Quên mục tiêu đi nếu bạn không biết nó dùng để làm gì | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 01, 2021

Quên mục tiêu đi nếu bạn không biết nó dùng để làm gì

Mark Manson phân tích sự phức tạp của việc đặt mục tiêu, mở đầu với những lợi ích của từng kiểu mục tiêu cụ thể.
Quên mục tiêu đi nếu bạn không biết nó dùng để làm gì

Nguồn: Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết "The Surprising Science of Goal Setting (And Why You’re Probably Doing It Wrong)", được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Hồi năm 2010, tôi đã từng đặt một mục tiêu lớn. Tôi chọn một trong số các trang web của mình và quyết định trong vòng một năm sẽ đăng hơn 100 bài trên đó. Như thế thì tôi sẽ đạt được một triệu người đọc vào cuối năm.

Để làm được như vậy, tôi chuyển một trang blog cũng có chút thành tựu khiêm tốn vào thời điểm đó thành một chuyên trang nam giới cho thế hệ millennial. Tôi tìm được 6 người khác viết cho mình, thiết kế lại trang, và tạo ra một quy trình nội dung mà tôi sẽ trực tiếp duyệt và đăng tải hàng ngày.

Tôi mường tượng mình đang xây dựng nền tảng của một đế chế riêng, một thương hiệu đánh vào sự đa cảm của thế hệ nam giới trẻ, đam mê internet.

Chưa đến 3 tháng thì tôi ngừng toàn bộ dự án. Tôi xoá một nửa nội dung được viết bởi những người khác. Tôi chuyển trang web về lại trang blog như cũ, và tiếp tục xuất bản theo tốc độ nhỏ giọt trước đây.

Có lẽ hầu hết sẽ cảm thấy việc từ bỏ mục tiêu như tôi năm đó là một sự thất bại không phải bàn cãi. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy nó giống như một trong số những mục tiêu đáng giá nhất mà tôi từng đặt ra cho mình. Tôi sẽ giải thích điều này ở phần sau.

Việc đặt mục tiêu sẽ giúp bạn như thế nào?

Có cả triệu bài viết trên mạng nói về cách đặt và đạt được mục tiêu. Nhưng tôi muốn nêu lên một điều còn quan trọng hơn: Thường thì việc thất bại với mục tiêu của mình (theo cách có chiến lược) còn đáng giá hơn là đạt được mục tiêu đó.

Nhiều người xem mục tiêu như quả bóng gôn – đặt ra, vung gậy và hy vọng mình ghi điểm. Nhưng mục tiêu phức tạp hơn thế. Đôi khi đặt ra một mục tiêu mà bạn biết mình sẽ không thể hoàn thành cũng mang lại lợi ích. Đôi khi cần phải từ bỏ hoặc thay đổi mục tiêu giữa chừng. Đôi khi không có mục tiêu nào lại tốt hơn.

Loạt bài viết này sẽ phân tích sự phức tạp đó: khi nào thì cần mục tiêu, đặt ra lúc nào và làm sao để biết rằng đã đến lúc phải từ bỏ nó.

Chúng ta đều biết mục tiêu mang đến cảm giác thỏa mãn và mục đích sống cho mình. Nó cho chúng ta thứ để chờ mong và tìm phương hướng. Nó giúp chúng ta theo dõi, đong đếm quá trình phát triển và hiểu hơn về thiếu sót của mình. Ai cũng muốn có mục tiêu vì một lý do: chúng mang lại lợi ích.

Nhưng trước hết, bạn cần hiểu chính xác lợi ích mà các kiểu mục tiêu mang lại cho mình là gì.

Mục tiêu cụ thể sẽ phù hợp khi bạn cần thành tích hữu hình

Cách phổ biến nhất để sử dụng mục tiêu, có lẽ cũng là cách mà bạn đã quen thuộc suốt bao lâu nay, đó là hướng đến một kết quả cụ thể.

Chẳng hạn tôi muốn trở thành tác giả sách, vậy mục tiêu là viết xong một cuốn sách vào cuối năm nay. Tôi muốn tự chủ về tài chính, mục tiêu là trả hết nợ vào năm 2022. Tôi muốn một hình thể đẹp, nên tôi đặt mục tiêu giảm 5kg trước mùa hè.

Đặt ra một mục tiêu cụ thể và đo lường được sẽ giúp chúng ta đạt được những thành tích hữu hình. Đây là điều đã được các nghiên cứu chứng minh.

Mục tiecircu cụ thể
Đặt ra mục tiêu cụ thể sẽ giúp ta đạt được kết quả hữu hình. | Nguồn: Pexels

Các mục tiêu cụ thể giống như một loại GPS cho cuộc sống. Cũng như GPS trên điện thoại cần một điểm đến cụ thể, các mục tiêu chỉ thực sự hiệu quả khi bạn hình dung một kết quả cụ thể trong đầu.

