SoundCloud - Cứu tinh của nghệ sĩ indie? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 03, 2021

SoundCloud - Cứu tinh của nghệ sĩ indie?

SoundCloud được kỳ vọng sẽ “tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp âm nhạc”. Nhưng có thực SoundCloud sẽ giúp các nghệ sĩ “sống bằng đam mê”?
SoundCloud - Cứu tinh của nghệ sĩ indie?

Nguồn: TechCrunch & UnSplash

Từ ngày 01/04, SoundCloud, nền tảng nhạc trực tuyến mà Kiên Trịnh nói lời từ biệt năm ngoái, sẽ chính thức triển khai cách tính phí bản quyền mới.

Mô hình này được khẳng định là công bằng hơn, đặc biệt là với các nghệ sĩ indie. “Người dùng nghe nhạc của nghệ sĩ nào thì tiền phí sẽ được trả về cho chính nghệ sĩ đó”.

Những câu chữ này tạo xúc động mạnh cho nhiều người trong ngành, song lại gây ra không ít khó hiểu: Chẳng phải là trước nay mình nghe nhạc của ai thì người đó được hưởng? Hay là không còn được nghe nhạc miễn phí trên SoundCloud nữa?

Nhạc miễn phí thì vẫn còn. Tuy nhiên, “Không! Cách tính phí bản quyền của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hiện nay không công bằng.” - Một loạt các nghệ sĩ tại Anh Quốc trong chiến dịch #BrokenRecord lên tiếng.

Đến nay chiến dịch vẫn liên tục ghi nhận những lời tâm sự rằng không phải cứ “lên được Spotify hay Apple Music là đi lượm tiền”. Con số thực tế rất “bèo bọt” cho các nghệ sĩ “nhỏ”.

Vì vậy, SoundCloud được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc. Nhưng có thực là SoundCloud sẽ giúp các nghệ sĩ “sống bằng đam mê”?

Phí bản quyền trả cho các nghệ sĩ trước nay được tính như thế nào?

Hầu hết các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đều đang trả tiền cho bên nắm bản quyền âm nhạc (nghệ sĩ/công ty thu âm) bằng mô hình “pro rata”, nghĩa là doanh thu mà tất cả các nghệ sĩ tạo ra ở mỗi tháng sẽ được cộng tổng, sau đó chia theo tỷ lệ phần trăm lượt streams.

Ví dụ, nếu doanh thu tháng 2 của Apple Music là $1000, trong đó 10% số lượt streams thuộc về các bài hát của Taylor Swift, thì tháng đó, Republic Records, bên giữ bản quyền các bản thu của Taylor, sẽ nhận được $100.

Trong mô hình này, người được lợi nhiều nhất là các ngôi sao đã nổi và có một lượng fan hùng hậu. Họ thậm chí nhận được tiền từ những người thậm chí không nghe nhạc của họ, nhờ lượt stream chiếm áp đảo.

Giả sử, bạn và mẹ đều trả $10 dịch vụ mỗi tháng. Bạn là fan của Taylor nên bạn phát nhạc của Taylor suốt tuần, suốt tháng. Mẹ của bạn thì chỉ nghe Tuấn Ngọc, Như Quỳnh vào cuối tuần để thư giãn. Khi đó, $10 của mẹ bạn nhiều khả năng sẽ được trả cho Taylor, chứ không phải nghệ sĩ yêu thích của bà.

stylewidth 100 height auto important maxwidth 960px msinterpolationmode bicubic Infographic MusicStreaming Who Pays Best Statista
Mức phí trung bình trên từng lượt stream của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay. Con số được quy đổi về từng lượt stream chỉ để dễ dàng so sánh, chứ không đồng nghĩa với việc "các nền tảng tính phí bản quyền theo lượt stream của người nghe".

Theo Tom Gray, người khởi xướng #BrokenRecord, một số lượng lớn các nghệ sĩ trẻ tuy có hàng trăm ngàn người nghe mỗi tháng, đạt được hàng triệu lượt phát, nhưng không kiếm được mức lương cơ bản (vào khoảng 1,500 Euro một tháng). Đó là chưa kể số tiền đó có thể sẽ phải chia cho nhiều thành viên trong một ban nhạc hay phần lớn chảy về hãng thu âm.

Hơn phân nửa số hợp đồng với các hãng thu âm ngoài kia không mang lại đủ tiền cho các nghệ sĩ nhưng chúng vẫn được ký. Shura, nghệ sĩ alt-pop người Anh chia sẻ: “...vì tôi không thể thu âm miễn phí được. Tôi cần nguồn đầu tư, vậy nên tôi phải trích phần trăm từ bản thu gốc của mình, và đó tình hình chung của hầu hết các nghệ sĩ. Sở hữu sản phẩm gốc của bạn, đó thực sự là một đặc ân.”

