1. Chuyện gì đang xảy ra?
Trong tháng 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành sách giáo khoa mới cho lớp 4, 8, và 11. Đây là một phần của việc áp dụng chương trình giáo dục mới với tên gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình mới bắt đầu áp dụng với khối lớp 1 từ năm học 2020-2021, và đã triển khai tới khối lớp 3, 7, và 10 từ năm học 2022-2023.
Theo quan sát của các chuyên gia giáo dục và nhiều bậc phụ huynh, bộ sách giáo khoa mới cho lớp 4, 8, và 11 dù rẻ hơn sách mới cho khối 3, 7, và 10 nhưng lại đắt hơn đáng kể khi so với bộ sách hiện hành. Nếu so sánh dựa trên tổng số tiền thì các bộ sách mới đắt gấp đôi so với những cuốn sách giáo khoa mà chúng ta đã quen thuộc.
2. Chính xác thì giá sách giáo khoa tăng bao nhiêu?
Chương trình giáo dục phổ thông mới sử dụng ba bộ sách giáo khoa lần lượt tên là Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, và Chân trời sáng tạo. Với khối lớp 4, giá tiền của ba bộ sách này lần lượt là 230 ngàn, 186 ngàn, và 182 ngàn. Trong khi đó, sách giáo khoa của chương trình cũ có giá 87 ngàn một bộ.
Như vậy, giá sách giáo khoa mới cho lớp 4 cao hơn từ hai tới ba lần so với sách cũ, và điều này cũng đúng khi so sánh giá của sách lớp 8 và lớp 11 mới với chương trình trước đó. Việc tăng giá thực ra không mới mà đã diễn ra từ năm ngoái, khi phát hành bộ sách cho ba khối 3, 7 và 10.
Giá tiền của mỗi cuốn sách trong bộ cũng tăng lên. Ví dụ, cuốn sách rẻ nhất trong bộ sách lớp 4 cũ có giá 4 ngàn (sách Đạo Đức) và cuốn đắt nhất có giá 15 ngàn (sách Tiếng Việt tập 1). Trong khi đó, cuốn rẻ nhất trong hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo cho lớp 4 có giá 9 ngàn, và cuốn đắt nhất có giá lần lượt là 21 ngàn và 22 ngàn.
Ta cần lưu ý rằng giá tiền ở trên chưa bao gồm sách tiếng Anh, vì thế số tiền thực tế mà các bậc phụ huynh phải trả sẽ cao hơn. Mỗi cấp học lại có một danh sách các sách giáo khoa tiếng Anh riêng, với mức giá từ 60 ngàn tới khoảng 110 ngàn cho mỗi cuốn cho tiểu học và trung học cơ sở, và từ 200 ngàn trở lên với cấp trung học phổ thông.
3. Tại sao sách giáo khoa mới lại đắt hơn?
Theo ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lý do đầu tiên là việc sử dụng các loại giấy tốt hơn, in nhiều màu hơn và sách có khổ lớn hơn so với sách cũ. Ngoài ra, chi phí nhân công sản xuất sách cũng tăng.
Nhưng nguyên nhân chính có lẽ tới từ việc ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ các chi phí biên soạn và thẩm định sách giáo khoa như trước. Cụ thể, các bộ sách giáo khoa thuộc chương trình cũ có giá thấp hơn bởi nhà nước hỗ trợ tiền bản thảo hay tiền nhuận bút. Các bộ sách mới do doanh nghiệp thực hiện không nhận được kinh phí, nên chi phí đó tính vào giá thành hiện tại.
Tăng số sách bắt buộc phải mua cũng là nguyên nhân khiến giá thành chung của các bộ sách giáo khoa tăng vọt. Ví dụ, nếu như chương trình lớp 3 cũ chỉ có sáu cuốn sách bắt buộc thì chương trình mới có tới 14 cuốn với 6 sách mới. Bên cạnh đó, một số sách như sách Toán trước đây chỉ có một tập nhưng nay có hai tập khiến phụ huynh phải trả gấp đôi tiền cho một môn học của con.
4. Sách giáo khoa của các bộ giống và khác gì nhau?
Trước khi biên soạn sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hệ thống kiến thức mà các bộ sách phải đảm bảo. Do đó, các bộ sách sẽ có những kiến thức chung, nhưng cách tiếp cận và sắp xếp kiến thức riêng tùy vào từng bộ.
Ví dụ, sách Toán lớp 10 tập 1 của bộ Cánh Diều và bộ Chân trời sáng tạo đều có các kiến thức về mệnh đề và tập hợp, bất phương trình và hệ bất phương trình, hàm số bậc hai, hệ thức lượng giác và véc-tơ. Tuy nhiên, sách Chân trời sáng tạo có thêm phần thống kê và xác suất.
Bên cạnh đó, hoạt động thực hành và trải nghiệm của Chân trời sáng tạo là tính toán số liệu thống kê bằng máy tính cầm tay. Còn với sách Cánh diều, hoạt động trải nghiệm là đo góc.
Những điểm giống và khác nhau thể hiện rõ hơn ở sách Ngữ Văn. Đối với bộ môn này, bên cạnh hệ kiến thức chung, bộ sẽ có một danh sách các tác phẩm đề xuất, trong đó có những tác phẩm bắt buộc và không bắt buộc. Việc lựa chọn tác phẩm cũng như sắp xếp tác phẩm theo thứ tự nào là lựa chọn của người làm sách.
Ví dụ, một yếu tố phải có trong chương trình văn 10 là kiến thức về thần thoại và sử thi. Sách Ngữ Văn 10 tập 1 bộ Cánh Diều khởi đầu với 5 văn bản gộp chung vào một nhóm với tên gọi là “Thần thoại và sử thi.” Sách của bộ Chân trời sáng tạo cũng khởi đầu với khối kiến thức này nhưng chỉ có 3 văn bản, và gộp chung vào một nhóm gọi là “Tạo lập thế giới.”
Trong khi đó, sách Ngữ Văn 10 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khởi đầu với nhóm văn bản mang tên “Sức hấp dẫn của truyện kể” với cả truyện thần thoại lẫn truyện ngắn hiện đại (Chữ người tử tù). Kiến thức về sử thi chỉ xuất hiện ở bài thứ 4 mang tên “Sức sống của sử thi.”
5. Nhiều bộ sách thì chọn kiểu gì?
Việc quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa nào được thực hiện bởi một hội đồng lựa chọn sách. Hội đồng đưa ra quyết định dựa trên ý kiến khảo sát và chọn sách của các giáo viên từng bộ môn ở các trường tại địa phương, sau đó thống nhất một phương án chung cho địa phương đó.
Điều đáng nói là danh sách sách giáo khoa cuối cùng không chỉ có một bộ, mà là nhiều bộ khác nhau cho từng môn học. Ví dụ, thành phố Hà Nội thống nhất sử dụng sách Ngữ Văn 8 của cả ba bộ Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, và Chân trời sáng tạo. Các trường khác nhau sẽ chọn sách từ danh sách đó sao cho phù hợp với định hướng của trường và giáo viên. Các bộ môn khác cũng có nhiều bộ sách khác nhau như vậy.
Điều này có nghĩa là việc mỗi môn học sử dụng sách giáo khoa của một bộ sách riêng là hoàn toàn có thể xảy ra. Ví dụ, Trường THCS Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) sử dụng sách Toán của Cánh Diều, sách Mỹ Thuật của Chân trời sáng tạo, sách tiếng Anh Global Success, và các môn còn lại thì dùng sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó chỉ là một trong vô vàn cách lựa chọn và phối hợp sách giáo khoa mà mỗi trường có thể thực hiện.