#Opinion là series có ý kiến.
Mới tuần trước thôi, vụ xả súng tại thành phố Atlanta một lần nữa dấy lên tình trạng thù ghét người châu Á. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn các xung đột sắc tộc bi thương tại Mỹ, điều đã xảy ra từ những cuộc di dân đầu tiên của người châu Á.
Trong bài viết này, tôi sẽ không đi sâu vào các số liệu, thống kê về tình trạng bạo lực, thù ghét nhắm vào cộng đồng mình. Thay vào đó, tôi muốn cùng các bạn bước trên con đường mà những thế hệ châu Á nhập cư đầu tiên đã bước đi, cùng vén màn lịch sử để hiểu về gốc gác, cội nguồn của rất nhiều vấn đề về sắc tộc tại phương Tây.
Khi người châu Á chọn di cư đến phương Tây
Làn sóng người Trung Quốc di cư sang các nước châu Âu bắt đầu từ thế kỷ 19. Tại Mỹ, làn sóng này diễn ra vào những năm 1850, những xáo trộn kinh tế ở Trung Quốc, cùng với “cơn sốt đào vàng California” (California gold rush) đã thúc đẩy người Trung Quốc lên đường đi tìm cơ hội mới ở phương Tây.
Khi “cơn sốt vàng” qua đi, họ ở lại Mỹ và trở thành nguồn lao động giá rẻ. Hơn 20 năm sau, khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Mỹ, công việc trở nên khan hiếm. Lúc này, thù địch nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á gia tăng, lớn đến nỗi Quốc hội Hoa Kỳ phải ban hành đạo luật hạn chế người Trung Quốc nhập cư.
Sau đó, các lao động đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ di cư đến Hoa Kỳ để thay thế lao động người Trung Quốc. Các dân tộc Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia hay Lào cũng di dân vì chiến tranh và những khủng hoảng kinh tế trong nước.
Hầu hết người châu Á thời điểm đó chọn đến Mỹ để tìm kiếm nguồn thu nhập tốt hơn, hỗ trợ gia đình ở quê nhà. Cùng lúc, họ phải trả khoản nợ khổng lồ cho chuyến di cư đến Mỹ. Áp lực tài chính khiến họ sẵn sàng nhận bất kỳ mức lương nào. Trái lại, những công nhân bản địa cũng có nỗi khổ riêng, họ cần mức lương cao hơn để trả cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Dân châu Á nhập cư, đặc biệt là người Trung Quốc trở thành cái gai trong mắt công nhân trong nước vì bị buộc tội là cướp đi công việc của bản xứ, cản trở các cuộc cách mạng đòi tăng lương.
Song song đó, các lời đồn về tệ nạn mua bán mại dâm, hút thuốc phiện, chơi cờ bạc của người Trung Quốc bắt đầu được lan tỏa, tạo điều kiện cho chính sách bài trừ người châu Á và thúc đẩy phân biệt chủng tộc về sau.
Bị kỳ thị vì là “hiểm họa da vàng”
Hiểm họa da vàng (Yellow Peril) là thuật ngữ nhắm thẳng vào nhóm người Trung Quốc nhập cư. Mặc dù hiểm họa da vàng xuất hiện vào thế kỷ 19, nhưng nỗi sợ châu Á của người phương Tây đã “bén rễ” từ thời Trung Cổ.
Thành Cát Tư Hãn - nhà cầm quân nổi tiếng của đế chế Mông Cổ, với tham vọng làm bá chủ thế giới, đã dẫn dắt quân đội chinh chiến trên khắp các nước châu Á và châu Âu. Sau khi ông qua đời, con cháu của ông tiếp tục gieo rắc nỗi sợ này.
Hiểm họa da vàng là sự pha trộn từ nỗi sợ của người phương Tây về dịch bệnh, chiến tranh, và niềm tin phương Tây bị áp đảo, nô lệ hóa bởi một phương Đông kỳ dị, huyền bí. Nhằm đoạt lại sức mạnh, Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II từng lợi dụng chủ nghĩa chống “hiểm họa da vàng” để khuyến khích các đế chế châu Âu cùng hợp lực xâm chiếm Trung Quốc.