“Lỗi tại ai?”

Trong một bài phỏng vấn với tờ Music Ally ngày 30 tháng 7, 2020, khi được hỏi tại sao tình hình thực tế các nghệ sĩ đang trải qua lại khác biệt với tham vọng của Spotify, cũng như các nền tảng khác đến vậy, Daniel Ek đề cập đến hai xu hướng.

Daniel Ek CEO Spotify Nguồn Musically
Daniel Ek, CEO Spotify. Nguồn: Musically

Thứ nhất, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều nghệ sĩ chật vật, vì trước nay nguồn thu của họ phụ thuộc vào biểu diễn live và bán vật phẩm.

Thứ hai, “họ đang quá chậm chạp với tài năng của mình”. “Các nghệ sĩ đang thành công là những người nhận ra rằng vấn đề bây giờ là phải tạo được sự quan tâm liên tục từ phía người hâm mộ. Là phải nỗ lực, phải có nghệ thuật kể chuyện, phải đối thoại liên tục với người hâm mộ…”

Nhiều người cho rằng câu trả lời này của vị tỷ phú là không thể chấp nhận. Ek giống như một ông chủ lớn bảo với nhân viên của mình phải làm việc cật lực lên nữa, làm càng nhiều thì lương (có khả năng) càng cao, còn mức lương theo giờ của công ty thì không thay đổi đáng kể, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong ngành. Hơn nữa, âm nhạc không phải hàng hoá hay loại nội dung chung chung có thể sản xuất liên tục.

Pro-rata tiếp tay cho “nghệ thuật giả”?

Khi hệ thống sử dụng con số tương tác làm tiêu chuẩn thì chuyện fan “cày” view hay stream để ủng hộ cho thần tượng của mình có lẽ không còn lạ. Nhưng trong trường hợp một nghệ sĩ mới tham gia thị trường, chưa tạo dựng được cộng đồng fan thì sao?

Một số đã chọn cách trả tiền để đưa tác phẩm của mình vào playlist đang có sẵn hàng triệu người nghe, nhiều người trong số đó không phải/chưa phải là fan của họ. Chiến thuật được sử dụng không chính thống, nhưng ít nhất “hàng vẫn còn thật” khi so sánh với các trường hợp dưới đây:

Bot nghe nhạc

Tiền thay vì trả cho người thật thì được trả cho các cỗ máy để tạo số stream giả. Thậm chí không cần đến “các con bot nghe nhạc”, công nghệ đã tinh vi đến mức có thể tạo ra các con số giả từ người thật.

Hacker được trả tiền để tấn công vào các nền tảng nghe nhạc trực tuyến này, truy cập vào tài khoản người dùng và phát nhạc khi chủ tài khoản đang không sử dụng dịch vụ. Đến cả việc chọn người nghe đến từ vùng lãnh thổ nào cũng có thể thực hiện.

Người dugraveng phản aacutenh việc bị tagravei khoản lạ truy cập vagrave phaacutet nhạc Nguồn Spotify Community
Một người dùng tại Đức phản ánh việc bị tài khoản lạ truy cập và phát nhạc. Nguồn: Spotify Community.

Nhạc lậu

Trường hợp này số lượt stream không giả, nhưng bất hợp pháp, vì được tạo ra từ album lậu.

Vào tháng 3 năm 2019, một playlist đầy đủ các bài hát chưa phát hành trong album Angel của Rihanna được đăng tải lên iTunes và Apple Music, bởi một người dùng tên Fenty Fantasia.

Album chưa phaacutet hagravenh chiacutenh thức của Rihanna bị người dugraveng quotbaacuten lậuquot ngay trecircn iTunes
Album chưa phát hành chính thức của Rihanna bị người dùng lợi dụng lỗ hổng công nghệ, "bán nhạc lậu" ngay trên iTunes. Nguồn: Twitter

Album giả này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và thậm chí được xếp ở vị trí thứ 67 trên bảng xếp hạng album toàn cầu của iTunes.

Nghệ sĩ giả

Đây là một bệnh dịch trong ngành công nghiệp âm nhạc thời đại số, mà nền tảng nghe nhạc trực tuyến bị réo tên nhiều nhất là Spotify.

Năm 2017, trang Music Business Worldwide đã đưa ra một danh sách 50 “nghệ sĩ” mà họ cho rằng đang hợp tác với Spotify để thao túng thị trường. Spotify ban đầu từ chối đưa ra bình luận, nhưng sau đó phủ nhận cáo buộc mà không có bằng chứng nào đưa ra, khiến dư luận không khỏi đặt các nghi vấn.

