Mảng xanh và nghệ thuật tại Singapore qua góc nhìn Audrey Lê, người trong ngành thiết kế nội thất. | Vietcetera
Billboard banner

Mảng xanh và nghệ thuật tại Singapore qua góc nhìn Audrey Lê, người trong ngành thiết kế nội thất.

Công thức mới cho nền nghệ thuật và thiết kế tại Singapore, thủ phủ công nghệ của châu Á.

Mảng xanh và nghệ thuật tại Singapore qua góc nhìn Audrey Lê, người trong ngành thiết kế nội thất.

Nguồn: Audrey Le cho Vietcetera.

Không chỉ là một quốc gia đi đầu trong công nghệ, Singapore còn là một đảo quốc với lịch sử được viết lên từ nhiều dân tộc. 

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Audrey Le, đang làm việc trong ngành nội thất và đã sinh sống tại Singapore 16 năm, về không gian thiên nhiên và xu hướng thẩm mỹ tại đảo quốc này.

Công việc hiện tại của Audrey là gì?

Sinh sống ở Singapore 16 năm, Audrey đã từng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, Audrey đang làm Proposal Coordinator tại Unispace, một công ty chuyên thiết kế không gian làm việc. 

Bên cạnh đó, Audrey còn là một người cầm cọ nhạy cảm với thiên nhiên. Những bức tranh vẽ hoa và lá của Audrey luôn có một sự tỉ mỉ, sắc sảo trong đường nét và màu sắc.

Hình vẽ của Audrey Le
Nguồn: Audrey Le cho Vietcetera.

Đại dịch vừa rồi đã có những ảnh hưởng gì đến ngành thiết kế?

Do hạn chế di chuyển, tiến độ thi công luôn bị chậm. Nhiều khách hàng đã quyết định điều phối lại ngân sách cho những khủng hoảng trong công ty họ. Dù số lượng dự án có giảm đi, nhưng Audrey nghĩ đây cũng là một nốt trầm nên có. 

Sau khi đại dịch qua đi, xu hướng thiết kế không gian làm việc đã thay đổi sang mô hình không gian mở. Tại Singapore, các công ty bắt đầu thay đổi công thức để tạo ra một bộ máy vận hành và quản lý xoay quanh sự tương tác của nhân viên. Những “chiếc hộp” và kiểu văn phòng truyền thống dần biến thành những bàn làm việc chung. Các vách tường được bỏ đi để ánh sáng có thể tràn ngập khắp không gian.

Vậy còn về tính thẩm mỹ?

Ở phương diện thẩm mỹ, Audrey nhận thấy xu hướng hiện tại ở Singapore xoay quanh 3 yếu tố: bền vững, xanh và vui khỏe. Nhãn tiền nhất là khi các nội thất gỗ cồng kềnh và khoa trương được thay thế bằng những bộ bàn ghế đơn giản giữa một không gian xanh. 

Audrey cũng nhận thấy sự đổi mới trong tiêu chuẩn thẩm mỹ ở Singapore diễn ra một cách toàn diện. Chính phủ Singapore đã và đang có những chính sách phát triển đất nước thành một “Thành phố giữa Thiên nhiên”. Những mảng bê tông nhường chỗ lại cho những thảm xanh. Những khu rừng, khu bảo tồn và vườn bách thảo đang dành được nhiều sự quan tâm đặc biệt hơn trước. Hai tòa nhà văn phòng có thiết kế xanh Audrey nghĩ đến là Capital Green và MBFC (Marina Bay Financial Centre).

MBFC
Một góc Marina Bay Financial Centre. | Nguồn: Marina Bay Financial Centre. 

Điều kiện tự nhiên ở Singapore khá ôn hòa, nắng mưa hòa thuận. Do đó, việc chăm sóc cây cối được hỗ trợ rất nhiều để phát triển mảng xanh cho thành phố. Audrey tin là Singapore sẽ còn chuyển mình nhanh và “xanh” hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Còn tính thẩm mỹ trong hội họa thì sao, Audrey?

Rất “kỹ thuật số và mang tính công nghệ”! Phân khúc đồ họa và minh họa được mọi người quan tâm đặc biệt. 

Mặt khác, Singapore là một nơi nhiều nền văn hóa va chạm với nhau. Những ý tưởng từ nhiều quốc gia trên thế giới đến hội tụ tại Singapore, tạo ra một sự đa dạng và đặc sắc trong văn hóa của đất nước. Nhìn chung, công nghệ và kỹ thuật số đã mang đến cho những giá trị văn hóa và nhân loại những định dạng và hình thức mới. 

