuận tiền hôn nhân trong giai đoạn 2013-2016. Nhóm đối tượng có “đóng góp” lớn cho sự gia tăng này là các cặp đôi Millennials. (Theo Business Insider)
Giải thích hiện tượng, các nhà nghiên cứu đưa ra hai nguyên nhân chính:
- Các Millennials có xu hướng quan tâm đến sự nghiệp cá nhân nhiều hơn, đồng thời, cưới muộn hơn. Vì vậy, số tài sản tích lũy (và nợ) trước khi cưới của họ lớn hơn. Có prenup với các ràng buộc đi kèm có thể giúp họ quản lý tài chính tốt hơn khi sống chung.
- Nhiều Millennials có ba mẹ ly hôn. Điều này có thể khiến họ hình thành niềm tin mạnh mẽ rằng “không có gì là mãi mãi”, từ đó có tâm lý phân định rạch ròi trách nhiệm và tài sản trong hôn nhân.
Tại Việt Nam, ngoài quy định tại điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình (2014), cho phép giữa vợ chồng có thể lập các thoả thuận về chế độ tài sản thành hợp đồng, thì ý niệm về hợp đồng tiền hôn nhân vẫn đang còn khá mới mẻ. Pháp luật không có định nghĩa cụ thể về khái niệm này.
Tuy nhiên, nó đang dần nhận được sự quan tâm lớn từ một bộ phận giới trẻ tiếp xúc nhiều với mạng Internet. Họ “rút kinh nghiệm” cho bản thân, từ cuộc chia tay của những đôi vợ chồng giàu có, được báo chí, truyền thông đưa tin trên mọi mặt trận.
Chẳng hạn “ví dụ điển hình” từ chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ - bà Lê Thị Diệp Thảo, CEO tập đoàn Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie Tuttle. Hay mới đây nhất là bà Melinda và tỷ phú Bill Gates.
Điểm chung của những cuộc chia tay này là giả thuyết “họ đã không ký prenup” và “thuyết âm mưu làm tỷ phú của những người vợ”. Tuy nhiên, chẳng cần phải là người có nhiều tài sản mới nên quan tâm đến prenup. Cũng chẳng phải ký prenup là hoàn toàn dùng với mục đích "phòng hờ" cho việc chia tay.
Thậm chí trong trường hợp các cặp đôi lập prenup để chuẩn bị trước cho cuộc chia tay, thì đây cũng không hẳn là một hành động thiếu lãng mạn.
Có lẽ nhiều người cảm thấy rằng họ sẽ trân trọng thứ họ đang có hơn, nếu ý thức được rằng cả hai có thể chia xa. Và nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, họ không thể bước tiếp bên nhau, thì cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Nhờ prenup, các thủ tục ly hôn có thể trở nên đơn giản hơn, và bớt đau thương hơn.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, vấn đề phân quyền nuôi con, quyền giám hộ sau ly hôn vẫn không được pháp luật các nước công nhận trong hợp đồng tiền hôn nhân.
4. Cách dùng prenup?
Tiếng Anh
A: So you’re gonna sign a prenup? Why so insecure?
B: It’s life. We don’t know what will happen, right?
Tiếng Việt
A: Vậy là hai đứa tính ký hợp đồng tiền hôn nhân hả? Sao chưa gì mà lo lắng thế?
B: Cuộc sống mà, ai biết được chữ ngờ.