Tại sao một nghệ sĩ lại có được hàng triệu lượt nghe mà không cần xuất hiện ở đâu khác trên Internet ngoài Spotify, chỉ có vài track trên nền tảng, chủ yếu là nhạc không lời với giai điệu “minimal” hoặc chỉ là “white noise” với khoảng thời gian chưa đến 1 phút.

Thậm chí họ còn được đưa vào các playlist được điều chỉnh bởi chính Spotify, như Peaceful Piano, Deep Focus, Ambient Chill, Music For Concentration.

Một tagravei khoản được cho lagrave nghệ sĩ giả Nguồn Music Business Worldwide
Một tài khoản được cho là nghệ sĩ giả. Nguồn: Music Business Worldwide

Spotify bị nghi ngờ là nhân vật đứng sau: họ kết hợp với các lò sản xuất âm nhạc, mua các sản phẩm với giá rẻ và cố tình đưa chúng vào playlist “chính hãng” để đẩy lượt nghe, làm giảm tầm ảnh hưởng của các hãng thu âm lớn.

Người ngoài cuộc không được biết câu trả lời chính xác, nhưng “lời đồn” làm lộ tính bất công bằng của mô hình dùng lượt stream làm thước đo thị phần: sự lớn mạnh của một bộ phận lại là tác nhân gây ra sức ép lên phần còn lại. Cho dù “miếng bánh” có to lên nhờ “làm việc chăm chỉ hơn”, thì quy luật đó luôn được áp dụng. Tình hình còn càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hầu hết mọi người, kể cả các nghệ sĩ, không hiểu mình đang được trả tiền theo cơ chế nào.

Khi quyền lực được chia bớt cho người nghe

Một mô hình thay thế đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua là “user-centric payment” - lấy người dùng làm trung tâm. Nghĩa là tiền sử dụng dịch vụ của người nghe sẽ chỉ được trả cho nghệ sĩ mà họ nghe trong tháng đó. Cơ bản đây chính là mô hình mới của SoundCloud, chỉ là họ dùng cách nói khác - “fan-powered”.

Giả sử bạn đang sử dụng gói dịch vụ cá nhân hàng tháng của SoundCloud có giá $10 (SoundCloud sẽ giữ lại $3, $7 còn lại trả cho người nắm bản quyền âm nhạc). Trong tháng 2, bạn nghe một bài hát của một nghệ sĩ một lần, thì một lần này sẽ mang $7 của bạn về cho nghệ sĩ đó.

Trường hợp tổng số lượt phát trong tháng của bạn là 1000 lần, trong đó nhạc của nghệ sĩ A được phát 100 lần, nhạc của nghệ sĩ B được phát 10 lần, thì tháng đó nghệ sĩ A nhận được từ bạn: 100/1000*$7 = $0.7, nghệ sĩ B nhận được từ bạn: 10/1000*$7 = $0.07.

Trong mô hình này, người nghe là người chủ động và trực tiếp quyết định số tiền mà nghệ sĩ nhận được. Không còn đất cho các thủ thuật, mánh lới “cày stream” và sự chèn ép của các ông lớn. Công bằng cũng được đòi lại cho các loại nhạc kén người nghe hơn.

Mocirc higravenh tạo thế cocircng bằng tốt hơn cho caacutec thể loại keacuten người nghe hơn Nguồn Deezer
Mô hình mới tạo thế công bằng tốt hơn cho các thể loại nhạc kén người nghe hơn. Nguồn: Deezer

Điều quan trọng bây giờ là âm nhạc của nghệ sĩ chiếm bao nhiêu phần trăm trong túi nhạc của người nghe, chứ không còn là cuộc đua stream, tranh giành thị phần giữa các nghệ sĩ với nhau.

Nhưng “đời không như mơ”

Phương án thay thế này được cho là vẫn còn nhiều lỗ hổng về tính minh bạch.

Đơn cử như SoundCloud vẫn còn để ngỏ một vài câu hỏi lớn:

  • SoundCloud sẽ giữ lại bao nhiêu % doanh thu trước khi trích lại cho nghệ sĩ/người nắm bản quyền tác phẩm? Theo chia sẻ của một lãnh đạo trong ngành với tờ Vice, con số này là 45%, cao gần gấp đôi con số trung bình khoảng 30% của hầu hết các ông lớn đang áp dụng mô hình pro-rata.
  • Không phải tất cả các nghệ sĩ trên SoundCloud đều có thể kiếm tiền từ nền tảng này. Đối tượng là: các nghệ sĩ độc lập (không ký hợp đồng với các hãng thu âm) và trả phí cho SoundCloud qua 3 gói dịch vụ: Premier, Repost, Repost Select (từ 2.5 - 12 USD/tháng).
  • Chỉ những quốc gia được hệ thống thanh toán PayPal hỗ trợ mới có thể áp dụng mô hình trả phí mới này. Một số nơi tại châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ, Nga vẫn nằm ngoài danh sách.