Chính phủ Singapore có những khoảng hỗ trợ cấp quốc gia trong việc phát triển nghệ thuật. Họ sẽ tạo điều kiện cho những tài năng đến Singapore để triển lãm, học hỏi và lấy cảm hứng cho sáng tác. Do đó, nghệ thuật ở Singapore song hành với sự phát triển của công nghệ. Như một minh chứng cho điều này, Tuần lễ Nghệ thuật Singapore 2021 đã mang đến nhiều tác phẩm mang tính đột phá. 

Những khoản hỗ trợ từ quỹ của chính phủ Singapore không có giới hạn về lĩnh vực. Nhiều khoản hỗ trợ đến từ Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National Art Council) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia (National Youth Council). Bên cạnh đó, các tổ chức tư nhân cũng đưa ra nhiều chương trình cho các nghệ sĩ toàn thế giới. Hình thức sáng tác có thể là hội họa, sân khấu, âm nhạc,... Audrey cũng từng làm những dự án nghệ thuật, mời các nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ đến Singapore giao lưu và triển lãm. 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những chương trình liveshow được tổ chức tại Singapore ngày một nhiều trên phố Orchard. Một khi du lịch trở lại, Audrey nghĩ đây cũng là hình thức giải trí thu hút du khách tức thì.

Có phải Singapore đã có nâng cấp mặt bằng kỹ thuật công nghệ lên một tầng khác sau khi trải qua đại dịch không?

Những công nghệ về cảm biến và cảm ứng không chạm đã được phát triển từ lâu. Tuy nhiên, sau đại dịch vừa rồi, những nền tảng đó mới được áp dụng trên vĩ mô trong một khoảng thời gian rất cấp bách.

Cái Audrey nhìn thấy phía sau là những nỗ lực của tất cả mọi ngành. Kể cả nội thất cũng phải thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu mới về thiết kế tiếp xúc. Chính phủ Singapore đã rất quyết liệt trong việc thực thi các chính sách đối phó dịch COVID và cả phục hồi kinh tế. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ một cách nhanh chóng vào mọi ngành.

Và cũng nhờ công nghệ mà Singapore đã kiểm soát được dịch bệnh và từ tốn mở cửa lại biên giới. Mọi thay đổi ở Singapore vừa rồi sẽ mang lại những trải nghiệm mới, kể cả đối với người địa phương, về tính chất cũng như sự an toàn.

Vậy đâu là một không gian nghệ thuật phải-trải-nghiệm khi đến Singapore?

Ở Singapore, hội chợ nghệ thuật và triển lãm kể ra không hết đâu (cười). 

Audrey Lê tại Singapore Art Week
Audrey Lê tại buổi workshop vẽ minh họa của Apple tại Singapore Art Week. | Nguồn: Audrey Le cho Vietcetera.

Để hiểu được về nền nghệ thuật Singapore một cách trọn vẹn, Audrey nghĩ mình không thể bỏ qua Nhà Trưng bày Quốc gia Singapore (National Gallery Singapore). Khai trương vào cuối năm 2015, nơi này sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật Singapore và Đông Nam Á lớn nhất thế giới với hơn 9000 tác phẩm. Trong khuôn viên của Nhà Trưng bày là Tòa nhà Tòa án Tối cao và Tòa Thị chính. 

Lễ hội Ánh sáng tại Nhà Triển Lãm Quốc gia
National Gallery Singapore Light Festival, Lễ hội Ánh sáng thường niên được tổ chức tại nhà trưng bày lớn nhất Singapore. | Nguồn: National Gallery Singapore.

Họa sĩ ưa thích của Audrey chính là Georgette Chen. Bà là một họa sĩ người Singapore được biết đến với những bức tranh sơn dầu theo phong cách Hậu Ấn tượng vào đầu thế kỷ 20. Là người tiên phong của nghệ thuật thị giác ở Singapore, bà đã góp phần khai sinh ra phong cách nghệ thuật Nanyang ở Singapore. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên giảng dạy tại Học viện Mỹ thuật Nanyang (NAFA) khi gia nhập vào năm 1954. 

Georgette Chen, Chân dung gia đình
"Toàn gia phúc", Chân dung gia đình, Georgette Chen. Chất liệu: sơn dầu trên canvas. | Nguồn: Art & Object.
Georgette Chen, Cậu bé Satay
"Cậu bé Satay", Georgette Chen. Chất liệu: sơn dầu trên canvas. | Nguồn: Asia Journeys.

Bên cạnh đó, còn nhiều cái tên không thể bỏ qua và Audrey rất mong biên giới được mở cửa trở lại để công chúng có thể tự mình khám phá Singapore!

Only in Singapore: là series nơi chúng tôi nhìn vào cuộc sống “bình thường mới” tại Singapore - một trong những quốc gia đứng đầu Bảng xếp hạng khả năng chống dịch Covid của Bloomberg, và cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.