Sống chung thời đại dịch: Làm sao để yêu thương? | Vietcetera
Billboard banner

Sống chung thời đại dịch: Làm sao để yêu thương?

Ngày nào cũng phải nhìn mặt nhau, yêu mấy rồi cũng chán!

Sống chung thời đại dịch: Làm sao để yêu thương?

Nếu không có trận đại dịch này, nhiều gia đình còn không có cơ hội ăn chung bữa cơm gia đình mỗi ngày. | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Giãn cách xã hội đã chẳng phải điều gì quá lạ lẫm với tôi, và có lẽ với phần lớn dân thành phố. Work-from-home với những cuộc họp, những buổi gặp gỡ và những lớp học trực tuyến đã ăn sâu vào thói quen của một bộ phận người đô thị. 

Việc ở nhà lâu ngày do giãn cách xã hội đã phần nào gây nên những tác động tâm lý. Giới nghiên cứu đã cảnh báo trước một số vấn đề mà người ở nhà lâu ngày sẽ gặp phải: mắc bệnh trầm cảm, có xu hướng nghĩ đến tự sát, và bạo lực gia đình

Dễ hiểu tại sao các vấn đề tâm lý cá nhân lại xuất hiện trong dịch bệnh. Nhưng tại sao bạo lực gia đình có thể xảy ra, với tần suất ngày càng cao? 

Qua thời gian, khái niệm "người thân" đã không còn như cũ

Sống trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, ta có thể chứng kiến một hiện tượng thường gặp, đấy là người thân trong gia đình hiếm khi gặp mặt nhau trong ngày. Mỗi người có một công việc riêng, và một lịch trình sinh hoạt riêng. 

Đây cũng là hệ quả của sự tan vỡ mô hình truyền thống (3 thế hệ trở lên sống chung với nhau) và sự lên ngôi của gia đình hạt nhân (hai thế hệ sống với nhau, bao gồm một cặp vợ chồng cùng con nhỏ). Nếu không có trận đại dịch này, nhiều gia đình còn không có cơ hội ăn chung bữa cơm gia đình mỗi ngày. 

Song phải gặp nhau quá thường xuyên vì mọi thành viên đều làm việc tại nhà, thói quen sinh hoạt sẽ đảo lộn. Nhiều người sẽ cảm thấy xa lạ với việc chia sẻ không gian cá nhân của mình với người thân.

Đại dịch, chúng ta sẽ bất ngờ khi suy ngẫm khái niệm “người thân” và thấy nó đã thay đổi: Đó là những người chia sẻ chung dòng máu, và dừng lại ở đó. 

Gia đình “đoàn tụ” 24/7, những vấn đề gì nảy sinh?

Sự ngượng ngùng khi phải giao tiếp lặp đi lặp lại với những thành viên khác của gia đình sẽ biến thành bất đồng. Đặc biệt là khi không gian cá nhân của mỗi người bị xâm phạm.

Không có đại dịch thì tôi cũng đã từng xích mích với mẹ và bà vì họ hay tự tiện mở cửa phòng tôi và chê bai “phòng con như cái ổ lợn”. Giữa đại dịch, tính riêng tư còn giảm xuống nữa, vì 5-6 con người phải chia sẻ một không gian đô thị nhỏ hẹp.

Với những gia đình nằm trong trạng thái “cơm không ngon, canh không ngọt”, việc phải ở với nhau cả ngày là một thảm hoạ. Nếu như trước đây mọi người ra ngoài đi làm và bạo lực chỉ xảy ra trong một khung giờ nhất định, thì trong trạng thái giãn cách xã hội, bạo lực xảy ra bất cứ lúc nào với mật độ dày đặc hơn. Khó khăn kinh tế càng thổi bùng thêm cơn giận. 

Bị cô lập nhiều ngày trong nhà, đời sống mất đi tính riêng tư, lại còn phải tham gia vào những hội thoại lặp đi lặp lại với từng đấy con người… Cũng dễ hiểu nếu bạn gặp phải vấn đề tâm lý trong giai đoạn này.

Gặp nhau quá thường xuyên khiến thói quen sinh hoạt đảo lộn.

Bạn có thực sự “yêu thương” gia đình?

“Yêu thương” là cụm từ chúng ta thường dùng trong đời sống thường nhật, để chỉ một tập hợp xúc cảm phức tạp khi nói đến gia đình. Song, trong trạng thái cabin fever của thời đại dịch, chúng ta ít nhiều phải nghi ngờ tình cảm của mình. 

Trong triết học đương đại, “yêu” và “thương” là hai khái niệm triết học khác nhau, với nội hàm rất phong phú. Nếu bạn đã phải giam mình trong nhà đủ lâu để nghi ngờ cảm xúc “yêu thương”, hãy cùng đến với triết học để hi vọng được gỡ rối phần nào. 