Như đã nói, người Trung Quốc khi di cư vào phương Tây đã bị coi là nguồn lao động giá rẻ, là kẻ cướp đi công việc của người bản địa. Trong mắt những người kỳ thị chủng tộc lúc bấy giờ, châu Á là một dân tộc xấu xí, kém văn minh và không thể nói tiếng Anh tốt.
Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, xung đột sắc tộc tăng cao khi ông liên tục công khai phát ngôn nhắm vào cộng đồng châu Á, đồng thời coi Trung Quốc như đối thủ hàng đầu.
Đỉnh điểm của làn sóng tẩy chay người châu Á nổ ra khi dịch bệnh COVID được cho là khởi nguồn từ Trung Quốc. Một số tờ báo châu Âu như Courrier Picard dùng những cụm từ như “cảnh giác người da vàng”, “hiểm họa da vàng”, “sở thích ăn sống kỳ quái” vào nhiều tiêu đề.
Truyền thông, cộng với nỗi sợ ăn sâu trong tiềm thức, đã thổi bùng phong trào chống Trung Quốc và tẩy chay món Trung. Tuy nhiên, hầu như tất cả người châu Á đều bị phân biệt đối xử, tệ hơn là bị tấn công và hành hung.
Truyền thông, phim ảnh khắc họa hình ảnh phụ nữ châu Á thế nào?
Trong lịch sử, không ít lần điện ảnh đã khắc họa chân dung phụ nữ châu Á bằng những khuôn mẫu lệch lạc. Họ được coi là kẻ bí ẩn, quyến rũ nhưng mềm mỏng, dễ phục tùng (China Doll).
Những khuôn mẫu độc hại này có thể nhìn thấy qua những bộ phim như Mean Girls, Full Metal Jacket, Piccadilly, hay gần đây nhất là MV pardody “Kung Fu Vagina” của Kim Anami - với một câu hát chế nhạo cơ quan sinh dục của người phụ nữ Thái là “hôi hám” (funky).
Những định kiến và trò đùa tưởng như vô hại trên truyền thông đã coi nhẹ giá trị của phụ nữ châu Á. Cơ thể họ bị “vật hóa”, còn cơ quan sinh dục bị đem ra làm trò cười.
Có nhiều học giả khẳng định đàn ông phương Tây yêu thích phụ nữ châu Á vì nghĩ họ là người mềm mỏng, hiền lành và truyền thống. Tuy nhiên, một số kẻ theo đuổi họ vì mộng tưởng “thuộc địa”: cứu giúp, thuần hóa và truyền bá văn minh cho xã hội phương Đông lạc hậu.
Thực tế, vào thời chiến, khi các nước phương Tây xâm lược và đồng hóa nước khác, họ thường bắt đầu từ lực lượng yếu thế hơn như phụ nữ và trẻ em.
Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (White supremacism)
Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là niềm tin cho rằng các tộc người da sáng (hoặc trắng), tóc vàng, mắt xanh có khả năng sinh học vượt trội hơn chủng người khác. Từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa này được rất nhiều chính trị, nhà khoa học ủng hộ và coi là điều hiển nhiên.
Để củng cố cho niềm tin về da trắng siêu việt, các bài kiểm tra về trí thông minh được thực hiện, tại đó cho thấy người châu Âu đạt điểm số nổi bật.
Những nhà văn người Anh thời điểm này như Rudyard Kipling, Charles Kingsley, Thomas Carlyle, tin rằng người châu Âu có trách nhiệm truyền bá nền văn minh đến tộc người khác thông qua chủ nghĩa đế quốc.
