Cộng đồng LGBT+: Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn mác “làm quá” | Vietcetera
Billboard banner

Cộng đồng LGBT+: Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn mác “làm quá”

Với việc thái độ của xã hội dành cho cộng đồng LGBT+ đang ngày một tích cực hơn, có nhiều ý kiến cho rằng họ đang “làm quá” khi liên tục lên tiếng đòi quyền bình đẳng. Điều này có thực sự đúng?

Cộng đồng LGBT+: Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn mác “làm quá”

Cộng đồng LGBT+: Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn mác “làm quá”

Cùng với sự phát triển của xã hội nói chung, cộng đồng LGBT+ đang ngày càng trở nên công khai hơn. Thái độ của xã hội đối với cộng đồng cũng đã tích cực hơn rất nhiều so với cách đây khoảng chục năm. Từ đó, có nhiều ý kiến cho rằng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, cộng đồng LGBT+ đã bình đẳng so với mọi người. Vì thế, họ cũng không cần phải đấu tranh nữa, không nên “làm quá” lên và tổ chức các buổi diễu hành tự hào (Pride).

Sự kì thị vẫn còn đó

Đúng là thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT+ cả ở Việt Nam và các quốc gia khác đang ngày một tích cực hơn. Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn đó và thậm chí còn tồi tệ hơn ở rất nhiều nơi.

Cộng đồng LGBT Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn maacutec ldquolagravem quaacuterdquo0
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn đó và thậm chí còn tồi tệ hơn ở rất nhiều nơi.

Hiện tại vẫn còn 69 quốc gia trên thế giới hình sự hóa quan hệ đồng tính, trong số đó có 11 quốc gia áp dụng án tử hình. Ở Brazil, số người LGBT+ chết do đánh đập, kỳ thị và phân biệt đối xử chạm mức cao kỷ lục vào năm 2017 (theo tờ The Guardian). Thậm chí, bạo lực vẫn xảy đến với họ ngay cả ở những nước phát triển: vụ xả súng tại câu lạc bộ dành cho những người đồng tính Pulse ở Mỹ vào năm 2016 được xem là vụ xả súng thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thời điểm đó.

Sự bất bình đẳng ấy không chỉ thể hiện qua những con số hay những cuộc khảo sát quy mô lớn, mà còn có thể bắt gặp ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Những việc tưởng chừng như đơn giản và bình thường như nắm tay nhau ở nơi công cộng của các cặp đôi khác giới lại là một sự đấu tranh lớn của những cặp đôi cùng giới.

Quyền được kết hôn và được pháp luật bảo vệ là một quyền cơ bản và quá hiển nhiên đối với những cặp đôi khác giới, tuy nhiên lại là một thứ mà những cặp đôi cùng giới vẫn đang phải nỗ lực vận động để có được. Hiện tại, mới chỉ có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quyền này cho họ (theo internap.hrw.org).

Cộng đồng LGBT Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn maacutec ldquolagravem quaacuterdquo1
Quyền được kết hôn là một thứ mà những cặp đôi cùng giới vẫn đang phải nỗ lực vận động để có được.

Hậu quả là, cộng đồng LGBT+ là một trong những nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Tỷ lệ tự tử của những người đồng tính và song tính cao gấp 3 lần người dị tính (theo Reuters). Hơn một nửa số người chuyển giới nam và 29.9% số người chuyển giới nữ trong độ tuổi thanh thiếu niên tại Mỹ đã từng cố gắng tự sát. Riêng tại Việt Nam, trong một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu iSEE, có gần một phần ba số người LGBT+ cảm thấy bị phân biệt đối xử trong vòng 12 tháng trước khi làm khảo sát.

Vì vậy, việc họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng không có gì là “làm quá” cả

Trái lại, điều đó là vô cùng cần thiết nhằm tăng sự hiện diện của cộng đồng cũng như giảm thiểu sự phân biệt đối xử đang còn tồn tại trong xã hội. Đó là lý do vì sao những cuộc diễu hành tự hào (Pride) của cộng đồng LGBT+ vẫn diễn ra hàng năm và ngày càng thu hút đông đảo người tham dự.

Tôi cho rằng, việc cộng đồng LGBT+ đấu tranh cho quyền lợi của mình rồi bị cho là “làm quá” xuất phát từ việc những mối quan hệ dị tính đã được bình thường hóa và trở thành một điều hiển nhiên trong xã hội (heteronormativity). Thậm chí, ngay cả trong các mối quan hệ đồng tính, rất nhiều người vẫn luôn cho rằng phải có một người đóng vai “nam”, một người đóng vai “nữ”.

Cộng đồng LGBT Khi việc bảo vệ quyền lợi bị gắn maacutec ldquolagravem quaacuterdquo2
Việc họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng không có gì là làm quá cả, mà trái lại, điều đó là vô cùng cần thiết nhằm tăng sự hiện diện của cộng đồng cũng như giảm thiểu sự phân biệt đối xử vẫn đang còn tồn tại trong xã hội.

Trong các phương tiện truyền thông và giải trí, các mối quan hệ nam-nữ cũng luôn chiếm đại đa số và rất hiếm khi có sự xuất hiện của các cặp đôi đồng tính. Từ đó, một số người cho rằng “dị tính” là mặc định, còn các xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số khác là khác thường và không quan trọng bằng. Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử nên họ có xu hướng lên tiếng đòi quyền bình đẳng nhiều hơn chứ không hẳn là “làm quá” hay gây sự chú ý.

Chừng nào việc kết hôn cùng giới được pháp luật công nhận, chừng nào những người chuyển giới có thể sống đúng và hợp pháp với giới tính thật của mình, chừng nào những sự kì thị chấm dứt thì khi đó, họ sẽ không cần phải “làm quá” nữa.

Bài viết này được thực hiện bởi Sơn Đặng.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.