6 Điều cần biết để việc viết lách trở nên dễ dàng hơn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
21 Thg 07, 2020
Chất Lượng Sống

6 Điều cần biết để việc viết lách trở nên dễ dàng hơn

Khi tạm biệt những bài kiểm tra Văn, không còn áp lực điểm số, liệu bạn có yêu việc viết hơn không?
6 Điều cần biết để việc viết lách trở nên dễ dàng hơn

6 Điều cần biết để việc viết lách trở nên dễ dàng hơn

Khi tạm biệt những bài kiểm tra Ngữ Văn, không còn áp lực phải viết để vừa lòng thầy cô hoặc vì áp lực điểm số nữa, liệu bạn có yêu việc viết hơn không? Khi còn học phổ thông, chúng ta quen với cách học thuộc văn mẫu để đối phó, ngầm hiểu viết càng dài là càng "văn hay chữ tốt". Vô hình trung, ta quên đi ý nghĩa thật sự của việc học Văn lẫn việc viết.

Viết nên là một hình thức thể hiện cảm xúc, suy nghĩ tự nguyện. Tuy nhiên, để thể hiện cảm xúc và suy nghĩ sao cho mạch lạc là cả một quá trình bao gồm nhiều yếu tố: nghiên cứu về chủ đề, sắp xếp bố cục, chọn đúng ngôn từ,...

Sau 3 năm học chuyên Văn và đảm nhiệm nhiều vị trí thường xuyên "làm bạn với chữ", mình đã rút ra vài bài học để chuyện viết lách không còn quá khó khăn.

1. Kỳ vọng vừa phải, không nên quá cầu toàn

6 Điều cần biết để việc viết laacutech trở necircn dễ dagraveng hơn0

Đừng quá cầu toàn. Bạn chỉ cần viết thôi | Nguồn hình: Unsplash

Khi mới viết, ai cũng dành nhiều kỳ vọng cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, thành quả ban đầu không được như ý dễ khiến chúng ta chán nản và bỏ dở từ những bước đầu, rồi từ đó không dám đặt bút nữa.

Hãy coi viết như một người bạn, thay vì một giáo sư hay sếp. Viết là khi bạn đối diện với chính mình và người đọc, càng chân thực với suy nghĩ càng dễ khiến người đọc đồng cảm hơn.

Vậy nên điều bạn cần làm chỉ là kỳ vọng vừa phải, bám sát vào dòng suy nghĩ, tập trung diễn tả nội dung, thay vì quá lo lắng về kết quả để rồi không dám bắt tay vào làm. Bạn hoàn toàn có thể quay lại chỉnh sửa sau khi hoàn thành bài viết.

2. Bắt đầu với 100 từ mỗi ngày để viết trở thành thói quen

Khi đã quá lâu không viết, phải mất một thời gian để bạn lấy lại được thói quen viết một câu/đoạn hoàn chỉnh với đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, luận điểm và luận cứ (khác với viết trạng thái trên Facebook và chat trên Messenger).

Hãy bắt đầu với một mục tiêu vừa sức (100 từ mỗi ngày), mà bạn không thể viện cớ để lười. Khi mọi thứ đã thành thói quen, mỗi lần ngồi xuống, bạn sẽ có thể vượt xa cả mục tiêu ấy đấy trước khi kịp nhận ra.

3. Hiểu những gì bạn nghĩ và giữ luồng suy nghĩ đó

6 Điều cần biết để việc viết laacutech trở necircn dễ dagraveng hơn1

Sổ tay - một cách "truyền thống" giúp bạn dễ dàng lưu lại những suy nghĩ và tổ chức chúng sao cho hợp lý | Nguồn hình: Unsplash

Muốn người đọc hiểu được những gì bạn đang viết, bạn cần hiểu nội dung mình cần truyền tải và sắp xếp nó một cách hợp lý.