Năm 2016, khi Donald Trump thực hiện các chính sách chống dân nhập cư, tộc người thiểu số và thề sẽ xây biên giới Mỹ - Mexico, các báo cáo về hate crime và tình trạng tấn công người thiểu số (người Hồi giáo, người La Tinh, dân Do Thái, dân châu Á) tăng cao rõ rệt. Trump là vị tổng thống có được sự ủng hộ lớn của người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Đừng giải quyết vấn đề ở phần ngọn
Trước hết cần phải hiểu phân biệt chủng tộc không phải là việc người da trắng coi thường những dân tộc còn lại, đó là niềm tin về một chủng tộc có những đặc tính, khả năng vượt trội hơn chủng tộc khác, từ đó hình thành định kiến, phân biệt đối xử.
Nói cách khác, bất kỳ dân tộc nào cũng có thể hình thành tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Có thể bạn không nhận ra, người Việt mình, đôi khi cũng có những định kiến về màu da, quốc tịch. Như cách chúng ta nhìn nhận sự khác nhau giữa người Mỹ gốc Phi và người Mỹ da trắng.
Nhưng có lẽ, không đâu trên thế giới mà sự phân biệt lại rõ rệt như ở Mỹ. Trong một xã hội đa chủng tộc, định kiến và các khuôn mẫu đã hình thành trong hệ tư tưởng ngay từ khi họ sinh ra (system racism).
Sự thiên vị và thành kiến không chỉ thể hiện trong các chính sách quản lý, mà cả người da trắng tin rằng mình ủng hộ quyền bình đẳng sắc tộc cũng có những thiên kiến vô thức về người da màu, người châu Á (implicit bias).
Đứng trước tình cảnh bạo lực gia tăng, nhà văn đoạt giải Pulitzer Việt Thanh Nguyễn cho rằng vấn đề cần phải được giải quyết từ gốc rễ. Bắt đầu từ việc truyền thông cần ngưng làm méo mó hình ảnh phụ nữ châu Á, giáo dục về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc (anti-racist) và kiểm soát quyền sử dụng súng.
Anh tin rằng “giáo dục về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc vẫn chưa đủ mạnh ở Mỹ”. Theo quan sát của anh, khi cộng đồng người thiểu số đề cập đến các phong trào chống phân biệt chủng tộc, họ chỉ nhận lại những cái phủi tay “bạn đang quá nhạy cảm mà thôi”, hoặc tệ hơn, bị vặn ngược lại là “phân biệt chủng tộc”.
Làm người thiểu số thì thế nào?
Dân tộc Kinh chiếm gần 90% dân số cả nước. Nếu bạn sinh ra là người Kinh và lớn lên ở Việt Nam, bạn đã thuộc đại đa số.
Tình trạng phân biệt chủng tộc chưa được thể hiện rõ rệt ở một nước đơn chủng như Việt Nam, nhưng lại xảy ra chuyện kỳ thị vùng miền, phân biệt dân tộc. Khi chưa trải qua cảm giác của người thiểu số, cộng với thiếu kiến thức về sự đa dạng, ta dễ rơi vào cái bẫy của định kiến ngầm như “tuy là người dân tộc nhưng học rất giỏi”. Một sự hạ thấp ẩn mình trong một lời khen.
Xã hội Việt Nam dẫu còn tồn tại định kiến vùng miền, nhưng khi bước ra ngoài lãnh thổ và chứng kiến sự kỳ thị nhắm vào mình, họ có thể liên minh thành những cộng đồng châu Á mạnh mẽ nhất.
Mỗi dân tộc đều ít nhiều có thành kiến về tộc người khác. Để thích ứng với thế giới đầy phức tạp, não bộ của chúng ta đơn giản hóa mọi thứ bằng những lối tắt, ta cất thông tin vào những chiếc tủ phân loại có nhãn dán. Những lối tắt này lại gốc rễ của sự phân biệt, thành kiến, và có khả năng làm lu mờ những suy nghĩ sáng suốt nhất.
Khi lên kế hoạch du học, định cư, bạn tất nhiên cần tìm hiểu về đất nước mình sắp tới, nhưng bạn cũng cần hiểu rõ về cội nguồn của chính mình, nghiên cứu về những thách thức, mâu thuẫn và xung đột giữa 2 quốc gia. Nền tảng kiến thức này chính là yếu tố giúp thay đổi định kiến về châu Á ở phương Tây.
#Opinion là series có ý kiến.