Singapore bỏ luật cấm nam giới quan hệ đồng tính | Vietcetera
Billboard banner

Singapore bỏ luật cấm nam giới quan hệ đồng tính

Sau nhiều nỗ lực của các nhà hoạt động, Singapore tiến bước tới một xã hội bình đẳng và thân thiện hơn với người đồng giới. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy.
Singapore bỏ luật cấm nam giới quan hệ đồng tính

Nguồn: The Global News

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 21/08, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố sẽ bỏ đạo luật 377A vốn nghiêm cấm quan hệ đồng giới nam. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự ủng hộ với định nghĩa truyền thống về hôn nhân và gia đình, đồng thời sẽ thúc đẩy việc đưa định nghĩa gia đình buộc phải có cả nam lẫn nữ vào hiến pháp của nước này.

Đây là một tin mừng không chỉ với cộng đồng LGBTQ+ tại Singapore, mà cả với những người đồng tính ở khu vực Đông Nam Á. Các tổ chức ủng hộ hôn nhân đồng giới và đa dạng tính dục tại Singapore đã hoan nghênh quyết định của ông Lý Hiển Long, và cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc đưa định nghĩa gia đình vào hiến pháp.

2. Nguyên nhân nào dẫn tới quyết định này?

Singapore là quốc gia nổi tiếng kém thân thiện với người đồng tính, và hôn nhân đồng giới vẫn sẽ là bất hợp pháp sau sự việc bãi bỏ 377A. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long tin rằng quyết định này không chỉ đúng đắn, mà còn là sự giải thoát đối với nhiều người Singapore.

Ông thừa nhận rằng xã hội Singapore đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, trong đó tôn trọng sự riêng tư và không gian riêng tư của con người. Đây cũng là lý do đầu tiên mà chính phủ Singapore đưa ra: rằng người dân đảo quốc này, dù ít hay nhiều, đã có góc nhìn khác về người đồng tính.

22aug2022126319295gettyimages1152833339jpg
Đã có nhiều nỗ lực vận động bãi bỏ luật 377A trong quá khứ. | Nguồn: BBC

Trên thực tế, đạo luật này đã không được áp dụng trong hơn một thập kỷ nay. Từ góc độ pháp lý, dường như Thủ tướng cũng như một số quan chức đã nhìn thấy điểm yếu của đạo luật này, và đưa ra dự đoán rằng sớm hay muộn thì tòa án cũng sẽ coi 377A là vi hiến. Vì thế, quốc hội Singapore đã chủ động đưa ra quyết định.

3. Thế còn lý do đưa khái niệm gia đình truyền thống vào hiến pháp?

Dù thừa nhận người đồng tính và gián tiếp bày tỏ sự ủng hộ với hôn nhân đồng giới, Thủ tướng Singapore cho rằng hình thức hôn nhân truyền thống chưa được phép thay đổi. Lý do lớn nhất là bởi sự thay đổi ấy sẽ có tác động khó lường tới xã hội nước này.

Theo ông, mô hình hôn nhân một nam một nữ là trụ cột của nhiều chính sách an ninh và xã hội của Singapore, từ nhà đất, giáo dục, an sinh xã hội, tới phân loại phim ảnh và các vấn đề văn hóa. Ông đại diện cho chính phủ bày tỏ sự ủng hộ với chức năng sinh sản và nuôi dạy con cái của gia đình truyền thống.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore coi đây là một biện pháp để cân bằng với quyết định bãi bỏ 377A nhằm trấn an những góc nhìn truyền thống, bảo thủ. Hai quyết định đi với nhau trở thành một thông điệp: rằng chính phủ tôn trọng quyền tự do của mỗi người, nhưng không để sự tự do ấy ảnh hưởng tới trật tự xã hội và quản lý dân cư.

4. Còn nước nào coi quan hệ đồng giới là phạm pháp?

Nếu không tính Singapore, hiện nay quan hệ tình dục đồng giới đang là vi phạm pháp luật ở 14 nước khu vực châu Phi và Trung Đông. Thế nhưng trong quá khứ, rất ít xã hội chấp nhận hôn nhân và quan hệ đồng tính, dù là phương Đông hay phương Tây.

Một thống kê cho thấy trên 70% các nước có lệnh cấm như Singapore từng là thuộc địa của Anh. Bản thân luật 377A tại Singapore do thực dân Anh đặt ra từ năm 1938. Thực tế, 377A là một sự sao chép từ đạo luật 377 tại Ấn Độ với nội dung tương tự và cũng do người Anh biên soạn.

22aug2022merlin1301269557be4d86c57c84b689f1e43a862454165jumbojpg
Ấn Độ đã bỏ luật 377 vào năm 2018. | Nguồn: The New York Times

Thế nhưng ngay cả khi chính nước Anh đã bãi bỏ luật này, vẫn cần rất nhiều thời gian để các nước cựu thuộc địa thay đổi chính sách. Trước Singapore, Ấn Độ đã bỏ luật 377, trở thành sự cổ vũ về mặt tinh thần và hỗ trợ về mặt pháp lý cho không chỉ Singapore mà cho cả cộng đồng LGBTQ+ toàn cầu.

5. Sự "thoát thuộc địa" tiếp diễn ở đâu ngoài hôn nhân đồng giới?

Trong nhiều năm, các nước cựu thuộc địa tại Đông Nam Á và châu Phi đã có nhiều nỗ lực gạt bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của đế quốc từng cai trị mình. Sự việc bãi bỏ 377A tại Singapore vừa nằm trong trào lưu dân chủ trên toàn thế giới, vừa nằm trong làn sóng thoát thuộc địa tại châu Á.

Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật thành công trong chủ đề này ở nhiều nước Đông Nam Á. Không dừng lại ở việc tố cáo tội ác của thực dân, các tác phẩm này cung cấp những góc nhìn địa phương về lịch sử và phần nào đưa ra một kế hoạch loại bỏ tàn dư đô hộ ra khỏi xã hội.

Điều này tất nhiên không đồng nghĩa với việc mù quáng gạt đi tất cả mọi thứ - tự dưng bây giờ lại cấm bánh mì thì nhiều người buồn. Việc giải thuộc địa phải thực hiện trên sự xem xét kỹ lưỡng về các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị có tính thực dân và vai trò của chúng trong xã hội.