Ngoài ra, các nghiên cứu (ít ỏi) gần đây đều kết luận rằng dù việc chuyển đổi mô hình có thể giúp cán cân cuộc chơi cân bằng hơn cho các nghệ sĩ địa phương, nhưng hiệu ứng thay đổi không thực sự rõ vì các chi phí đội lên của việc phát triển và vận hành hệ thống.

Kiểm chứng kết luận này sau 1 năm thử nghiệm mô hình, nền tảng tiên phong Deezer cho biết khó khăn thực sự không nằm ở công nghệ. Rào cản lớn nhất của họ vẫn là sự đồng thuận của các 3 hãng thu âm lớn trong việc áp dụng “cách chia tiền” mới. SoundCloud cũng khẳng định hệ thống máy tính của họ chỉ mất khoảng 20 phút xử lý thông tin vận hành, thay vì 23 tiếng đồng hồ như một số quan ngại trước đó.

Deezer giải thiacutech mocirc higravenh UserCentric Payout Nguồn Deezer
Deezer giải thích mô hình User-Centric Payout. Nguồn: Deezer

Vấn đề kỹ thuật có thể cải thiện theo thời gian nhưng sửa chữa tính công bằng thì không thể chờ đợi quá lâu.

Hartwig Masuch, CEO của BMG, công ty về bản quyền âm nhạc lớn thứ 4 trên thế giới đã chia sẻ với tờ âm nhạc Rolling Stone rằng: “Một số dịch vụ có thể sẽ nói rằng nó chẳng tạo ra sự khác biệt đáng kể nào, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bạn có thể nói với các nghệ sĩ rằng: Hệ thống này công bằng, và đây là cách mà nó hoạt động.”

“User-centric” đang nhận được sự quan tâm và hưởng ứng từ nhiều tên tuổi lớn trong ngành. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định mọi thứ sẽ xảy ra đúng như những gì chúng ta mong muốn. Điều đáng mừng là các bên vẫn còn thời gian để kiểm soát quyền lực mình có trong cuộc “cải cách thị trường” này.

Nghệ sĩ (Việt) được gì?

Dù tương lai mô hình user-centric có được đưa vào vận hành trơn tru, vẫn sẽ không có nền tảng nào là cứu tinh hoàn hảo cho các nghệ sĩ, bởi bản hợp đồng âm nhạc của họ không bớt đi số bên liên quan, với lợi ích và điều kiện thoả thuận đi kèm.

Âm nhạc vốn sinh ra là cuộc trò chuyện giữa con người với nhau. Các buổi biểu diễn có tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và người nghe vẫn sẽ là hình thức tồn tại lý tưởng nhất của âm nhạc.

Giữa tình hình đại dịch chưa biết bao giờ sẽ kết thúc, không ít các nghệ sĩ đã tổ chức online concert. Ngoài việc trả vé để xem, người hâm mộ có thể trực tiếp “donate” cho thần tượng. Đây có thể được xem là hình thức “user-centric” và “fan-powered” đúng nghĩa nhất.

BTS đứng trước magraven higravenh livestream cugraveng fan hacircm mộ trong online concert MAP OF THE SOUL ONE Nguồn Big Hit Entertainment
BTS đứng trước màn hình livestream cùng fan hâm mộ trong online concert MAP OF THE SOUL ON:E. Khi nghệ sĩ đã tạo kết nối mạnh mẽ với fan hâm mộ, họ có thể tự tin rằng mình sẽ được ủng hộ dù âm nhạc của mình đang ở đâu. Nguồn: Big Hit Entertainment

Còn các nền tảng trực tuyến sẽ là công cụ đắc lực, giúp đưa âm nhạc đi xa nhất có thể, đến đúng người đang cần sự “nâng đỡ tinh thần”, hoặc giúp duy trì mối kết nối giữa người nghe và nghệ sĩ.

Tại Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng vì xuất hiện một nền tảng giúp các nghệ sĩ địa phương có thêm một nguồn doanh thu công bằng hơn. Tuy nhiên, công bằng hơn không có nghĩa là có thể phụ thuộc hoàn toàn để phát triển bền vững.