Tại sao não có thói quen "chế" lời bài hát? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
19 Thg 08, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Tại sao não có thói quen "chế" lời bài hát?

Tại sao khi nghe nhạc Sơn Tùng MTP, ta nghe "Chính em gây ra mà" thành "Cháy như pizza mà"?
Tại sao não có thói quen "chế" lời bài hát?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Sống trên đời chắc hẳn ai cũng nhiều lần nghe sai lời bài hát. Từ lời bài hát tiếng mẹ đẻ cho tới tiếng nước ngoài, không bài hát nào chạy trốn được thói quen “chế lời" của não.

Đây cũng là lý do mà những hội nhóm như Hội người điếc Việt Nam ra đời chỉ để cùng nhau chia sẻ sự “lãng tai". Vậy rốt cuộc tại sao mà chúng ta cứ mãi nghe nhạc sai lời?

Tại sao não quen thói chế lời bài hát?
Nguồn: ione

Hiện tượng sai lời không chừa một ai

Bạn chắc chắn không phải người nghe chữ này xọ chữ kia khi mà người ta đã chỉ mặt gọi tên hiện tượng này là “Mondegreen". Được tạo ra từ năm 1954 bởi nhà văn Sylvia Wright, mondegreen dùng để chỉ việc khi bạn nghe nhầm một cụm từ và tạo ra một ngữ nghĩa mới cho nó. 

Bản thân từ Mondegreen cũng được sinh ra từ việc nghe nhầm. Tác giả Sylvia kể lại rằng cô luôn được mẹ đọc cho nghe một bài thơ trước khi đi ngủ. Nhưng không hiểu vì sao dù bao năm trôi qua cô vẫn tin rằng mẹ đã đọc “Lady Mondegreen" thay vì bản gốc là “laid him on the green”.

Quá trình từ nghe tới hiểu xảy ra như thế nào?

Khi một âm thanh được tai nghe thấy, vùng não thính giác (auditory cortex) sẽ phân tích các mẫu âm thanh để tìm ra thông điệp ngôn ngữ đằng sau nó. Hàng loạt các từ khóa liên quan sẽ được “kích hoạt" trong não. Đây là những từ ngữ có cùng âm tiết hay cấu tạo âm thanh giống như từ ngữ mà tai nghe được. 

Tại sao não quen thói chế lời bài hát?
Những từ có âm tiết gần giống nhau dễ gây ra "lú".

Não sau đó sẽ dựa trên những gì nó đã học để dự đoán về những từ ngữ sẽ xuất hiện tiếp theo và chọn từ có nghĩa hợp với ngữ cảnh nhất để giải mã thành một thông điệp.

Mondegreen xảy ra khi quá trình nghe và tiếp nhận âm thanh của não có một sự “đứt gãy” khiến não phiên dịch sai âm thanh. Những nguyên nhân tạo ra sự đứt gãy đó thường là:

Vì thiếu kiến thức ngữ cảnh 

Theo như Stephen Pinker, ngữ cảnh là yếu tố giúp chúng ta không bị nhầm lẫn các từ có cùng âm tiết. Chính vì thế việc thiếu kiến thức, thường là về ngôn ngữ hay văn hoá, để nắm rõ ngữ cảnh khiến ta "bẻ lái" câu chữ sang hướng dễ hiểu hơn cho mình. Điều này có thể xảy ra dù bạn đang nghe nhạc ở tiếng nước ngoài lẫn tiếng mẹ đẻ.

Học giả Steven Coner cũng cho biết, điều này tương tự với cách trẻ em đang trong quá trình học hỏi về thế giới xung quanh cố gắng lắng nghe và hiểu lời của người lớn nói. Nếu như nghe hoài không hiểu, chúng sẽ tự “bịa" ra một từ nào đó để biến thứ xa lạ thành gần gũi hơn. 

Tại sao não quen thói chế lời bài hát?
Vì không nghe ra nên não tự "điền" vào chỗ trống. 

Đây cũng là cách mà những bài đồng dao lan truyền và trở nên sai nghĩa theo thời gian. Ví dụ như bài vè quen thuộc “chi chi chành chành" nhưng thật ra lại là “chu tri rành rành”. 

Bài vè này ra đời trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược, triều đình rối ren. Nhưng với nhận thức của một đứa trẻ thì không thể hiểu được ý nghĩa của từ “chu tri" hay “cái đanh" là gì. Vậy nên mỗi người đã chọn cho mình cách sửa hợp lý hoặc thuận tai hơn, và vô số phiên bản “chia chia chành chành" hay “trái chanh nổi lửa" ra đời.

Vì não thiên vị

Giữa những từ ngữ trùng nhau về phát âm, thanh điệu, ngắt nghỉ,... đôi khi não sẽ thiên vị những từ khóa quen thuộc hay những vấn đề mà bạn đang quan tâm hơn. Đây chính là một kiểu confirmation bias – thiên kiến xác nhận. 

Chẳng hạn, những ai đã quá quen thuộc với thương hiệu Starbucks thì khi nghe "Blank Space" của Taylor Swift chắc hẳn đã từng nhầm thành “lonely Starbucks lovers" thay vì “long list of ex’s lovers".

Cố tình tạo sự hài hước

Không chỉ nghe nhầm một cách bị động, đôi khi chúng ta còn chủ động sửa lời. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhận thức của từng cá nhân về sự hài hước cũng ảnh hưởng đến hiện tượng chế lời bài hát. Việc dùng vốn từ vựng và sự dí dỏm của mình để điền vào phần không nghe rõ thường mang lại cảm giác thỏa mãn. Chính vì vậy, những người vui tính cũng được thúc đẩy để tự chế lời hơn.

Người Nhật còn có cả một có thể loại hài Soramimi chuyên dùng sự nhầm lẫn về phát âm của ngôn ngữ khác để gây cười. Bên cạnh đó, các bài hát với “lyrics nghe nhầm" cũng được lan truyền khắp mạng xã hội bởi tính giải trí mà nó mang lại.