Tóm Lại Là: Ronaldo thích uống nước lọc hơn! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Ronaldo thích uống nước lọc hơn!

Tại sao Cristiano Ronaldo lại từ chối Coca-Cola? Liệu có ẩn tình gì đằng sau hành động của CR7?
Tóm Lại Là: Ronaldo thích uống nước lọc hơn!

Nguồn: TheBeanyman YouTube

1. Chuyện gì xảy ra?

Hôm 14/06, tại buổi họp báo của đội tuyển Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo làm cả thế giới "hết hồn" khi đem cất 2 chai Coca-Cola của nhà tài trợ và thay vào đó là một chai nước lọc. Anh cũng giơ cao chai nước của mình và nói "Agua" (Uống nước thôi).

Hành động này của Ronaldo được cho là khiến Coca-Cola bốc hơi 4 tỷ USD, đồng thời làm cổ phiếu hãng này tụt giá không phanh.

2. Mọi người phản ứng ra sao?

Hành động của CR7 nhận nhiều chỉ trích khi nhiều người cho rằng anh đang hành động quá cá nhân trong một cuộc chơi chung. Tuy nhiên, các chiến dịch chống béo phì lại dành nhiều lời khen có cánh để ca ngợi cầu thủ này.

Cầu thủ Locatelli cũng nhanh chóng hưởng ứng khi gạt đi 2 chai nước ngọt trong buổi họp báo. Còn với Paul Pogba, một người theo đạo Hồi, cũng tự tin bỏ đi chai bia khi nó đi ngược lại với tôn giáo của anh.

Các nhà tài trợ, những người bỏ tiền cho giải đấu bỗng dưng bị các cầu thủ lơ đẹp.

IKEA cũng nhanh tay ra ngay quảng cáo ăn theo sự kiện này khi ra mắt bình nước mang tên Cristiano. Về phía nhãn hàng, Coca-Cola lên tiếng rằng mỗi người đều có sở thích và nhu cầu khác nhau, và chúng ta nên tôn trọng điều đó.

titleToacutem Lại Lagrave Ronaldo thiacutech uống nước lọc hơn Toacutem Lại Lagrave Ronaldo thiacutech uống nước lọc hơn
Thời tới cản không kịp | Nguồn: IKEA

3. Vậy Ronaldo có bị “phạt"?

Theo như UEFA (Liên đoàn Bóng đá Châu Âu), các nhà tài trợ đã chi ít nhất 30 triệu USD để được xuất hiện trong giải đấu. Hành động này của những cầu thủ đã gián tiếp gây ảnh hưởng tới nhãn hàng.

Làn sóng phản ứng của các cầu thủ khác cũng đã khiến UEFA phải lên tiếng nhắc nhở rằng “quan hệ với các đối tác là không thể thiếu trong việc tổ chức giải đấu”.

Về lý mà nói UEFA cũng không thể trực tiếp đưa ra các hình phạt cho những cầu thủ. Tuy nhiên, trước tình trạng các cầu thủ thi nhau cất đồ của nhà tài trợ, UEFA quyết định sẽ xử phạt nếu cần thiết.

4. Sự lỗ vốn bị thổi phồng?

Khi đưa tin về sự kiện, con số 4 tỷ USD biến thành trung tâm trên mọi mặt báo. Câu chuyện Ronaldo làm mất tiền của Coca-Cola dường như được yêu thích hơn cả.

Tuy nhiên, sự thật đã bị thổi phồng khi mà thật ra Coca-Cola vốn đã bị tụt cổ phiếu trước đó. Hai sự việc tình cờ xảy ra cùng lúc, cộng thêm sự thêu dệt từ báo đài khiến đại đa số nghĩ rằng Ronaldo là nguyên nhân chủ chốt cho việc Coca-Cola mất tiền.

Hiện tượng này được gọi là “post-truth". Từ này đề cập đến bối cảnh khi sự thật khách quan ít nhận được sự chú ý của dư luận so với những câu chuyện có khả năng xác nhận niềm tin cá nhân.

Đây chính là một kiểu thiên kiến xác nhận khi dư luận chỉ đi tìm bằng chứng và tin vào những gì họ muốn.

5. Quảng cáo nhưng không tin vào sản phẩm?

Những câu chuyện nghịch lý vẫn xảy ra hằng ngày. Đơn cử là khi những ngôi sao thể thao với chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt chọn đi quảng cáo... thực phẩm không lành mạnh và chất kích thích như rượu bia.

Ronaldo cũng không ngoại lệ khi trước đây cũng đã từng quảng bá cho KFC và Coca-Cola. Hành động vừa rồi của CR7 đã giúp anh xây dựng lại hình ảnh của mình và tạo ra sự thay đổi cho các khán giả theo dõi chương trình.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, thủ tướng Anh cũng đang ban hành lệnh cấm quảng cáo đồ ăn không lành mạnh gây ra béo phì.

6. Cần phải có sự thay đổi trong cách thức quảng cáo?

Hình thức quảng cáo “product placement" vẫn thường được sử dụng trên mạng xã hội, trong phim ảnh. Các nhãn thời trang thì cài các bộ cánh đắt đỏ vào trong phim, tương tự những influencers cũng gài gắm những sản phẩm mình quảng cáo một cách tinh vi trong bài viết.

Đã có nhiều những vụ kiện cáo về việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Chính vì vậy mà những hashgtag #ad, #sponsor bắt đầu được sử dụng nhiều để tách bạch những bài đăng quảng cáo cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Trước những thay đổi về nhận thức và sự nhanh nhạy của khách hàng, các nhãn hàng cần phải có những thay đổi phù hợp trong việc chọn "gương mặt thương hiệu" để gửi vàng. Nhất là khi sản phẩm đó đi ngược lại những gì người quảng bá tin tưởng.

7. Cán cân quyền lực đang dần đổi chiều?

Giáo sư Simon Chadwick từ Trung tâm Công nghiệp Thể thao Á-Âu cho rằng con lắc quyền lực đang nghiêng dần về phía các vận động viên, thay vì các nhà tài trợ và đối tác thương mại.

Các vận động viên ngày nay dễ dàng kết nối và lan tỏa sức ảnh hưởng với hàng triệu người hâm mộ chỉ thông qua mạng xã hội. Những nhân tố lão làng như Jordan hay LeBron cũng thành lập những thương hiệu riêng thay vì phụ thuộc vào quảng cáo.

Đối với nhiều vận động viên trẻ, nhãn hàng vẫn là "cây cao bóng cả" giúp phát triển sự nghiệp của họ. Còn với những nhân vật máu mặt của làng thể thao, họ bắt đầu có những động thái thay đổi, có khả năng gây tác động không nhỏ tới giới này.

Trong tương lai, những bản hợp đồng kinh doanh, các tập đoàn rồi sẽ không còn là tảng đá kiềm hãm tiếng nói tự do của những vận động viên.