Screenlife - Kể chuyện con người qua màn hình máy tính | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 03, 2023
Điện ẢnhBóc Phim

Screenlife - Kể chuyện con người qua màn hình máy tính

Một người trung bình dành 6 tiếng mỗi ngày để sinh hoạt trên màn hình, screenlife kể những câu chuyện xảy ra trong không gian ấy.
Screenlife - Kể chuyện con người qua màn hình máy tính

Nguồn: Missing (2023)

Vào ngày 23/2, bộ phim Missing chính thức ra mắt và ngay lập tức nhận được khá nhiều bình luận tích cực đến từ khán giả và giới phê bình. Với số điểm 87% tại Rotten Tomatoes, Missing đã chứng minh được tiềm năng kể chuyện khổng lồ của những bộ phim hoàn toàn được thể hiện qua màn hình máy tính.

Trong Bóc Phim lần này, cùng Vietcetera tìm hiểu về thể loại phim với cái tên “screenlife” và đào sâu về thành công của dòng phim cực kì mới mẻ này.

1. Screenlife là gì?

Screenlife là một thể loại phim mà tại đó, tất cả sự kiện đều được diễn ra qua màn hình máy tính, điện thoại, hay bất kì thiết bị di động nào.

Tại thể loại này, khán giả bị giới hạn bởi góc nhìn của duy nhất một nhân vật qua màn hình mà họ đang tương tác. Sự giới hạn góc nhìn này tạo ra những sự thiếu hụt thông tin nhất thời. Chính vì thế, những bộ phim screenlife thường thuộc thể loại kinh dị và giật gân.

2. Screenlife bắt nguồn từ đâu?

Vào năm 2002, The Collingswood Story ra đời và trở thành bộ phim đầu tiên thử nghiệm việc kể một câu chuyện hoàn toàn qua màn hình máy tính.

Ra mắt tại các liên hoan phim độc lập nhỏ lẻ tại Anh và Mỹ, The Collingswood Story đã nhận được khá nhiều lời khen từ giới phê bình. Những cụm từ như “niềm vinh quang của phim ít kinh phí", "kinh dị thuần túy” đã được sử dụng để nói về sự sáng tạo trong cách kể chuyện của bộ phim này.

Tuy nhiên, phải đến năm 2014, khi bộ phim kinh dị Unfriended được công chiếu, cách kể chuyện độc đáo này mới được biết đến bởi khán giả đại chúng. Cụm từ “Screenlife” từ đó cũng được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà sản xuất của Unfriended, Timur Bekmambeto để miêu tả về thể loại này.

Timur Bekmambetom cũng chính là người đã tiên phong đi đầu trong việc khai phá cách kể chuyện “screenlife.” Ông chính là nhà sản xuất cho gần như tất cả những bộ phim tiêu biểu thuộc thể loại này như, Searching, Missing, Profile,...

3. Vì sao screenlife phổ biến?

Để lí giải cho sự phổ biến của thể loại screenlife, Timur Bekmambetom đã chỉ ra rằng một người trung bình dành hơn 1/4 thời gian trong ngày để tồn tại trên internet.

Tất cả những hành động, sự kiện, câu chuyện xảy ra tại khoảng thời gian này vốn chưa bao giờ được thể hiện bởi những bộ phim đi theo cách kể chuyện truyền thống. Screenlife chính là thể loại có khả năng khai thác khoảng trống này, và kết nối với khán giả theo một cách chưa từng có trước đây.

Chẳng hạn như trong cách thể hiện nhân vật, Timur nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc “show don’t tell.” Ông cho rằng một trong những điểm mạnh nhất của screenlife là tất cả những chi tiết nhỏ nhất xảy ra trên màn hình đều có thể thể hiện quá trình suy nghĩ của nhân vật mà không cần phải dùng đến lời thoại.

alt
Một cảnh trong bộ phim Profile | Nguồn: Profile (2018)

Hinh nền máy tính, tốc độ gõ phím, những trang web được lưu lại trên trình duyệt web hay thậm chí là cách sắp xếp những biểu tượng ứng dụng trên màn hình, tất cả đều có khả năng truyền tải tính cách, câu chuyện của nhân vật.

Chẳng hạn khi một nhân vật xóa đi xóa lại một dòng tin nhắn trước khi gửi đi, khán giả hoàn toàn có thể nhận ra sự ngập ngừng và không chắc chắn của họ mà không cần phải nhìn vào biểu cảm hay lắng nghe giọng nói.

Ngoài những yếu tố vượt trội trong cách kể chuyện, tương tự như thể loại found-footage, những bộ phim screenlife yêu cầu rất ít tiền để sản xuất nhưng lại có thể mang về một số lợi nhuận khổng lồ vì chúng rất dễ được quảng bá.

Chẳng hạn như Unfriended, bộ phim kinh dị đã mang thể loại screenlife đến với khán giả đại chúng, với kinh phí chỉ vỏn vẹn 1 triệu đô, bộ phim đã thu về hơn 64 triệu đô doanh thu toàn cầu. Dù không được quảng bá rộng rãi, Unfriended đã xuất sắc trở thành bộ phim kinh dị nguyên bản có doanh thu mở màn cao nhất kể từ khi Conjuring ra mắt vào tháng 7/2013.

Tương lại của dòng phim này thậm chí còn xán lạn hơn khi vào năm 2020, nhà sản xuất Timur Bekmambetom đã kí hợp đồng với hãng Universal để tiếp tục cho ra đời thêm 5 phim thuộc thể loại screenlife.

4. Những bộ phim screenlife tiêu biểu

Unfriended (2015)

Tại một buổi video call cùng nhóm bạn, Blair phát hiện một tài khoản Skype với cái tên “Billy” xuất hiện trong nhóm. Từ đó, hàng loạt những sự kiện siêu nhiên xảy ra và vén màn những bí mật đen tối của nhóm bạn này. Với câu chuyện độc đáo và sự sáng tạo trong cách kể chuyện, Unfriended thật sự là một bộ phim đáng xem nếu bạn quan tâm đến thể loại screenlife.

Searching (2018)

Nếu Unfriended là bộ phim chứng minh cho độ hiệu quả thương mại của dòng phim screenlife, thì Searching là bộ phim khẳng định vị thế của thể loại này giữa thị trường điện ảnh.

Đi theo hành trình tìm kiếm con gái thất lạc của một người bố, Searching nhấn mạnh sự mất kết nối giữa hình ảnh mà những đứa con thể hiện với phụ huynh và hình ảnh chúng thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Bộ phim là một thành công khổng lồ tại phòng vé với hơn 100 triệu đô doanh thu toàn cầu với kinh phí sản xuất khoảng 1 triệu đô.

Profile (2018)

Trong quá trình điều tra về tổ chức ISIS, nhà báo Amy Whittaker lập ra một trang facebook với cái tên Melody Nelson. Sau khi được liên hệ bởi Bilel, một thành viên của ISIS, cô dần nảy sinh tình cảm với anh.

Profile thành công khi đã chứng minh được tiềm năng để kể những câu chuyện phức tạp mang đậm tính chính trị và tình người của thể loại screenlife, một thể loại mà tại thời điểm đó vốn chỉ xoay quanh phim kinh dị và giật gân.