Queerbaiting - Khi cộng đồng LGBTQ+ là mồi câu cho ngành giải trí | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Queerbaiting - Khi cộng đồng LGBTQ+ là mồi câu cho ngành giải trí

Các nhân vật LGBTQ+ có đang bị lạm dụng trên màn ảnh?
Queerbaiting - Khi cộng đồng LGBTQ+ là mồi câu cho ngành giải trí

Irene và Seulgi quảng bá cho ca khúc Monster

1. Queerbaiting là gì?

Queerbaiting là một phương thức tiếp thị sử dụng nội dung có liên quan tới cộng đồng LGBTQ+ để “câu kéo” người xem. Từ này được kết hợp giữa “queer" (người nằm ngoài hệ nhị nguyên giới) và “bait" (mồi câu).

Một trong những khoảnh khắc queerbaiting kinh điển trong văn hóa đại chúng: Nụ hôn trên sân khấu của Madonna và Britney | Nguồn: Glamour

Không khó để bắt gặp queerbaiting trong các sản phẩm như phim ảnh, ca nhạc và cả sách truyện. Thường thì trong các tác phẩm này, những nhân vật dị tính sẽ cư xử và hành động mập mờ (hay còn được gọi là hint), nhưng lại không bao giờ khẳng định về xu hướng tính dục của mình.

Queerbaiting nhận về nhiều chỉ trích khi thay vì giúp làm tăng tần số nhận diện của cộng đồng LGBTQ+, hình thức này lại đang củng cố và lan truyền những khuôn mẫu sáo rỗng và có hại.

Tại Việt Nam chúng ta bắt gặp queerbaiting qua cách các chương trình như "Người Ấy Là Ai?" sử dụng ngôn từ như "giới tính thứ 3" (thay vì cộng đồng LGBTQ+) để gây sự chú ý. Ngoài ra các kiểu nhân vật như cô Đẩu của chương trình Táo Quân hằng năm cũng bị khắc họa một màu và thiếu chân thật.

Nhân vật Cô Đẩu đã vô tình khắc họa sai lệch và có phần quá lố người chuyển giới/song tính

2. Nguồn gốc của queerbaiting?

Trong những năm 1950, queerbaiting được dùng để miêu tả các hành vi mang tính kỳ thị đồng tính trong chính trị và luật pháp. Trước đây, queerbaiting là một chiến thuật (bao gồm tống tiền, dụ dỗ) để tìm ra những người có xu hướng tính dục khác với tiêu chuẩn thời đó.

3. Vì sao queerbaiting phổ biến?

Tới khoảng 2010, cộng đồng mạng bắt đầu sử dụng queerbaiting như nghĩa hiện nay để chỉ ra các bộ phim (cụ thể là Sherlock) ngầm lợi dụng yếu tố đồng tính để câu khách. Từ này sau đó cũng đã được thêm vào từ điển Oxford.

Nhiều fan cảm thấy mình đang bị lợi dụng | Nguồn: Sherlock

Trong thời kỳ đầu của điện ảnh, các nhân vật đồng tính thường được “ngầm" xuất hiện để tránh những chỉ trích của xã hội và để lách luật điện ảnh. Bấy giờ, để ám chỉ một nhân vật là đồng tính nam, đạo diễn có xu hướng giới thiệu người này có thiên hướng nữ tính, yêu nghệ thuật và để khán giả tự hiểu. Khái niệm này gọi là queer coding.

Nhân vật queer coding cũng hay xuất hiện trong phim hoạt hình trẻ em | Nguồn: HIM của The Powerpuff Girls

Thứ tách biệt 2 khái niệm tưởng chừng giống nhau này chính là queerbaiting tồn tại chỉ để câu khách vì lợi nhuận. Để lấy ví dụ, điện ảnh Việt Nam thường sử dụng nhân vật đồng tính như yếu tố gây cười, tạo sự tò mò và tranh luận qua những cảnh nóng gợi dục.

Người đồng tính nam trong điện ảnh Việt thường bị "ép" vào vai gây hài, quá lố | Nguồn: Hội của Để Mai Tính 2

Trong thị trường ca nhạc, một số ca sĩ Việt cũng sử dụng yếu tố đồng tính nam để câu kéo fan.

Tạo sự tò mò của dưa luận thông qua cảnh thân mật đồng tính rập khuôn | Nguồn: MV Nước chảy hoa trôi

Trong ngành giải trí, cụ thể hơn là K-Pop, queerbaiting xuất hiện dày đặc. Các thành viên nhóm nhạc nam “nhử" mồi cho fan (thường là theo yêu cầu của công ty quản lý) bằng những hành động thân mật, da chạm da (skin-ship). Các hành vi kiểu này nhìn chung được gọi là fan-service (dịch vụ dành cho fan).

Fan-service để phục vụ fan | Nguồn: YouTube KOREAN ENT

Không chỉ xuất hiện trực tiếp trên những sân khấu mà các video âm nhạc queerbaiting giữa các thành viên nữ cũng xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số nhóm nhạc cũng có thành viên được xây dựng theo xu hướng tạo cảm tình cho cộng đồng LGBTQ+. Những thành viên này có thể là người thuộc cộng đồng LGBTQ+ hoặc có phong thái tương tự như vậy.

MV của nhóm nhạc mới QODES bị tố là queerbaiting | Nguồn: LALALA của QODES

Tất cả những yếu tố này suy cho cùng đều là cần câu lợi nhuận mà ngành công nghiệp âm nhạc Hàn sử dụng. Chỉ riêng việc những hành vi mập mờ của idol trên sân khấu cũng đã giúp người hâm mộ tạo ra hàng loạt fanfic, tranh ảnh ghép đôi. Không cần phải bỏ quá nhiều tiền để quảng bá, đây là cách ngành công nghiệp giải trí lợi dụng người hâm mộ để duy trì ngọn lửa danh vọng cho nhóm nhạc idol.

Trong bối cảnh hiện tại, vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh việc liệu một sản phẩm có queerbaiting hay không. Gần đây nhất chính là MV "Lost Cause" của Billie Elish bị chỉ trích với hình ảnh cô nằm trên giường cùng nhóm bạn nữ; hay MV "Break up with your boyfriend" của Ariana Grande. Khó có thể khẳng định được mục đích ban đầu của những sản phầm này có phải là để làm mồi nhử, hay đơn giản chỉ là thành phẩm sáng tạo của nghệ sĩ.

Suy cho cùng, chỉ khi nào hình ảnh của cộng đồng LGBTQ+ trên truyền thông được phủ sóng và miêu tả một cách đa dạng, chân thực, thì cần câu queerbaiting mới mất đi tác dụng của nó.

4. Cách dùng queerbaiting?

Tiếng Anh

A: Have you seen the new music video featuring a gay love story by DD?

B: Yes, I did. I hate the way they used queerbaiting to attract more fans.

Tiếng Việt

A: Bạn coi cái video âm nhạc có cặp đôi đồng tính nam của DD chưa?

B: Mình coi rồi mà mình ghét cái kiểu người ta dùng queerbaiting để dụ fan lắm.