Terry Nguyễn là một ký giả trẻ người Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Quận Cam, California. Năm 2019, Terry tốt nghiệp Đại học Nam California (University of Southern California) và bắt đầu công việc tại Vox ở vị trí phóng viên.
Là cây viết chuyên sâu về văn hóa, Terry thường xuyên cập nhật những xu hướng Internet và công nghệ mới nhất. Trong đó có thể kể đến các bài viết phân tích sự trỗi dậy và phổ biến trên thị trường bán lẻ nội địa của gã khổng lồ Shein, hay một số bài viết tin tức phản ánh sự gia tăng của tội ác chống lại người châu Á.
Trưởng thành trong gia đình người gốc Việt, Terry nhận thức rất rõ tầm ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Việt Nam đến trách nhiệm của mình trong công việc, đặc biệt trong thời điểm các tội ác chống lại người nhập cư ngày càng gia tăng. Những khi có điều kiện, Terry đều tập trung viết về người Việt tại nước ngoài, hay gần đây là về cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Luôn bắt kịp xu hướng với các bài viết được đầu tư về cả nội dung lẫn câu chữ, Terry đã thu hút được lượng lớn người theo dõi trên trang mạng xã hội Twitter. Đặc biệt, Terry còn tự mình cập nhật và phân tích tất-tần-tật về Gen Z với newsletter Gen-Yeet, sau đó chia sẻ với bạn đọc qua nền tảng Substack.
Trò chuyện cùng Vietcetera, Terry Nguyễn đã chia sẻ về quá trình theo đuổi nghề báo, ảnh hưởng của văn hóa Việt đến đời sống cá nhân, cũng như lựa chọn viết về bản sắc văn hóa trong thời kỳ bất ổn.
Đâu là động lực để Terry theo đuổi lĩnh vực báo chí?
Mình vốn thích viết từ khi còn nhỏ, và luôn cảm thấy làm báo là ngành nghề phù hợp nhất với sở thích này. Một số tiểu thuyết gia đại tài mà mình ngưỡng mộ như Hemingway hay Joan Didion, họ cũng đều là những người làm báo lỗi lạc.
Thật ra, mình còn cảm thấy cái “duyên” với báo chí có lẽ đã đến với mình từ nhỏ. Ba mình trước đây từng là nhân viên giao báo tại một tòa soạn báo địa phương, và mình sau này cũng chọn gắn bó với nghề báo ở vị trí viếtvà kiểm duyệt nội dung.
Từ nhỏ, Terry có được tạo điều kiện tiếp xúc với tiếng Việt không?
Mình sinh ra và lớn lên tại Quận Cam, California, nơi tập trung phần đông người Việt. Ba mẹ mình đều thuộc thế hệ người Việt nhập cư đầu tiên, sau đó gặp nhau trên đất Mỹ. Vì cả gia đình đều nói tiếng Việt, nên tất nhiên mình cũng có thể giao tiếp và sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo.
Nguồn gốc và văn hóa Việt đã tác động thế nào đến Terry, đặc biệt trong công việc?
Nguồn gốc Việt Nam thật sự tác động rất lớn đến cách mình nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Hơn thế nữa, mình còn được sinh ra và lớn lên trong môi trường đa văn hóa, nơi mình có thể tự do giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng người gốc Á và Latin.
Sự đa dạng này cũng giúp mình có thêm nhiều lựa chọn trong công việc viết lách. Chẳng hạn như khi mình không muốn đi quá sâu vào vấn đề bản sắc văn hóa và chủng tộc, mình có thể lựa chọn viết về những chủ đề khác mà mình quan tâm. Mặt khác, mình cũng có đủ kiến thức và nền tảng văn hóa vững chắc để viết dưới góc nhìn của một người thuộc cộng đồng thiểu số tại Mỹ.
Những tác phẩm nào đã truyền cảm hứng để Terry tiếp tục theo đuổi nghề viết?
Thời niên thiếu, mình từng đọc cuốn tuyển tập truyện ngắn The Boat (Con thuyền) của nhà văn người Úc gốc Việt - Nam Lê. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng để mình tìm hiểu và viết nhiều hơn về cộng đồng người hải ngoại.
Một tác phẩm khác cũng để lại cho mình ấn tượng sâu sắc, đó là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt.
Đối với một người Mỹ gốc Á thường xuyên bình luận về văn hóa, phong trào Stop Asian Hate đã truyền cảm hứng viết cho Terry như thế nào?
Trong năm vừa qua, những tội ác chống lại người châu Á đã không ngừng gia tăng trên đất Mỹ, bất kể là nhắm vào tầng lớp lao động hay người lớn tuổi. Vừa chứng kiến và theo dõi sự gia tăng của những tội ác trong thời điểm đó, mình vừa tìm hiểu và tổng hợp những hoạt động diễn ra trên mạng xã hội nhằm chống lại tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Trước các đợt tấn công, ai nấy đều lo sợ, kể cả tại khu vực tập trung đông người gốc Á như Quận Cam. Dù vậy, mình nhận ra cộng đồng người gốc Á tại Mỹ đã dần đoàn kết lại và gắn bó với nhau hơn.
Khi độc giả ngày càng muốn nghe nhiều hơn từ những cây viết người gốc Á, Terry có cảm thấy áp lực khi phải nêu quan điểm cá nhân qua các bài viết hay không?
Sau vụ nổ súng tại Atlanta, mình nhận thấy mọi người ngày càng dành nhiều sự chú ý hơn đến cộng đồng người gốc Á. Tuy nhiên, mình nghĩ cũng cần có một số bài viết về bản sắc của người Mỹ gốc Á với giọng văn dí dỏm và nội dung tích cực.
Mình thấy mừng là giờ đây, các tác giả không nhất thiết phải chú trọng viết hướng đến độc giả người da trắng, mà cũng có thể tạo ra các tác phẩm dành cho độc giả châu Á hoặc những người quan tâm đến văn hóa Á châu.
Terry mong đợi điều gì trong tương lai?
Ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Á hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo khẳng định được tiếng nói của mình, và mình mong cộng đồng người Đông Nam Á tại nước ngoài cũng sẽ sớm thu hút được nhiều sự chú ý hơn.
Nghệ thuật luôn có thể được đổi mới để trở nên phong phú, với nhiều sắc thái và chi tiết cụ thể hơn. Đây cũng là điều mà thế hệ người gốc Đông Nam Á thứ hai tại Mỹ đã và đang thực hiện, ngày càng tự tin bày tỏ quan điểm của chính mình với nhiều thành tựu sáng tạo lớn nhỏ.
Đọc thêm các bài viết của Terry trên Vox, và đăng ký theo dõi newsletter Gen-Yeet tại đây.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân