"Nếu làm phim là xây nhà, làm phụ đề giống lót thảm" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
07 Thg 02, 2024
Điện Ảnh

"Nếu làm phim là xây nhà, làm phụ đề giống lót thảm"

Nguyên Lê nói về nghề dịch phim và dạy chúng tôi hát bài Trống Cơm bằng tiếng Anh.
"Nếu làm phim là xây nhà, làm phụ đề giống lót thảm"

Nguồn ảnh: Bobby Vũ cho Vietcetera

Nguyên Lê bắt đầu dịch phim năm 14 tuổi, những khán giả đầu tiên của anh là ba mẹ, dì dượng - những người lớn xem phim từ DVD và nghe Nguyên thuyết minh trực tiếp trên ghế sofa.

Gần 10 năm làm phóng viên và nhà phê bình phim tại Mỹ, Nguyên bất ngờ trở về với vai trò "kẻ phụ đề" cho loạt tác phẩm điện ảnh nước nhà. Trong năm qua, Nguyên tham gia làm phụ đề tiếng Anh cho 7 phim Việt bao gồm Tết ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn, Người Vợ Cuối Cùng... và một bộ phim điện ảnh sẽ ra rạp trong dịp Tết.

Một tiếng trò chuyện với Nguyên Lê vô cùng dễ chịu. Anh kể cho Vietcetera những công việc cần làm đằng sau dòng credit nhỏ cuối mỗi bộ phim và tương lai nghề biên dịch phim, trong thời điểm AI lên ngôi.

Chính xác thì dịch phim là dịch những gì anh Nguyên nhỉ?

Ồ.... Đối với Nguyên, dịch phim đúng nghĩa là dịch tiếng nói của nhân vật.

Chẳng hạn Tom Cruise trong Mission Impossible đi. Nguyên không chỉ dịch thoại mà Tom Cruise đã nói. Nguyên sẽ mường tượng là nếu Tom Cruise nói thoại đó trong tiếng Việt thì anh sẽ dùng những chữ gì, cấu trúc ra sao.

Thế còn khi dịch phim Việt, anh có tưởng tượng một nhân vật tương tự trong văn hóa phương Tây?

Nguyên luôn cố gắng không làm thế. Vì cái chính của phim Việt là đem ngôn ngữ và yếu tố Việt cho người nước ngoài xem. Mình dịch để mà giống như một nhân vật phương Tây thì người phương Tây sẽ hiểu được phim của mình, nhưng không hiểu được hết cái hồn, cái chất, cái văn hóa của mình.

Chẳng hạn như do văn hóa Việt của mình hay đúc kết, cô đọng lại một kinh nghiệm sống thành thơ hay châm ngôn, Nguyên sẽ cố gắng lồng yếu tố đó vào bản dịch.

Ví dụ trong bộ phim Kẻ Ăn Hồn:

“Chuyện này, sống để dạ, chết mang đi”.

“All you’ve heard, mute it as you live, bring it as you die.”

alt
Nguồn ảnh: Bobby Vũ cho Vietcetera

Vậy đâu là phần khó nhất trong nghề này?

Chắc chắn là dịch các đoạn chơi chữ và tiếng lóng của tiếng Việt mình.

Nguyên nói thật, "slang" và "wordplay" của mình chơi rất là hay. Chơi hay lắm! Thành ra làm như thế nào để người xem hiểu là biên kịch đang chơi chữ, và mình chơi theo thế nào để văn hóa bên kia hiểu luôn.

Chẳng hạn trong trường hợp của Tết ở Làng địa ngục và Kẻ ăn hồn, một dạng chơi chữ quen thuộc là những bài vè. Ví dụ một bài vè của Thị Lam.

"Nghe vẻ nghe ve,

nghe vè cái Tết.

Cả làng chết hết,

chúng tao cả mừng."

Nguyên cố gắng chọn những câu tiếng Anh có số tiếng tương xứng với bên tiếng Việt, có chất văn, chất thơ. Bản dịch cũng không được quá hoa mỹ khiến khán giả nước bạn xem không hiểu. Cuối cùng sau 4 tiếng đồng hồ, Nguyên đã ra được thành quả thế này:

"Hear ye hear ye,

a poem of Tet.

When all are dead,

we shall then feast."

Hay trong đoạn cuối tập 3 của Tết ở Làng Địa Ngục có bài Trống Cơm. Nguyên dịch Trống Cơm khớp âm bằng tiếng Anh để nếu mọi người muốn hát cũng có thể hát theo được.

"Tình bằng có cái trống cơm

Khen ai khéo vỗ

Ố mấy bông mà nên bông

Ố mấy bông mà nên bông."

Dịch thành:

"My love is a big drum

Fun when it beats

O joy on top of joy

O joy on top of joy."

Mọi người thử "cover" xem có được không? (cười)

alt
Nguồn ảnh: Bobby Vũ cho Vietcetera

Thử tưởng tượng một chút, nếu coi làm phim là xây nhà thì anh nghĩ việc làm phụ đề giống cái gì?