Thế nào là "tình yêu"?

Với hai nhà nhân học Anne E. Beall và Robert J. Sternberg trong nghiên cứu của mình - The Social Construction of Love, tình yêu được định đoạt bởi văn hoá của từng quốc gia và tộc người, song nó có một ý nghĩa phổ quát: Hướng về cá nhân. Khi ta yêu, tình cảm ấy hướng đến việc thoả mãn cái tôi của bản thân nhiều hơn là thật sự dành tình cảm cho người khác. 

Trong tình cảm đôi lứa, có thể nói thực tế là bạn yêu tái hiện (representation) của đối tác bên trong đầu mình nhiều hơn là con người họ bằng xương bằng thịt. Tái hiện đó tạo ra sự thoả mãn về cả cơ thể lẫn cảm xúc. Tình yêu dễ dàng bị xô đổ khi hình ảnh người yêu ta ngoài đời thật không còn trùng khớp với tái hiện trong đầu ta nữa. 

Vì lẽ này, ta sẽ thấy tình yêu không hẳn là trùng khớp với thứ tình cảm ta dành cho bố mẹ, ông bà và những người anh em trong gia đình.

Tình cảm gia đình gần hơn với "tình thương"

“Thương” là một từ rất đa nghĩa trong tiếng Việt. “Care” là từ sát nghĩa nhất với “thương” trong tiếng Anh. 

Nhà xã hội học Joan Tronto ghi trong nghiên cứu của mình - An Ethic of Care, tình thương hướng về những người khác không phải ta. Nó mang một loạt những sắc thái, bao gồm sự quan tâm và sự chăm sóc. Như vậy, bản thân thứ tình cảm này không lấp đầy khoái cảm của bản thân ta, trái lại, còn yêu cầu ta phải hi sinh vì người thân của mình. Vì lý do này, trong nhiều trường hợp, tình thương gắn liền với sự khó chịu, thâm chí là gánh nặng. 

Nhìn vào cuộc đời của ông bà và bố mẹ, những người dành mọi thứ tốt nhất cho cuộc sống của thế hệ sau, tôi có thể cảm nhận được tính chất hi sinh và gánh nặng của tình thương. Dân gian hiếm khi có thành ngữ nào ít đau đớn về tình cảm gia đình: “Mang nặng đẻ đau”, “Cá chuối đắm đuối vì con”, v.v. 

Là người con của một gia đình nặng truyền thống, tôi nhận ra sự sinh ra và trưởng thành của mình đã được đánh đổi bằng tuổi trẻ, sức khoẻ và lao động của cha mẹ.

Ở khoảnh khắc cảm thấu được tình thương gia đình, tôi muốn vứt bỏ cái tôi và hi sinh những gì mình có thể cho gia đình. Lối suy nghĩ này giúp tôi được chữa lành, khi quan hệ gia đình rơi vào trạng thái căng thẳng. 

Tình cảm gia đình gần hơn với "tình thương".

Trong tình huống khó khăn, cần tình yêu hay tình thương?

Tôi cho rằng con người luôn cần cả tình yêu và tình thương. Đó là lý do vì sao ta hay gộp “yêu thương” thành một cụm. Song trong những tình huống thảm hoạ như Covid-19, ta cần tình thương nhiều hơn. Ta cần hạ lợi ích cá nhân của mình xuống thấp một chút, để tất cả được sống chung nhau một cuộc đời bền vững. 

Thật không phải khi chia sẻ trải nghiệm từ một đứa con của một gia đình lành lặn, khi bên ngoài kia có biết bao gia đình phải sống trong cảnh độc hại. Song tôi nghĩ, hiểu được bản chất của tình thương khiến cuộc sống của ta bớt khổ hơn một chút. 

Ta sẽ hiểu rằng, dịch bệnh và bấp bênh kinh tế là những nỗi khổ của chung. Thảm hoạ khiến hình hài của nhiều mối quan hệ, bao gồm tình cảm gia đình, bị biến dạng. Song khi hạ mình xuống một chút, mọi hành động thiện tâm của ta đều hướng về người khác, và sự hi sinh của người thân cũng là hướng đến ta. 

Triết lý của tình thương giúp ta thấu hiểu cảm xúc của nhau, và chia sẻ những gánh nặng đại dịch cùng nhau. Những vết thương tâm lý cần phải được hàn gắn ở cả cấp độ cá nhân, và cấp độ gia đình, cộng đồng… 

Làm sao để yêu thương trong thời đại dịch?