Bạn có thể sử dụng sổ tay để lưu giữ những suy nghĩ ngẫu nhiên của mình trước, rồi dựa vào đó để liên kết, tổ chức, chỉnh sửa lại nội dung sao cho mạch lạc. Cách này vừa ngăn bạn quên mất ý tưởng, vừa giúp bạn hình dung và tổ chức suy nghĩ trong đầu rõ ràng hơn.

4. Nghe, nói để ghi nhớ và sử dụng từ ngữ

Lời khuyên “bổ sung vốn từ bằng việc đọc” là đúng nhưng chưa đủ. Tương tư việc coi video tập thể dục không giúp bạn thon thả hơn, chỉ đọc sẽ không đủ để hoàn thiện khả năng viết của bạn. Từ việc nhận biết, ghi nhớ đến sử dụng đúng từ ngữ để diễn đạt là cả một quá trình.

Để thúc đẩy quá trình này, bạn cần sự kết hợp của nhiều giác quan. Nghiên cứu cho thấy, bạn càng kết hợp nhiều giác quan khi học thì càng cải thiện được khả năng ghi nhớ.

Ngoài việc đọc và viết nhiều, bạn có thể nghe và học hỏi từ những người có khả năng diễn đạt nội dung tốt (nói đúng trọng tâm, dễ hiểu và biết chọn lọc từ ngữ).

Luyện tập diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ nói cũng sẽ có ích. Nếu người nghe cảm thấy khó hiểu và phải hỏi lại những gì bạn vừa nói quá nhiều lần, đấy là dấu hiệu cho việc bạn cần cải thiện cách diễn đạt của mình.

5. Quan tâm đến người đọc

6 Điều cần biết để việc viết laacutech trở necircn dễ dagraveng hơn2

Khi viết hãy quan tâm đến trải nghiệm của người đọc khi đọc bài viết của bạn | Nguồn hình: Unsplash

Trước khi viết bạn cần đặt câu hỏi: Nội dung bài yêu cầu những gì? Bố cục như thế nào thì phù hợp? Từ ngữ được sử dụng đã đúng chưa? Làm thế nào để người đọc không cảm thấy nhàm chán?

Để bài viết dễ đọc, bạn cần tránh: câu văn dài mà không có dấu câu, một câu văn quá nhiều dòng (trên 6 dòng) và quá nhiều đoạn liên tục mà không có gì chia tách. Xây dựng bố cục trước khi viết và chèn các đề mục sẽ giúp bài viết logic và thân thiện với người đọc hơn.

Tách câu phức thành những câu đơn nếu có thể. Ví dụ, thay vì viết rằng: “Thực tập là con đường hiệu quả và giá trị cho các bạn sinh viên sắp ra trường được trải nghiệm môi trường và có cho mình một nơi làm việc lý tưởng trong tương lai”. Bạn có thể tách thành : “Thực tập là con đường hiệu quả cho các bạn sinh viên sắp ra trường. Nó mang đến cơ hội trải nghiệm và là tiền đề để tìm kiếm nơi làm việc lý tưởng trong tương lai”.

6. Trở thành một người chịu trách nhiệm nội dung khắt khe

Ngoài luyện viết, kiểm duyệt hoàn thiện nội dung cũng là một cách để cải thiện khả năng của bạn. Nếu như chỉ dừng lại ở viết và để đấy, bạn sẽ không nhận ra được những thiếu sót ở mình.

Bạn có thể chỉnh sửa những bài báo khác trên Internet nếu thấy mình có thể làm nó tốt hơn. Hãy chú ý những lỗi diễn đạt, bởi bạn cũng có thể mắc lỗi tương tự.

Kết

Viết mang lại nhiều lợi ích dù bạn có kiếm sống bằng nghề viết hay không. Nó giúp bạn lưu lại những suy nghĩ và tư duy của bạn, cũng như giúp bạn luyện tập tổ chức suy nghĩ một cách mạch lạc hơn. Hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ giúp bạn có thêm động lực để bắt đầu làm quen và làm bạn với viết lách từ hôm nay.