Rèo và 5 năm hành trình đi tìm sự vừa đủ | Vietcetera
Billboard banner

Rèo và 5 năm hành trình đi tìm sự vừa đủ

Trò chuyện và tìm hiểu Rèo thông qua enoughhhhhhhhh, để cảm nhận sự “vừa đủ” trong anh.
Rèo và 5 năm hành trình đi tìm sự vừa đủ

Tác phẩm tiêu biểu: "là con người thì mong có tình yêu."

Rèo sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, hiện đang sinh sống tại Đà Lạt và làm việc từ xa đã được hai năm. Cái tên Rèo đến với anh từ bé, khi mọi người gọi anh là “Hưng Rèo.” Hiện tại, anh đang là graphic designer cho The Lab Saigon.

reo-profile
Chân dung của Rèo, bên một chú mèo.

enoughhhhhhhhh là tên cho dự án cá nhân của Rèo, thực hiện từ giữa năm 2016. Dự án bao gồm những hình vẽ hết sức tinh giản, thể hiện một ý niệm vừa đủ của riêng anh. Mỗi bức vẽ của Rèo giống như một điểm bắt đầu vô cùng gợi mở. Đó là một thắc mắc, suy tư, quan điểm, từ đó nảy mầm thành những dòng suy tư và chiêm nghiệm sâu sắc hơn.

Đôi lúc bận bịu với công việc chính, Rèo phải gác qua dự án, nhưng anh chưa bao giờ có ý định ngưng hoàn toàn. Lần này của Nhìn Phát Yêu Luôn, chúng tôi trò chuyện và tìm hiểu Rèo thông qua enoughhhhhhhhh, để cảm nhận sự “vừa đủ” trong anh.

1. Ban ngày hay ban đêm?

Nếu bạn để ý, các bức vẽ của mình đều thường đi kèm một câu hỏi hoặc suy nghĩ nào đó. Suy nghĩ chính là điểm khởi đầu để mình hồi đáp bằng việc vẽ.

Mình thường suy nghĩ và đặt vấn đề vào ban ngày, sau đó thực hiện hình vẽ vào ban đêm.

reo-1
nên tự đặt câu hỏi?

2. Bạn hay nghe nhạc gì khi sáng tác?

Mình không nghe cố định, nhưng thường là nhạc không lời.

reo-2
nhạc không lời.

3. Bạn đã xây dựng hình tượng các nhân vật trong dự án như thế nào?

Quá trình này tính tới nay đã được tầm hơn 5 năm. Mình bắt đầu với những hình vẽ và nhân vật khá nhiều chi tiết. Càng đi sâu hơn, mình càng tìm về những yếu tố gốc rễ và căn bản.

Đến hiện tại, tạo hình nhân vật của mình chỉ là các tư thế hoặc cử chỉ phản ánh cảm xúc chính xác nhất. Những nét nào không cần thiết, mình sẽ giản lượt dần.

reo-3

4. Với một dự án kiệm đường nét như thế này, làm thế nào để bạn nén đủ nội dung cần truyền tải?

Mình không quan trọng việc truyền tải toàn bộ nội dung đến mọi người. Mình chỉ muốn gieo một chút suy nghĩ cá nhân vào suy nghĩ của người tiếp nhận. Gieo một ít là đủ, phần còn lại là ở người xem. Bởi mỗi người là một cá thể độc lập và có những suy nghĩ, quan niệm hoàn toàn khác nhau.

reo-4
đoạn nhạc buồn đêm gió trăng lạnh.

5. Vậy khi nào thì tác phẩm được xem là “đủ”?

Có những bức mình vẽ một lần là thấy dùng được luôn. Có những bức mình vẽ khoảng vài trăm lần. Cũng có những bức mình vẽ vài trăm lần rồi quay về với bức đầu.

Các bức vẽ của mình thường đi từ câu đặt vấn đề, nên khi nào mình thấy bức vẽ gần sát với vấn đề mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên và đảm bảo về mặt bố cục thì nó đã đủ. Với mình, một bức vẽ có bố cục ngay ngắn nhưng vẫn gợi được tính con người sẽ tạo ra sự tương phản và những “thái cực vừa đủ” để gieo suy nghĩ cho người xem.

reo-5
bạn tôi biết yêu thương.

6. Những lúc ý tưởng tuôn trào như nước, bạn làm gì để ghi lại đủ và chính xác nhất?

Với mình, những câu ngắn sẽ giúp mình ghi lại ý tưởng đủ và gần nhất. Ghi chép dài sẽ khiến mình dễ sa vào cái bẫy muốn viết hay, từ đó ý tưởng bị giảm bớt tính chân thực.

Mình hay mang theo cuốn sổ tay nhỏ (A6) và bút mực để ghi lại những câu suy nghĩ ngắn, nếu không có sổ thì tự nhắn tin Messenger cho mình.

reo-6
đầu tiên không phân biệt cuối cùng tự do diễn ra.

7. Bạn sẽ dùng tác phẩm nào để thuyết phục thần chết tha mạng cho mình?

Đến đấy rồi vẽ, kiểu này vẽ nhanh mà. Còn không có thể dùng hình “bình thường.”

reo-7
được cái bình tĩnh.

8. Theo bạn, kỷ luật trong sáng tạo là gì?

Theo mình thì không có khái niệm sáng tạo, chỉ là bạn có ít hoặc gỡ bớt được những giới hạn trong vô thức của bản thân. Kỷ luật với mình cũng giống như đi trên dây vậy. Bạn phải liên tục giữ điểm cân bằng giữa việc có giới hạn và cân nhắc nới lỏng giới hạn để mở rộng cơ hội sáng tạo.

Trong công việc thiết kế, vì sản phẩm còn liên quan đến người khác nên những yêu cầu của họ sẽ trở thành là giới hạn của mình. Kỷ luật từ đây sẽ đi kèm với việc hiểu và chấp nhận những giới hạn ấy. Còn trong những bức vẽ thì mình đơn giản chỉ muốn tìm hiểu sâu về bản thân, bản chất thôi.

reo-8
hiểu biết giới hạn.

9. Khoảnh khắc nào khiến bạn tự tin gọi mình là một nghệ sĩ?

Với mình, nghệ sĩ là những người dám đào sâu những cảm nhận của bản thân và thể hiện nó qua những thứ họ làm. Nhưng chắc mình không nhận, vì nghệ sĩ có nhiều ý nghĩa trong mắt người nhìn hơn bản thân mình.

Một định nghĩa có thể giúp mình làm nhanh hơn, song cũng hạn chế mình thử làm một điều gì đó khác.

reo-9
sự chấp nhận là khởi đầu cho sáng tạo.

10. Nếu tất cả các nghề đều trả cùng một lương, bạn sẽ làm nghề gì?

Mình nghĩ khi thực tế đó đến, mình sẽ có lựa chọn. Mình không ghét làm việc, chỉ không thích làm những việc lặp đi lặp lại và không có sự phát triển trong cách nghĩ và quan điểm.

Nhưng nếu phải trả lời, mình sẽ chọn làm việc cần lao động chân tay và gần gũi với thiên nhiên.

reo-10
tại sao tôi làm sản phẩm? chẳng thấy mấy con chó nó phụ tôi.

Instagram