Ăn chung bữa cơm gia đình

Giãn cách xã hội là dịp để chúng ta cùng quay lại các giá trị truyền thống. Dẫu biết xã hội thay đổi từng ngày, và một số thực hành truyền thống như gia đình quây quần bên bát canh, nồi cá không còn phổ biến ở hiện tại. Song trong tình thế tính bình thường cũng phải làm mới, tại sao không thử làm sống lại bữa cơm đầm ấm vốn đã bị lối sống hiện đại coi là bất thường nhiều năm nay? 

Ăn chung một mâm cơm không chỉ có nghĩa là mọi thành viên gia đình cùng dùng bữa. Đây là cơ hội để ta giãi bày những điều muốn tâm sự với gia đình và ngược lại, biết đâu bố mẹ cũng có điều thầm kín muốn nói với mình.

Trong những bữa ăn ngày giãn cách xã hội, tôi đã lấy cả ruột gan mình ra trong những cuộc trò chuyện gia đình. Tôi nói về công việc, về mơ ước, về tình yêu… những thứ tôi chưa từng tâm sự với người lớn. Và lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết gia đình vẫn luôn yêu thương và theo dõi thành quả đứa con của gia đình đạt được.

Một lý do có tính sinh học khi ngồi cùng mâm cơm đấy là ta được “nắn” lại nhịp sinh học, cốt để không ốm yếu khi ngồi nhà quá lâu.

Giãn cách xã hội là dịp để chúng ta cùng quay lại các giá trị truyền thống.

Tập thể dục cùng nhau

Tâm sự với bố, tôi mới biết bố mình có niềm đam mê xe đạp. Dịch bệnh không được ra khỏi nhà và “phượt” trên những cung đường mấy trăm cây số, bố tôi đặt mua một cái giá đỡ bánh sau của chiếc xe. Nó sẽ tạo ra lực ma sát với bánh, để ngồi đạp xe một chỗ thì lực cần thiết đôi chân phải tạo ra để xe lăn bánh ngang bằng so với đạp xe ngoài đường. 

Nhà tôi ở giữa phố cổ, không gian nhỏ hẹp, nên ngoài tập “món” đạp xe của bố ra thì gia đình không có lựa chọn nào khác. Vậy là chúng tôi có cách “bonding” gia đình đặc biệt: Chia giờ đạp xe. 

Mẹ tôi sẽ dậy từ sớm, đạp xe từ 5 đến 6 giờ sáng, sau đó ăn sáng và mở máy làm việc. Em gái tôi tập từ 8 đến 9 giờ sáng rồi lên phòng học bài. Do đặc thù công việc, bố tôi vẫn phải đến công ty, vì thế bố tập xe từ 5 đến 7 giờ tối. Đó cũng là thời gian tôi tập xe cùng bố, vì hai bố con có nhiều chuyện để nói với nhau. 

Giao tiếp phi bạo lực

Giao tiếp phi bạo lực (nonviolence communication) là một thực hành ngôn ngữ yêu cầu chúng ta để tâm đến cả cách nói năng và kỹ năng lắng nghe người khác. Về cơ bản, sự giao tiếp là thực hành cơ bản giúp con người tồn tại từ thời tiền sử đến nay. Ta giao tiếp để chia sẻ tài nguyên thiên nhiên và nhận sự trợ giúp của đồng loại.

Nhưng không phải lúc nào sự giao tiếp ấy cũng diễn ra suôn sẻ. Đôi lúc chúng ta quá vô tâm để nhận ra ngôn từ của mình có thể khiến người khác tổn thương. Giao tiếp phi bạo lực cho phép ta ngập ngừng một chút trước khi lên tiếng. Giây phút ngập ngừng đó là lúc ta nhìn lại vào cái tâm của mình, xem từ ngữ nào phù hợp để nói ra. 

Đây cũng là cách con người chữa lành tâm lý dễ tổn thương của mình. “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” giúp ta xỏ chân vào đôi giầy của người đối diện và thấu hiểu tâm can của họ. Kết quả, ta nhìn được nỗi đau của người khác và để người khác nhìn thấy nỗi đau của mình. Đây là khả thể để cả hai bên cùng xoa dịu lẫn nhau. 

Giao tiếp phi bạo lực giúp chữa lành tâm lý.

Kết

Nhốt mình trong không gian kín hàng chục ngày liên tiếp chưa bao giờ là dễ dàng. Sự khó khăn còn gấp bội khi ta phải chia sẻ không gian nhỏ bé ấy với nhiều người khác.

Nhưng tôi tin rằng khó khăn này có thể vượt qua, khi ta thấu hiểu và chia sẻ nỗi chịu thương chịu khó với gia đình. Đây cũng là điều mà trước đại dịch ta hiếm có cơ hội thực hiện, vì áp lực của đời sống kim tiền bủa vây. 

Thương Thân là loạt bài viết giúp bạn nâng cao sức khỏe tâm thần và chăm sóc bản thân tốt hơn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.