Đối với thế hệ trẻ (trong đó bao gồm tác giả), chúng ta thường ngập ngừng khi nói về chủ đề cúng. Đa số những người ở độ tuổi 20-30, khi đã dọn ra ở riêng, sẽ không có bàn thờ trong nhà. Chúng ta không làm giỗ, ít cúng vào các dịp lễ lớn, thậm chí là không thể điểm mặt gọi tên các vị thần ngồi trên bàn thờ.
Vì sao trong các nếp sống hiện đại, cúng kiếng lại trở nên thoái trào?
1. Chúng ta không gần gũi với các thế hệ trước
Gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có cha mẹ và con cái) đã trở thành một trong những cấu trúc gia đình hiện đại tại Việt Nam. Gia đình hạt nhân đề cao tính cá nhân và cho phép mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển. Một trong những điểm yếu của cấu trúc này là các thế hệ đi trước không có nhiều sức ảnh hưởng lên các thế hệ sau.
Gia đình hạt nhân làm tăng khoảng cách của chúng ta với ông bà mình, cả về mặt địa lý lẫn gắn bó. Mối quan hệ giữa hai bên cũng bị gãy đoạn, và chỉ được kết nối mỗi khi con cháu về thăm.
Vì vậy, các cuộc trò chuyện của ông bà và con cháu thường dừng lại ở mức độ thăm hỏi (việc học hành, đi làm và đời sống hôn nhân) và ít khi đi vào các chủ đề sâu sắc. Không gần gũi ông bà, cả cha mẹ và con cháu sẽ khó bảo lưu các giá trị truyền thống trong gia đình hơn.
Trong khi đó, cúng bái là một thực hành mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng, đòi hỏi sự hiểu biết tường tận về văn hoá và truyền thống gia đình. Và những sự hiểu biết này có thể học nhanh nhất từ đâu? Chính là từ các thế hệ trước.
Hơn nữa, người trẻ cũng chưa phải là những người đương gia. Hầu hết chúng ta chưa phải quán xuyến các việc lớn trong nhà, bao gồm cả việc thờ cúng. Vì vậy, người trẻ không cúng là một điều dễ đoán. Theo một lẽ tự nhiên, khi có nhu cầu, chúng ta mới tìm hiểu, học và thực hành.
2. Chúng ta chưa được chỉ dạy kỹ càng
Một trong những lý do tiếp theo cho việc người trẻ không cúng có thể là do ta không được giáo dục kỹ về việc cúng. Giáo dục là truyền tải được vẻ đẹp và ý nghĩa thật sự của việc thực hành cúng, chứ không nên là bất kỳ sự áp đặt nào.
Tục ngữ có câu, “Học đi đôi với hành". Nhưng đối với cúng, phần “hành” dường như được đặt lên trên cả. Người lớn thường tập trung vào việc trả lời câu hỏi “Làm thế nào để cúng?” thay vì câu hỏi “Cúng là gì?” Và với tuổi đời còn ít, chúng ta sẽ không thể miễn cưỡng cúng nếu chưa thật sự hiểu được mục đích và ý nghĩa của nó.
Có thể, bản thân cha mẹ chúng ta trước đây cũng chưa thật sự hiểu ý nghĩa của cúng và các tập tục tín ngưỡng. Có thể, họ cũng chỉ từng được cha mẹ mình dạy cách đọc sớ, cách cắm hương, cách bày bàn cúng… mà không thật sự hiểu rõ ý nghĩa của những việc thực hành này.
Sự hiểu biết nào cũng nên xuất phát từ định nghĩa. Nếu không hiểu tường tận về các thực hành cúng, thì những tập tục sẽ dần bị mai một nhanh hơn.
Nhưng sau cùng, cúng bái là một hình thức tưởng nhớ những người đã khuất. Thờ cúng là những thực hành vật lý, giúp chúng ta dễ dàng cảm thấy kết nối với gia đình và xã hội. Tham gia các hoạt động như đi chùa hay cúng giỗ là một dịp để sum họp gia đình, để mỗi người được hướng về bên trong và chiêm nghiệm về cuộc sống.
Theo cuốn Khảo luận về Tết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ở bất cứ cộng đồng nào, con người cũng sẽ liên tục tìm ra cái mới và hủy bỏ các yếu tố khác. Văn hoá sẽ luôn được biến đổi nhờ việc khám phá và tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh, dù là tự nhiên hay áp đặt.
Vậy, trong một xã hội hiện đại, sẽ luôn xuất hiện thêm những tập tục hay cách thực hành thờ cúng mới. Nhưng quan trọng là mỗi thành viên đều cùng hướng về cộng đồng, để có thể chung sống hoà thuận và phát triển cùng nhau.
3. Chúng ta thiếu động lực để tiếp nối niềm tin cũ
Với người trẻ, hầu hết những điều chúng ta làm đều bắt nguồn từ niềm tin. Khi không hiểu rõ về các vị thần và các tín ngưỡng dân gian, sẽ khó hơn để chúng ta hình thành niềm tin vững chắc. Vì vậy mà việc thờ cúng cũng trở thành một điều khó liên hệ và thực hành.
Nhưng khi không có động lực tiếp nối niềm tin cũ, chúng ta sẽ chủ động đi tìm niềm tin mới. Sự toàn cầu hoá cũng mang nhiều kiến thức và nền văn hoá từ các đất nước khác nhau. Chúng ta được tiếp cận nhiều khái niệm và có nhiều lựa chọn để đặt niềm tin hơn. Xu hướng tin vào khoa học và những điều thuận theo tự nhiên là một ví dụ.
Điều này cũng một phần giải thích cho việc người trẻ thích thú với những lá bài tarot, những phân tích về các chòm sao, và những bài trắc nghiệm tâm lý mang tính khoa học. Vậy, thờ cúng trở thành một sự lựa chọn. Bởi giờ đây, trong một xã hội đa văn hoá, mỗi người đều có thể làm giàu cuộc sống của mình bằng những niềm tin riêng biệt, với những "nghi lễ" khác nhau.
Những niềm tin ấy có thể đi từ những điều nhỏ nhất: nghe một bài hát trước khi đi làm, nhặt những vỏ sò ở những bãi biển khác nhau, về ăn cơm nhà mỗi cuối tuần, hay tặng một món quà cho một người bạn không vì dịp gì cả.
Kết
Tuỳ vào niềm tin của bạn là gì, bạn sẽ có những thực hành riêng cho nó. Bài viết này ra đời không phải để nói rằng bạn nên bắt đầu cúng. Nhưng hi vọng, nó sẽ khơi gợi cho bạn nhiều câu hỏi về những niềm tin trong cuộc sống của mình.
Thờ cúng hay không là lựa chọn của riêng bạn và riêng tôi. Và theo một lẽ tự nhiên, khi có nhu cầu, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu, học và thực hành.
Bạn nghĩ mình đã biết tất về cúng chưa? Nghe ngay podcast Bít Tất #1: Cúng của Vietcetera nhé!