Khi đặt những mục tiêu cụ thể, chúng sẽ giúp bạn dễ đo lường, thực hiện và theo dõi tiến độ hơn. Đây được gọi là những mục tiêu SMART, viết tắt của:

  • Specific – Cụ thể
  • Measurable – Đo lường được
  • Achievable – Tính khả thi
  • Relevant – Tính phù hợp
  • Time Bound – Giới hạn thời gian

Thay vì “tiết kiệm tiền”, bạn có thể nói mình sẽ “tiết kiệm đủ 100 triệu vào ngày 12/12.” Giờ thì bạn đã biết chính xác mình cần làm gì. Nếu bắt đầu tiết kiệm vào ngày 1/1 thì bạn còn 345 ngày để thực hiện, nghĩa là bạn cần tiết kiệm:

  • 290.000 mỗi ngày
  • 2.030.000 mỗi tuần
  • 8.700.000 mỗi tháng

Nó còn cho biết bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình đến đâu trong suốt năm. Ví dụ, đến ngày thứ 57, bạn nên tiết kiệm được 16.530.000. Nếu thấy mình còn cách xa cột mốc này, bạn sẽ biết đã đến lúc cần thay đổi cách thực hiện (hoặc thay đổi mục tiêu của mình).

Một lợi ích khác của việc đặt ra mục tiêu cụ thể là nó giúp bạn tập trung vào kết quả và lờ đi những yếu tố nhiễu loạn không liên quan mà chắc chắn bạn sẽ gặp phải. Bạn sẽ dễ cắt giảm chi tiêu hơn nếu biết chính xác mình phải tiết kiệm bao nhiêu. Bạn sẽ nắm được những thực phẩm phải loại bỏ nếu biết chính xác mình phải giảm bao nhiêu cân.

Các mục tiêu đó sẽ là nguồn năng lượng, động lực và sự bền bỉ cho bạn.

Mục tiêu chung sẽ dành cho những thành tích vô hạn

Mục tiêu cụ thể nghe thì lý tưởng đấy, nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta chỉ muốn thứ gì đó không cụ thể.

Ví dụ, nếu tôi muốn trở thành một người viết tốt hơn, tôi nên đo lường thế nào? Lượt truy cập của website? Lượng sách bán được? Hay email tán thưởng gửi về hộp thư của tôi?

Đây là lúc chúng ta gặp rắc rối với mục tiêu. Bởi vì nếu xác định rằng “lượt truy cập website = viết tốt hơn", thì thật ra còn rất nhiều cách khác để tăng lượt truy cập mà không cần phải cải thiện khả năng viết.

Một hiện tượng quen thuộc khác là về việc giảm cân. Rất nhiều người đặt mục tiêu giảm cân và thực hiện theo cách cực kỳ hại sức khoẻ, như là nhịn đói hoặc không ăn gì ngoài rau củ. Đúng là số cân có giảm thật, nhưng cơ thể họ còn tệ hơn ban đầu. Đó là lúc mục tiêu cụ thể gây hại hơn là hỗ trợ họ.

Lúc này điều chúng ta cần là các mục tiêu chung. Không chỉ đơn giản là giảm 5kg, mà bạn còn muốn có sức khoẻ tốt hơn. Không chỉ là bán thật nhiều sách, mà bạn muốn sách của mình bán chạy vì bạn viết hay.

Mục tiecircu chung
Đôi khi bạn lại cần những mục tiêu... không cụ thể để bảo vệ sức khoẻ tinh thần. | Nguồn: Pexels

Các mục tiêu chung như là khoẻ mạnh hơn, cải thiện được một kỹ năng,... sẽ hiệu quả hơn là các mục tiêu cụ thể, bởi chúng là vô hạn. Bạn không cần phải ngừng “khoẻ mạnh", hoặc không bao giờ hoàn toàn trở thành “một người viết tốt hơn", mà bạn luôn có khả năng làm tốt hơn thế nữa.

Tính chất vô hạn này của mục tiêu chung sẽ giúp chúng ta luôn hài lòng và thành thật với các mục tiêu cụ thể. Dựa dẫm quá mức vào mục tiêu cụ thể sẽ gây hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Vì thế xen kẽ với các mục tiêu chung sẽ giúp trung hòa điều đó, thậm chí còn giúp cải thiện kết quả.

Những chia sẻ trên cho thấy, mục tiêu tốt nhất là mục tiêu giúp chúng ta tận hưởng cả quá trình, thay vì tập trung quá nhiều vào kết quả. Muốn vậy, bạn cần cả mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Bạn cần kết quả cụ thể để giúp bản thân hào hứng (“Mình sắp tiết kiệm được 1 tỷ!”), nhưng cũng cần mục tiêu chung (“Mình sẽ cải thiện chuyên môn”) để cân bằng kết quả đầu ra và bảo vệ lòng tự tôn của mình nguyên vẹn.

Bởi vì, nếu bạn không làm thế, mọi thứ sẽ đổ vỡ. Nhanh thôi.