Ừm. (suy nghĩ) Nguyên nghĩ cái thích hợp nhất ở đây là công việc lót thảm.

Nhiều người xem phụ đề rồi mới hiểu được phim, từ nền văn hóa này bước qua rào cản ngôn ngữ để nhập vào nền văn hóa khác. Thế nên làm phụ đề giống như trải thảm mời người ta bước vào nhà mình vậy. Không trải thảm chỉ có sàn bê tông, đất cát gì đó, người ta sẽ rất là khó đi lại và không muốn khám phá thêm.

Nói vậy khán giả quốc tế đã đặt chân vào "nhà mình" chưa?

Chắc chưa đâu. Do rào cản ngôn ngữ nên văn hóa của người Việt được truyền tải qua điện ảnh rất hạn chế. Thậm chí ngôn ngữ Việt xuất hiện ở Hollywood còn cực kỳ thiếu chuẩn xác.

Nguyên ví dụ như phim The Quiet American (2002) của đạo diễn Phillip Noyce. Cái này chắc "spoil" một chút xíu. Ngay cái khúc cao trào nhất là nhân vật Thomas của Michael Caine biết được người bạn thân của mình biết nói tiếng Việt, ông nói một câu nôm na là: Bạn tôi nói tiếng Việt như tiếng bản xứ, nghĩa là nó là gián điệp từ trước đến giờ.

Trời, đoạn đó ông diễn quá hay luôn, hình như còn được đề cử một giải Oscar. Thế nhưng cứ mỗi lần phim cắt về cảnh nhân vật người bạn đang nói tiếng Việt mình không nghe được gì cả. Không nghe ra một câu nào!

Nhà làm phim Hollywood không biết tiếng Việt nên cứ làm đại vậy thôi. Họ cũng nghĩ là sẽ không có ai kiểm tra họ hết. Một mặt nào đó đây là một nỗi buồn dai dẳng của Nguyên.

Hollywood đến tận bây giờ vẫn nghĩ Việt Nam là rừng rậm, chiến tranh. Đúng! Mình có rừng rậm, có chiến tranh nhưng đó chỉ là một phần thôi. Cho nên khi phim Việt mình ra nước ngoài thì mình đang chứng minh được đất nước mình có những câu chuyện khác. Và mình có khả năng kể những câu chuyện khác.

Người dịch phim ở Việt Nam hiện nay có thể sống được với nghề?

Hiện tại đáng tiếc là không hẳn. Rào cản lớn nhất bây giờ là người ta vẫn coi công việc làm phụ đề là "phụ".

Nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam có cách làm phim đã cận với thế giới nhưng khâu phụ đề chỉ dừng ở mức “làm cho có”. Một bộ phim chiếu ở nước ngoài thì cách duy nhất để khán giả nước ngoài tiếp cận là đọc phụ đề, thế nhưng phụ đề lại thiếu chuẩn xác. Vậy khán giả phải làm sao? Họ sẽ có những suy nghĩ gì về kỹ năng hậu kỳ của nước mình? Về việc liệu mình có thật sự muốn cho thế giới thưởng thức điện ảnh Việt?

Đúng là công việc mình đang làm thuần nghệ thuật và giải trí, nhưng lớp bên dưới của nó là đưa văn hóa mình đi xa hơn. Chỉ một dòng chữ tí hon thôi mà người ta có thể biết thêm về nước mình. Bởi vậy Nguyên nghĩ dịch phim rất nên là một cái nghề có đồng lương xứng đáng để tồn tại được.

Anh có sợ công việc của mình sẽ bị Chat GPT "tranh mất”?

Sự xuất hiện của AI trong nghề này, Nguyên sẽ nói là đã có rồi. Nhưng trước cả khi có Chat GPT thì nhiều người đã rê phụ đề qua Google Translate rồi. Nhưng dịch như thế nào, khán giả đọc sẽ biết ngay.

Cho một bộ phim từng chiếu rạp của Việt Nam là Bẫy Ngọt Ngào, có một cảnh nhân vật của chúng ta đi xăm và thoại như thế này, “Anh ơi, bữa khác làm tiếp được không? Đau quá… Đến chữ nào rồi?”, và phụ đề tiếng Anh đọc như sau:

“Hey, can we continue to make it another day? That’s hurt… To which word?”

Một phiên bản không có lỗi chính tả và có độ dài vừa đủ để khán giả vừa đọc hiểu và xem kịp hình đã có thể là:

“Hey, can we do this later? It hurts… And which word are we on?”

Ý anh là AI sẽ không thay được người trong ngành này?

Nguyên mong là như vậy. Bao nhiêu công việc Nguyên đã làm đều "AI-free" mà mọi người đều rất thích.

Hiện tại "AI-free" là chân lý nghề mà bản thân Nguyên theo đuổi. Nhưng Nguyên cũng mong các bạn làm nghề cũng sẽ như thế. Nguyên biết những người làm phụ đề đi trước Nguyên họ cũng đã làm như thế. Cho nên cứ tiếp tục đi, tại vì con người tài năng mà! Dịch thuật cũng là nghệ thuật mà!