Socially awkward là gì mà khiến bạn bối rối khi giao tiếp? | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 06, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Socially awkward là gì mà khiến bạn bối rối khi giao tiếp?

Socially awkward là một cảm giác lúng túng thường gặp khi giao tiếp, nhưng thường gây lo lắng vì một số điểm chung với tính hướng nội, lo âu xã hội và tự kỷ.
Socially awkward là gì mà khiến bạn bối rối khi giao tiếp?

Socially awkward là gì? | Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera.

Ngồi trên cuốc xe ôm công nghệ, bác tài bắt chuyện rất nhiệt tình nhưng bạn không biết phải tiếp lời làm sao.

Dù rất muốn thêm đồ ăn giữa chừng, bạn cứ chần chừ không muốn gọi bồi bàn vì ngại.

Điểm chung của hai ví dụ trên là tính chất giao tiếp rất đơn giản nhưng lại khiến bạn cảm thấy rất khó xử. Cảm giác lúng túng trong giao tiếp hàng ngày như vậy gọi là “socially awkward”.

Socially awkward là gì?

“Socially awkward” (tạm dịch: lúng túng trong giao tiếp) chỉ là một cảm giác bị “lạc quẻ” với những người khác trong bối cảnh giao tiếp nào đó. Do không có bất cứ định nghĩa cụ thể cũng như tiêu chí chẩn đoán y tế nào nên socially awkward đơn thuần thiên về tính cảm giác.

Socially awkward cũng có thể là một tập hợp nhiều cảm xúc và trải nghiệm khác nhau hình thành nên một khuôn mẫu phản ứng với xã hội của bạn.

Socially awkward là gì
Socially awkward là khi bạn thấy mình “lạc quẻ” với những người khác trong giao tiếp, đây đơn thuần thiên về tính cảm giác.

Theo nhà tâm lý học Ty Tashiro, những người rơi vào socially awkward thường có những biểu hiện như sau:

  • Không nhận thấy những kỳ vọng xã hội nhỏ, chẳng hạn như chào hỏi tự nhiên hoặc biết lúc nào thì đến phiên mình tiếp lời. 
  • Cảm thấy khó xử trong các tình huống xã hội thông thường.
  • Kém nhạy bén hoặc tinh tế hơn khi cư xử trong giao tiếp xã hội.

Từ những biểu hiện này, nhìn chung socially awkward bắt nguồn từ việc không nắm được những tín hiệu giao tiếp trong ngữ cảnh, hiểu nhầm hoặc không để ý được ngôn ngữ cơ thể của người khác.

Socially awkward là gì
Cảm giác socially awkward không hoàn toàn là bất lợi.

Tuy nhiên, cảm giác socially awkward không hoàn toàn là bất lợi. Trái lại, giáo sư Ty Tashiro còn kết luận những người dễ socially awkward lại có những ưu điểm nổi bật sau đây:

  • Có những góc nhìn khác biệt, mang lại những đóng góp mới lạ và sáng tạo.
  • Có thể tập trung cao độ hơn thông thường.
  • Thường nhiệt tình với việc nghiên cứu mọi thứ theo hệ thống. Họ thích đào sâu từng thành phần, sau đó tổng hợp và kết luận tư duy của mình theo phương pháp cụ thể. Cũng vì vậy mà những người ngại ngùng với xã hội có xu hướng vượt trội trong các ngành toán học, khoa học và công nghệ.

Phân biệt socially awkward với các dạng tính cách và hội chứng xã hội khác

Socially awkward là một cảm giác thường gặp, nhưng vì những điểm chung với một số tính cách và các hội chứng gây khó khăn trong việc kết nối xã hội mà nhiều người thường cảm thấy lo lắng về nó. Một số cách phân biệt dưới đây sẽ giúp bạn bớt hoang mang hơn.

Socially awkward và tính hướng nội (introversion)

Hướng nội và hướng ngoại là hai khái niệm lần đầu được mô tả bởi nhà tâm lý học Carl Jung, mô tả cách một người tập trung và sử dụng năng lượng của mình. Những người hướng nội nạp năng lượng qua việc tương tác với thế giới nội tâm bên trong. Đồng thời, họ cũng yêu thích việc chỉ có một vài người thân và đa phần thoải mái khi ở một mình.

Socially awkward và tính hướng nội
Điểm chung giữa socially awkward và tính hướng nội đều là đặc điểm tính cách chứ không phải chứng bệnh.

Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học Ellen Hendriksen, điểm chung giữa socially awkward và tính hướng nội đều là đặc điểm tính cách chứ không phải chứng bệnh. Tuy nhiên, người hướng nội không hẳn không ý thức được hay sợ hãi với những dấu hiệu giao tiếp thông thường, họ chỉ đơn giản ưu tiên những thứ khác quan trọng hơn như suy nghĩ của bản thân.

Vì socially awkward là một hiện tượng tâm lý tự nhiên nên người hướng ngoại vẫn có thể trải qua tình huống này trong cuộc sống thường ngày.

Socially awkward và chứng lo âu xã hội (social anxiety)

Nếu socially awkward có thể được coi như một phản ứng để né tránh giao tiếp tạm thời, chứng lo âu xã hội lại là một bệnh lý có thể gây suy yếu khả năng giao tiếp nghiêm trọng.

Socially awkward và lo âu xã hội
Socially awkward có thể chỉ là một phản ứng né tránh giao tiếp tạm thời, còn chứng lo âu xã hội lại là một bệnh lý gây suy yếu khả năng giao tiếp.

Theo Viện Lo âu Xã hội, chứng lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder – SAD) là trạng thái căng thẳng cảm xúc dữ dội, tái diễn thường xuyên trong giao tiếp. Những cá nhân với SAD sẽ thường xuyên cảm thấy các triệu chứng vật lý như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, miệng khô khan,... khi giao tiếp.

Nếu những người có socially awkward cảm thấy sự lúng túng của mình không nhất thiết phải được cân nhắc thì những người bị SAD lại rất cần được lưu tâm đến những biểu hiện lo âu để có sự cảm thông và điều trị phù hợp.

Socially awkward và tự kỷ (autism)

Mặc dù cả socially awkward và tự kỷ đều có điểm chung là lúng túng trong các hoàn cảnh giao tiếp, nhưng tự kỷ là một chứng rối loạn có phạm vi rộng hơn rất nhiều. Những biểu hiện của tự kỷ dao động trong một phổ và thường bao gồm:

  • Khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc
  • Tránh né giao tiếp bằng mắt, đặc biệt là khi còn trẻ
  • Hành vi lặp đi lặp lại mà không ý thức được
  • Tránh né hoặc phản kháng với sự tiếp xúc vật lý (ví dụ như ôm)
  • Khó khăn về giao tiếp
  • Khó chịu vì những thay đổi nhỏ
  • Thể hiện sự nhạy cảm mãnh liệt với các kích thích
Socially awkward và tự kỷ
Socially awkward và tự kỷ đều có điểm chung là lúng túng trong các hoàn cảnh giao tiếp.

Ngoài ra, những người tự kỷ dạng nặng còn gặp rắc rối với việc suy giảm nhận thức, khiến họ chật vật với cả những hoạt động sinh hoạt, học tập hằng ngày khi không có người hỗ trợ bên cạnh.

Có thể nói, những người tự kỷ đều có socially awkward, nhưng những người socially awkward không phải ai cũng bị tự kỷ. Hiện nay, tự kỷ cần được nhìn nhận bao dung và tích cực từ cộng đồng, xã hội để giảm bớt áp lực đối với những người không may rơi vào chứng rối loạn phát triển này.